Chứng khoán Việt Nam: Một thập kỷ nhìn lại

24/01/2020 09:00

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa khép lại một thập niên, tuy biến động không mạnh như thập niên trước, nhưng cũng đã để lại vô vàn cảm xúc cho nhà đầu tư qua những thăng trầm - từ các đợt thị trường sụt giảm năm 2010-2013, dần hồi phục, rồi tăng mạnh lên đỉnh cao mới 1,204.33 điểm ngày 09/04/2018, sau đó giảm trở lại…

Chứng khoán Việt Nam: Một thập kỷ nhìn lại

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa khép lại một thập niên, tuy biến động không mạnh như thập niên trước, nhưng cũng đã để lại vô vàn cảm xúc cho nhà đầu tư qua những thăng trầm - từ các đợt thị trường sụt giảm năm 2010-2013, dần hồi phục, rồi tăng mạnh lên đỉnh cao mới 1,204.33 điểm ngày 09/04/2018, sau đó giảm trở lại…

Mặc dù gần đây, diễn biến TTCK không mấy sáng sủa nhưng xét trong suốt thập kỷ qua, VN-Index vẫn tăng hơn 94%, từ mức 494.44 điểm vào đầu ngày 04/01/2010 lên 960.99 điểm đóng cửa ngày 31/12/2019. Trong khi đó, Reuters cho biết thập kỷ vừa qua, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index) chỉ tăng 15%, MSCI toàn cầu (MSCI World index) tăng 104%.

Thập kỷ qua, VN-Index đạt mức cao nhất tại 1,204.33 điểm vào ngày 09/04/2018 và thấp nhất tại mức 336.73 điểm vào ngày 06/01/2012.

Theo thống kê của Vietstock, 2 sàn HOSE và HNX hiện có tổng cộng 787 doanh nghiệp niêm yết (DNNY), nếu tính cả sàn UPCoM thì có tổng cộng 1,659 doanh nghiệp. So với cách đây 10 năm, số lượng DNNY tăng gần 72%. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán tạo ra sự minh bạch và chuyên nghiệp hơn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Giờ đây, doanh nghiệp ngoài công bố thông tin theo quy định còn chủ động thực hiện hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) nhằm thông tin kịp thời tình hình hoạt động qua nhiều hình thức như tổ chức các buổi gặp mặt chuyên gia phân tích định kỳ, nhà đầu tư, ra các bản tin cập nhật kết quả kinh doanh. Ngoài thông tin tài chính, trong các báo cáo thường niên còn có thêm nhiều nội dung mới như báo cáo quản trị, phát triển bền vững, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn lập báo cáo theo chuẩn mực quốc tế bằng tiếng Anh.

Sau 10 năm, vốn hóa TTCK tăng gần 7 lần. Đến cuối năm 2019, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 4.39 triệu tỷ đồng, tương đương 72.66% GDP, tăng so với mức 35.55% GDP vào 10 năm trước (2010).

Đi cùng sự gia tăng về số lượng, quy mô doanh nghiệp lên sàn cũng có sự thay đổi. Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc các lĩnh vực hoạt động quan trọng của nền kinh tế, đã niêm yết cổ phần như Petrolimex (PLX), Vietnam Airlines (HVN), Vietjet Air (VJC)… qua đó tăng thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư khi nhiều doanh nghiệp trong số này có hoạt động kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Hiện, trên thị trường, số lượng doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD khá nhiều, nhiều công ty thậm chí còn chạm và vượt ngưỡng 10 tỷ USD như Vingroup (VIC), Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM)... điều mà trước đây ít người nghĩ tới.

Số lượng tài khoản giao dịch (TKGD) của nhà đầu tư, bao gồm cá nhân và tổ chức, đã tăng từ hơn 1.7 triệu tài khoản kể từ khi bắt đầu thống kê vào cuối tháng 1/2017 lên gần 2.4 triệu tài khoản vào cuối năm 2019. Nhiều nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và có nhiều kiến thức ứng phó với biến động thị trường hơn trước.

10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 10 năm qua có tỷ lệ sinh lời từ 1,113-18,893%. Trong khi đó, 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất 10 năm qua có mức giảm từ hơn 82-93%.

10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân (KLGDBQ) cao nhất 10 năm qua lần lượt là FLC, ROS, SHB, ITA, KLF, HQC, SCR, PVX, VPB, HAG.

Khi TTCK phát triển, việc phát hành huy động vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thuận lợi. Từ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Có thể nói TTCK đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Gia Nghi

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma