Bộ Giao thông vẫn muốn xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn trên nóc

17/06/2019 21:55

Trong dự thảo lần thứ 9 của nghị định thay thế nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải bảo lưu quy định xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn có chữ “XE HỢP ĐỒNG” nên nóc.

Bộ Giao thông vẫn muốn xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn trên nóc

Trong dự thảo lần thứ 9 của nghị định thay thế nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải bảo lưu quy định xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn có chữ “XE HỢP ĐỒNG” nên nóc.

Bộ Giao thông vận tải vẫn muốn xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn trên nóc - Ảnh 1.
Taxi công nghệ và taxi thông thường đón trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cụ thể, dự thảo quy định: trường hợp ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ "XE HỢP ĐỒNG" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30cm.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đã nghiên cứu  kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe... khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe) theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. 

Bộ này cũng đã nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, từ đó thống nhất với Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo nghị định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải mục đích của việc bổ sung nội dung này: Bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải).

Bên cạnh đó, làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm dẫn đến ùn tắc giao thông).

Cuối cùng là để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Quy định này đã tiếp thu và có sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP.HCM, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số Sở giao thông vận tải.

Bộ GT-VT cũng khẳng định đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế hiện nay của một số nước như Thái Lan, Singapore, và thành phố Washington, nơi xe ứng dụng công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung điều 35 quy định về đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải: Đơn vị chỉ cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.

Đơn vị cung cấp nền tảng phải đáp ứng các yêu cầu:

- Ghi nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng và chuyển yêu cầu vận chuyển đến đơn vị kinh doanh vận tải đang tham gia trong nền tảng;

- Thực hiện vai trò là đơn vị trung gian để đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện thỏa thuận giá cước và điều động phương tiện, lái xe thực hiện vận chuyển;

- Ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của lái xe để thông tin đến đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh dịch vụ vận tải đã cung cấp;

- Tuân thủ quy định về an toàn thông tin đối với các thông tin dữ liệu của hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe theo Luật an toàn thông tin mạng;

- Chỉ được cung cấp dịch vụ nền tảng cho đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô;

- Thực hiện lưu trữ toàn bộ lịch sử các giao dịch đã thực hiện trên nền tảng để phục vụ thanh kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu là 3 tháng.

* Dự thảo nghị định thay thế nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô - Bộ Giao thông vận tải

TUẤN PHÙNG

Tuổi trẻ

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma