Chủ tịch SCIC: ‘Tự nhiên chúng tôi ngồi mát ăn bát vàng sao được’

07/01/2019 19:00

Đã có những lúc dư luận đặt câu hỏi vì sao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lại đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào Vinaconex. Tuy nhiên, tới khi bán, khoản thu về trong thương vụ này lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.

Chủ tịch SCIC: ‘Tự nhiên chúng tôi ngồi mát ăn bát vàng sao được’

Đã có những lúc dư luận đặt câu hỏi vì sao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lại đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào Vinaconex. Tuy nhiên, tới khi bán, khoản thu về trong thương vụ này lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Đó là một trong những dấu ấn đáng nhớ được lãnh đạo SCIC nói tới khi nhìn lại năm 2018, một năm theo đánh giá là khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Nộp ngân sách gần 7.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, đến hết năm 2018, doanh thu của SCIC ước là 12.582 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch.

Trong số này, cả ba mặt hoạt động đều có doanh thu tăng trưởng và vượt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu cổ tức ước là 3.399 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch, doanh thu bán vốn là 7.692 tỷ đồng, bằng 187% kế hoạch trong khi doanh thu tài chính đạt 1.480 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch.

Qua đó, theo ông Thành, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của SCIC ước là 9.467 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước là 8.253 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch và tương ứng 130% so với cùng kì năm 2017.

Trong năm 2018, SCIC dự kiến nộp ngân sách Nhà nước trên 6.990 tỷ đồng, đạt 154% so với kế hoạch.

Theo tổng kết, năm trước, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 14 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là hơn 4.055 tỷ đồng. Số vốn này tăng mạnh so với 2 năm trước liền kề (vốn tiếp nhận khoảng 1.000 tỷ đồng/năm). Đáng chú ý trong số này là một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex, Tổng công ty Ligogi,...

Riêng về bán vốn, một trong những thương vụ lớn được lãnh đạo SCIC nhắc tới là triển khai bán vốn tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh hồi tháng 3/2018. Với thương vụ này, giá vốn chỉ la 145 tỷ đồng nhưng đã bán được 2.330 tỷ đồng, tức là chênh lệch tới 2.185 tỷ đồng.

Tới tháng 11/2018, SCIC đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (VCG). Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được là hơn 7.366 tỷ đồng. Với thương vụ này, giá vốn là 2.549 tỷ đồng, tức là chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng, vượt cao hơn nhiều so với mức dự kiến.

"Không vấn đề gì có thể tạo ra sai phạm'

Nói thêm về khoản đầu tư vào Vinaconex, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhớ lại, cách đây vài năm khi đầu tư vào Vinaconex hơn 2.000 tỷ đồng, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao lại để tiền vào một công ty thua lỗ như thế.

Tuy nhiên, theo ông, nếu không đầu tư vào thời điểm ấy, công ty sẽ phá sản và vốn Nhà nước bị mất. Sau đó, Vinaconex đã dần dần vượt qua khó khăn, lợi nhuận được chia tăng dần.

"Tự nhiên chúng tôi ngồi mát ăn bát vàng làm sao được," ông Chi nói.

Trả lời về kết quả kiểm toán tại SCIC, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nguyễn Chí Thành cho biết: Tổng hợp kết luận, kiến nghị không vấn đề gì. Theo ông, chỉ một phần liên quan tới đầu tư tại khu đất số 6 Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) Kiểm toán Nhà nước yêu cầu SCIC rút kinh nghiệm để triển khai.

"Đánh giá chung của Kiểm toán Nhà nước là SCIC chấp hành đúng chủ trương, quy định về quản lý tài chính, chế độ kế toán, các văn bản pháp luật liên quan tới sản xuất, kinh doanh, quản lý, sử dụng vốn, tài sản. Kiểm toán Nhà nước đã có biên bản, kết luận và không có vấn đề gì có thể tạo ra sai phạm," ông Thành lên tiếng.

Cũng theo ông, một số khoản đầu tư SCIC tiếp nhận từ doanh nghiệp khác. Do tồn tại tài chính từ trước nhưng do còn phần vốn Nhà nước vẫn còn nên SCIC nhận và phải tiếp tục tái cơ cấu. SCIC đã thực hiện phân loại, đưa vào danh mục thoái hoặc vào diện giám sát đặc biệt.

Tuy nhiên, lãnh đạo SCIC khẳng định vẫn bảo toàn vốn, không có tình trạng thất thoát. "Tổng danh mục vốn Nhà nước hiện là 1 tỷ USD nhưng giá trị vốn hóa thị trường độ 5 tỷ USD," ông nói.

Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh, về đầu tư, phía SCIC đã nghiên cứu nhiều, kể cả thuê tư vấn tuy nhiên đây vẫn là vấn đề phải bàn tiếp trong năm 2019.

Ông bày tỏ mong muốn sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc tập trung 19 tập đoàn, tổng công ty về đây sẽ giúp SCIC tìm được cơ hội đầu tư ngay tại các đơn vị này.

Xuân Dũng

Vietnam+

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma