“Chảo lửa” Cảng Hải Phòng nóng như thế nào?

21/08/2018 13:05

Là một trong những cụm cảng hàng đầu ở Việt Nam, Cảng Hải Phòng là điểm đến không thể bỏ lỡ của các doanh nghiệp khai thác cảng và vận tải đường thủy. Nhưng với tình trạng “đất chật người đông”, cuộc chiến của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết ở “chảo lửa” này đang nóng hơn bao giờ hết.

“Chảo lửa” Cảng Hải Phòng nóng như thế nào?

Là một trong những cụm cảng hàng đầu ở Việt Nam, Cảng Hải Phòng là điểm đến không thể bỏ lỡ của các doanh nghiệp khai thác cảng và vận tải đường thủy. Nhưng với tình trạng “đất chật người đông”, cuộc chiến của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết ở “chảo lửa” này đang nóng hơn bao giờ hết.

Cảng Hải Phòng: Chuyện cạnh tranh càng ngày càng nóng

Theo báo cáo ngành cảng biển của CTCK Rồng Việt (VDSC) hồi cuối tháng 6/2018, nhìn lại năm 2017, các cảng biển tại Hải Phòng đã xử lý tổng cộng 4.5 triệu TEU container trong năm 2017, tăng 11.1% so với năm trước, đạt 30% tổng sản lượng container tại Việt Nam. Dự báo rằng sản lượng container của Hải Phòng trong năm 2018 đạt khoảng 5 triệu TEU (tăng trưởng 12% so với năm trước).

Mặc dù có sự tăng trưởng ổn định về sản lượng, tình trạng thừa cung từ lâu đã là vấn đề nhức nhối tại đây. Thời gian tới, việc có thêm hàng loạt dự án ở khu vực này như Nam Đình Vũ giai đoạn 2, cảng Mipec, cảng Vinalines, các bến mở rộng của Lạch Huyện sẽ tiếp tục đặt tình trạng này vào tình thế căng thẳng hơn.

Mặt khác điều kiện địa lý, hệ thống các cảng nằm sâu ở thượng nguồn sông Cấm bị hạn chế về luồng lạch hàng hải nên không thể tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn. Kết quả là sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Hải Phòng có xu hướng dịch chuyển về phía hạ nguồn. Trong khi đó, việc xây dựng cầu Bạch Đằng là nhân tố ảnh hưởng rất lớn tới sự phân hóa này (chiều cao tĩnh không của cầu 48.4m, chỉ đảm bảo cho tàu trọng tải dưới 20,000 DWT đi qua).

Mới đây, cảng nước sâu Lạch Huyện do HICT đầu tư đã đi vào hoạt động càng làm tình trạnh cạnh tranh thêm nóng. Cụ thể, cảng Lạch Huyện có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh nằm ở thượng lưu về vị trí. Cảng này có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50,000 DWT đủ tải hoặc 100,000 DWT (khoảng 8.000 TEU) với khả năng đi qua châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Điều này có nghĩa là hàng hóa có thể được vận chuyển trực tiếp đến châu Mỹ, châu Âu,... mà không cần phải vận chuyển bởi các tàu feeder để chuyển tải tại các trung tâm trung chuyển container trong khu vực (Hong Kong, Singapore, vv ..) như trước và ngược lại.

Doanh nghiệp đau đầu với cạnh tranh

Điều kiện cạnh tranh khốc liệt tại cảng Hải Phòng cũng được thể hiện rõ trong kế hoạch hoạt động năm 2018 của các doanh nghiệp niêm yết tại khu vực này.

Là công ty cộm cán ở Cảng Hải Phòng, CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) nhận định năm 2018 tình trạng cạnh tranh ở cảng Hải Phòng diễn ra gay gắt, nhất là đối với mặt hàng container do một số cảng container mới được xây dựng tại khu vực Đình Vũ được đưa vào khai thác. Đặc biệt, việc cầu Bạch Đằng dự kiến sẽ tiến hành hợp long đầu năm sẽ ảnh hưởng đến các cảng trong khu vực phía thượng lưu cầu Bạch Đằng, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động của các Cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ (cảng PHP khai thác) do hạn chế tiếp cận các tàu lớn. Theo đó, Công ty đặt kế hoạch doanh thu cả năm ước đạt 1,759 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu từ hoạt động khai thác cảng ở mức 1,603 tỷ đồng, tăng trưởng 11%. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch đạt 363.4 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm trước.

Không được lạc quan như PHP, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) đơn vị khai thác cảng Hải An, đánh giá Công ty sẽ gặp nhiều thách thức khi hoạt động khai thác cảng ở Hải Phòng sẽ rơi vào tình trạng cạnh tranh cao với hai cảng Nam Đình Vũ và Cảng Quốc tế Lạch Huyện được đưa vào khai thác. Thêm vào đó, nhiều hàng tàu sẽ thay thế các tàu hiện tại bằng tàu lớn hơn sẽ làm giảm lượng tàu vào cảng Hải An. Trước tình hình trên, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi sau thuế năm 2018 lần lượt đạt 1,118 tỷ đồng và 132 tỷ đồng. So với năm trước, Công ty dự kiến lợi nhuận giảm hơn 10%.

Cùng chung mối lo về tình trạng cạnh tranh các doanh nghiệp ở đây, CTCP Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (UPCoM: PSP) đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 196.2 tỷ đồng và 18.53 tỷ đồng, so với năm 2017, Công ty chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng nhẹ 1.6% về doanh thu, còn lợi nhuận sau thuế thì gần như đi ngang.

Với lợi thế khai thác cảng Vip Green ở thượng nguồn, CTCP Cảng Xanh Vip (UPCoM: VGR) đặt mục tiêu khá khả quan, 580 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018, tăng trưởng hơn 7% về doanh thu và 25% về lợi nhuận so với năm trước đó.

Được cho là đối thủ đáng gờm của hầu hết các doanh nghiệp ở chảo lửa này với hai lá bài Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ giai đoạn 1, CTCP Gemandept (HOSE: GMD) đặt chỉ tiêu doanh thu khai thác cảng năm 2018 đạt 2,183 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, trong tình trạng cạnh tranh gay gắt, hầu hết các doanh nghiệp khai thác các cảng ở khu vực cảng Hải Phòng đều đặt kế hoạch khá thận trọng. Ngay cả những doanh nghiệp khai thác cảng có vị trí đắc địa hơn ở hạ nguồn sông Cấm như PSP, VGR cũng chỉ đặt mục tiêu khá cầm chừng.

Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2018

Nhìn qua kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 của các doanh nghiệp này đã phần nào phản ánh được tình hình cạnh tranh ở “chảo lửa” này.

Sản lượng 6 tháng đầu năm của công ty con Cảng Hoàng Diệu (nằm ở thượng nguồn sông Cấm) giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 một phần do phạm vi hoạt động bị giảm xuống. Mặt khác, Cảng Hoàng Diệu chịu tác động mạnh từ tình hình cạnh tranh gay gắt khiến sản lượng và cơ cấu hàng hóa qua các cảng giảm sụt. Kết quả là nửa đầu 2018, PHP ghi nhận doanh thu đạt mức 980.5 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Về mặt lợi nhuận, Công ty báo lãi ròng 158.3 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu của HAH
Nguồn: BCTC của HAH

Là doanh nghiệp duy nhất đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi, HAH lại có doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tới hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 496 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty cũng chỉ duy trì được lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ, ở mức 70 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này tới từ việc HAH chuyển hướng từ hoạt động khai thác cảng sang tập trung vào khai thác tàu. Nửa đầu năm 2018, doanh thu từ khai thác tàu của HAH đạt tới 375.9 tỷ đồng, tăng hơn 155% so với cùng kỳ, trong khi đó doanh thu từ khai thác cảng chỉ ở mức 118.5 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Về phần PSP, nửa đầu năm 2018, doanh thu của Công ty đạt mức 119.5 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi ròng của Công ty chỉ đạt 8.4 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

VGR lại là ví dụ điển hình cho lợi thế vị trí ở khu vực này. Khai thác cảng Vip Green ở hạ nguồn sông Cấm, nửa đầu 2018, Công ty công bố kết quả doanh thu đạt tới gần 357 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng đạt 76.5 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Đà tăng trưởng này chủ yếu nhờ lượng tàu khai thác tại cảng Vip Green tăng 34 chuyến trong quý 2/2018 so với cùng kỳ kéo doanh thu bốc xếp tại cầu tàu và doanh thu nâng hạ tại bãi tăng mạnh so với cùng kỳ.

Còn GMD báo doanh thu hoạt động khai thác cảng nửa đầu năm 2018 đạt 1,038.18 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ bớt chi phí giá vốn, hoạt động khai thác cảng của Công ty đạt mức lãi gộp 433 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Chí Kiên

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma