BoJ có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng

17/12/2018 21:44

BoJ được nhận định sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng ngay cả khi nhiều năm bơm tiền mua trái phiếu đã làm cạn thanh khoản trên thị trường và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

BoJ có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng

BoJ được nhận định sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng ngay cả khi nhiều năm bơm tiền mua trái phiếu đã làm cạn thanh khoản trên thị trường và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Ảnh: EPA

Khi rủi ro đối với kinh tế toàn cầu gia tăng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản(BoJ) được cho là cũng sẽ như các ngân hàng trung ương khác lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ đe dọa đến tăng trưởng và duy trì chính sách tiền tệ hiện hành.

Tại cuộc họp chính sách trong hai ngày 19-20/12 tới, BoJ được nhận định sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng ngay cả khi nhiều năm bơm tiền mua trái phiếu đã làm cạn thanh khoản trên thị trường và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, còn các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu đang rút dần chương trình kích thích áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng.

Kết thúc cuộc họp, BoJ cũng có thể sẽ duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và mục tiêu lãi suất 10 năm ở mức khoảng 0%.

Trong khi có thể giữ nguyên quan điểm cho rằng kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng vừa phải, hội đồng điều hành gồm 9 thành viên của BoJ sẽ cảnh báo những rủi ro gia tăng đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu tại Trung Quốc tăng chậm hơn và các thị trường tài chính biến động.

Những lo ngại về tác động tiềm ẩn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu được đưa ra hồi tháng 10. Những trở ngại bên ngoài gia tăng cũng khiến các thị trường điều chỉnh dự báo về số lần tăng lãi suất tại Mỹ.

Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản giảm sút trong quý III/2018, nhưng giới phân tích nhận định tăng trưởng kinh tế của nước này bứt lên vào cuối năm, khi tiêu dùng trong nước mạnh đã hạn chế tác động từ căng thẳng thương mại và nhu cầu toàn cầu tăng chậm hơn.

Các doanh nghiệp Nhật Bản chưa có dấu hiệu chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại, khi khảo sát do BoJ tiến hành hàng quý cho thấy các doanh nghiệp lớn vẫn có các kế hoạch chi tiêu vốn.

Tuy nhiên, những rủi ro lớn hơn có thể khiến mục tiêu lạm phát 2% của BoJ sẽ chậm đạt được hơn, với lạm phát giá tiêu dùng lõi vẫn ở mức 1% trong tháng 10.

Lạm phát thấp đã buộc BoJ phải duy trì các biện pháp kích thích mặc dù việc kéo dài các biện pháp này có mặt trái của nó, như ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng do lãi suất ở mức gần 0%.

Lê Minh (Theo Reuters)

Bnews

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma