Chợ đêm ở Việt Nam "mắc bệnh"... nhạt

19/08/2019 21:12

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch khi nói về các khu chợ đêm tại một số điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam.

Chợ đêm ở Việt Nam "mắc bệnh"... nhạt

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch khi nói về các khu chợ đêm tại một số điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam.

Chợ đêm ở Việt Nam 'mắc bệnh'... nhạt
Hình ảnh chợ đêm Đà Lạt
Lâm Viên

Đề xuất sáng đèn chợ Bến Thành về đêm của Sở Du lịch TP.HCM được kỳ vọng sẽ giúp thành phố hình thành nên một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách. Tuy nhiên một khu chợ, một điểm đến không phải cứ hoạt động vào buổi tối là thành sản phẩm du lịch về đêm. Nếu không thay đổi về phương án tổ chức, chợ Bến Thành rất dễ bị... lây căn bệnh mà nhiều chợ đêm tại Việt Nam đang mắc phải: Bệnh nhạt!

Tới chợ đêm để tiêu tiền 

Từ khóa đầu tiên trong danh sách tìm kiếm của Hà Linh (25 tuổi, một cộng tác viên bán tour cho các đại lý tại Hà Nội) khi vừa đặt chân đến Bangkok - Thái Lan đó là "các khu chợ đêm nổi tiếng ở Bangkok". Sau khi một danh sách dài các khu chợ, phố ẩm thực hiện lên, Linh tỉ mẩn bấm vào xem từng hình ảnh, đọc từng "review" (tóm tắt nhận xét) của từng nơi, sau đó vừa hào hứng vừa thở dài: "Tiếc thật, chỉ có 3 đêm mà chỗ nào cũng vui thế này sao đi hết được!".

Linh chia sẻ bạn có cơ hội được đi khá nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc... và dù ở đâu, các khu chợ, phố đi bộ, phố ẩm thực cũng đều là nơi vui nhất, thu hút nhất.

Không chỉ là khu ăn uống, cảm nhận văn hóa người bản địa, một khu chợ đêm thành công có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của toàn địa phương. Đơn cử, sản phẩm “đinh” hút khách rất mạnh của Phú Quốc hiện nay là chợ đêm Phú Quốc (ngã ba Bạch Đằng - Nguyễn Đình Chiểu). Theo thống kê năm 2017, trung bình mỗi đêm, chợ này đón khoảng 2.500 lượt khách, mức chi tiêu bình quân 70 USD/người. Khánh thành chưa đầy 2 năm, chợ đêm Phú Quốc đã thu hút 3.500 khách/đêm, chi tiêu bình quân tăng lên 150 USD/người (số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2019). Như vậy trung bình 1 ngày, riêng chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỉ đồng. Chưa kể, giá trị bất động sản và giá trị dịch vụ xung quanh chợ đêm này trong bán kính 1 km đã tăng lên 300%, tiểu thương, người dân hưởng lợi lớn.

Đó là lý do vì sao các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Huế... khi đặt vấn đề xây dựng sản phẩm về đêm, chữa "căn bệnh trầm kha" khách đến nhiều chi tiêu ít, việc đầu tiên nghĩ tới là quy hoạch phố đi bộ, xây dựng chợ đêm mang thương hiệu địa phương.

Ở Bắc Kinh (Trung Quốc), chính quyền còn cam kết hỗ trợ 700.000 USD cho các hoạt động phát triển kinh doanh ban đêm tại 10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng sẽ được hỗ trợ khoảng 70.000 USD. Chính sách này tuy mới được áp dụng nhưng đã ngay lập tức đem lại hiệu quả khi theo một số liệu thống kê chưa chính thức, tại các con phố đi bộ như Wangfujing, Qianmen, Xidan hay khu trung tâm Sanlitun, doanh số tại các cửa hàng tăng trên 50% trong vòng 3 tháng qua.

Các khu chợ đêm ở Việt Nam chủ yếu bán... hàng nhái, hàng dỏm N.T.T

Thất bại vì... nhạt!

Tại Việt Nam, chỉ trừ số ít mô hình thành công như chợ đêm Phú Quốc, các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Huế... đều chưa hình thành được khu chợ đêm, phố ẩm thực đúng nghĩa.

Nếu đem so với "thiên đường mua sắm khổng lồ" Chatuchack của Thái Lan với diện tích gần 11 ha, những "thiên đường ẩm thực" tại Đài Loan như chợ đêm Tây Môn Đình, chợ đêm Cao Hùng hay phố đi bộ với hàng ngàn nhánh đường xương cá khiến du khách như lạc lối ở Seul (Hàn Quốc) mới thấy, chợ đêm, phố đi bộ tại nhiều điểm du lịch của Việt Nam thật sự quá ... tệ.

Điển hình, là một trong những điểm phải đến khi tới Đà Lạt, là nơi các bạn trẻ đánh dấu mỗi lần tới "xứ sở sương mù" bằng một tấm hình "check-in" nhưng chợ đêm Đà Lạt (còn gọi là chợ âm phủ) đang dần trở thành điểm trừ lớn nhất đối với ngành du lịch của thành phố này. Từ đầu đến cuối khu chợ, các quầy hàng quần áo, giày dép, túi xách gần như bán đồ giống hệt nhau và đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Trái cây, hoa quả được giới thiệu là đặc sản địa phương nhưng thực chất đa số vẫn là hàng Tàu. Các hộ kinh doanh xả rác bừa bãi, mùa mưa, hệ thống thoát nước kém khiến nước chảy chậm, toàn khu chợ nhớp nháp mất vệ sinh. Chưa kể tình trạng hét giá, cò cưa, giao tiếp giữa người bán và khách hàng vẫn thường xuyên diễn ra.

Tương tự, là trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, nơi quy tụ nền văn hóa ẩm thực của nhiều vùng miền nhưng các khu chợ đêm, khu mua sắm tại TP.HCM vẫn chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Khu chợ đêm "nổi tiếng" nhất hiện nay là chợ đêm Bến Thành (nằm tại hai bên hông chợ Bến Thành phía đường Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu) nhưng chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ phụ kiện, trang sức… hàng “fake”, hàng nhái, hàng Trung Quốc kém chất lượng. Không những thế, chiều dài tuyến đường ngắn, cộng thêm việc xe cộ được phép lưu thông khiến toàn khu chợ lúc nào cũng trong tình trạng hỗn loạn, kém an toàn.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đánh giá nhìn chung, các khu chợ đêm tại Việt Nam hiện nay chưa thu hút là do người bán vẫn nghĩ họ đang mưu sinh, chưa có khái niệm đang làm du lịch. Không có sáng tạo, ý tưởng trong cách bán, các khu chợ đêm thường rất buồn tẻ và... nhạt.

Theo bà, chợ đêm phải vui. Khách đến không chỉ mua sắm, ăn uống mà phải cảm thấy được thư giãn, vui vẻ, được trải nghiệm bằng nhiều giác quan. Cũng một quầy nước dừa, nước cam nhưng tiểu thương ở nước ngoài họ sẽ nghĩ ra cách chặt, bổ hoặc xếp vỏ trái độc đáo để thu hút, kích thích sự tò mò của du khách. Vì thế nên không khí chợ đêm tại các nước luôn vui vẻ, nhộn nhịp, hứng khởi.

Bên cạnh đó, chợ đêm có thể không cần mặt hàng độc đáo nhưng rất cần "cái hồn" riêng. Ví dụ đến Hội An, Huế, chợ đêm có hồn rất riêng, được xây dựng từ khung cảnh, từ phong cách người bán hàng. Vấn đề là làm sao để xây dựng nên một thương hiệu chợ đêm mà chỉ có đến nơi đó du khách mới được cảm nhận, được trải nghiệm. Đây cũng là điều mà chợ đêm tại TP.HCM đang thiếu.

"Sự thiếu sót này đến từ trách nhiệm của ngành du lịch TP là chưa làm được công tác truyền thông, hướng dẫn mỗi người dân, hộ kinh doanh phải làm du lịch thế nào. Hiện Sở Du lịch TP đang xây dựng 2 đề án: Hỗ trợ người dân làm du lịch - không chỉ có những bộ quy tắc ứng xử văn minh , truyền thông mà còn có hỗ trợ về cơ chế với những hộ làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... và Đề án mỗi người dân là đại sứ du lịch. Chúng tôi sẽ triển khai như một chiến dịch truyền thông, chọn thí điểm một số khu vực để hình thành du lịch cộng đồng đô thị. Chỉ khi mỗi người dân thực sự xác định mình là 1 người làm du lịch, là đại sứ hình ảnh thì du lịch TP.HCM mới có thể phát triển đột phá và bền vững" - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay.

Hà Mai

Thanh niên

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma