Bộ Giao thông muốn để ACV độc quyền 22 sân bay, chỉ xã hội hoá 3 cảng nhỏ

09/01/2020 09:12

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ngành về "định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.  Định hướng này trên cơ sở Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng trình Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ Giao thông muốn để ACV độc quyền 22 sân bay, chỉ xã hội hoá 3 cảng nhỏ

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ngành về "định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.  Định hướng này trên cơ sở Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng trình Bộ Giao thông Vận tải.

* Bộ Giao thông tiếp tục kiến nghị tăng phí BOT, dùng vốn ACV sửa sân bay

* Đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

* Có yên tâm giao ACV làm sân bay Long Thành ?

Đề xuất tư nhân chỉ được làm 3 sân bay

Mặc dù tiêu đề của báo cáo là "Định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không" song, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chỉ xã hội hoá tại các cảng hàng không nhỏ, sản lượng khai thác và hiệu quả sản xuất kinh doanh có khả năng thu hồi vốn chậm. 

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, kế hoạch đầu tư trung hạn đến giai đoạn 2025, ACV chưa lập kế hoạch đầu tư cho các Cảng hàng không Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị. Vì thế, Bộ đề xuất kêu gọi xã hội hoá toàn cảng với ba sân bay này theo mô hình PPP hoặc BOT như sân bay Vân Đồn. 

Dẫn kinh nghiệm các nước trên thế giới, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, PPP được áp dụng tại các cảng hàng không mới quy mô nhỏ, vừa đồng thời được thực hiện đầu tư cho toàn bộ cảng như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chứ không phải chỉ một số hạng mục công trình có khả năng sinh lời cao.

Không thực hiện PPP tại các cảng trung chuyển, có vị trí và vai trò quan trọng với an ninh, quốc phòng. Hiện nay, khung pháp lý quy định về xã hội hoá đầu tư, đặc biệt các quy định liên quan đến phạm vi công trình đầu tư, mô hình và tiêu chí đánh giá lựa chọn chủ đầu tư, quy trình đầu tư xây dựng công trình hàng không chưa hoàn chỉnh. 

"Do vậy, việc thực hiện đầu tư PPP cần xây dựng lộ trình, mô hình thí điểm tại các cảng hàng không mới, có quy mô nhỏ, thiếu hụt nguồn vốn đầu tư sau đó tổ chức đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm, điều chỉnh để hoàn thiện rồi mới nhân rộng đảm bảo hiệu quả thực hiện", Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.

sa pa
Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Sa Pa.

"Bật đèn xanh" cho ACV độc quyền 22 sân bay

Trừ 3 cảng hàng không nhỏ trên, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng với 22 sân bay đang được ACV quản lý khai thác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Danh mục 22 cảng này gồm: Nội Bài, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới, Thọ Xuân, Điện Biên, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau và Nà Sản.

Đây là những sân bay chỉ có thể thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không.

Đáng lưu ý, việc tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hàng mục này lại được giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Lý giải việc tiếp tục duy trì vị thế "độc quyền" cho ACV, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng do ACV là công ty cổ phần, nhà nước chi phối giữ đến 95,4% vốn điều lệ.  ACV có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, bộ máy trong quản lý đầu tư, khai thác, kinh doanh cảng hàng không, đặc biệt là quản lý khai thác khu bay. 

Về khả năng cân đối nguồn lực tài chính của ACV, giai đoạn 2019-2025, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cải tạo nâng cấp mở rộng tại 21 sân bay hiện hữu và cảng hàng không Nà Sản đến năm 2025 khoảng 71.300 tỷ đồng. 

Theo kết quả sản xuất kinh doanh dự kiến đến năm 2025, dòng tiền tích lũy của ACV từ hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2019 - 2025 khoảng 83.700 tỷ đồng và tiền mặt hiện có hơn 24.200 tỷ đồng. Ngoài việc đảm bảo dòng tiền đầu tư 21 sân bay, ACV đảm bảo bố trí 40 - 45% vốn đối ứng vay vốn cho dự án sân bay Long Thành.

Giai đoạn 2026-2030, dự kiến nhu cầu vốn khoảng 86.000 tỷ đồng.  Dòng tiền tích luỹ giai đoạn này là 130.969 tỷ đồng trong trường hợp ACV được giao là chủ đầu tư các hạng mục thiết yếu của Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Nếu ACV không được làm sân bay Long Thành thì đến giai đoạn sau không đảm bảo được dòng tiền tích luỹ để tiếp tục đầu tư 22 cảng hiện hữu.

Lo cổ đông nước ngoài hưởng lợi, bất công doanh nghiệp trong nước 

Xã hội hoá đầu tư là huy động mọi nguồn lực của xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không và cung cấp dịch vụ hàng không.

Việc Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải đề xuất và "khoanh vùng" những cảng hàng không có "siêu lợi nhuận" để giao cho ACV quản lý khác mà chỉ xã hội hoá những cảng hàng không nhỏ liệu có đi ngược lại với chủ trương của nhà nước là khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân?

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng không nói: Việc duy trì vị thế độc quyền của ACV ở 22 sân bay hiện hữu (trừ sân bay Vân Đồn) và siêu dự án sân bay Long Thành không phù hợp với xu thế thế giới và chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của nhà nước.

Cũng theo ông Nam, nếu ACV duy trì độc quyền sân bay thì việc cổ phần hóa doanh nghiệp này rõ ràng là sai và bắt buộc phải sửa, nếu không các cổ đông tư nhân, nước ngoài ở ACV sẽ tiếp tục được hưởng siêu lợi nhuận, bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác và với người sử dụng các dịch vụ hàng không. 

"Bây giờ mà tính chuyện độc quyền sân bay e không còn hợp thời nữa, kể cả ở Việt Nam. Đã mở cửa bầu trời, có nhiều hãng hàng không tham gia thì cũng phải xã hội hóa đầu tư, quản lý, vận hành hạ tầng sân bay. Nếu không thì sẽ luôn luôn thiếu hạ tầng sân bay để tăng trưởng vận tải hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu", Tiến sĩ Lương Hoài Nam khẳng định.

Nói thêm về việc cổ phần hoá ACV, Tiến sĩ Lương Hoài Nam nhấn mạnh, ACV đã trở thành một doanh nghiệp sân bay kỳ lạ, khác hẳn các nhà phát triển sân bay khác. 

Ví dụ AOT ở Thái Lan, BAA ở Anh, các tổng công ty sân bay ở Trung Quốc…, đều đầu tư toàn bộ hạ tầng khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ), toàn bộ hoặc một phần các công trình ngoài khu bay (ga hành khách, ga hàng hóa, các công trình thương mại, dịch vụ…). 

Riêng ACV thì lại không bao gồm khu bay. Theo quy định hiện hành, khu bay do nhà nước đầu tư và sở hữu, giao cho ACV quản lý khai thác với mức phí thu hộ không đủ cho duy tu, bảo dưỡng các công trình.

KIỀU LINH

VnEconomy

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma