“Cơn sóng ngầm” tại API

16/11/2018 13:09

Kể từ đầu năm 2018, quỹ ngoại Asean Deep Value Fund (ADVF) đã thực hiện 10 đợt mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HOSE: API). Đến thời điểm 31/10/2018, ADVF sở hữu gần 6.56 triệu cp API, tương ứng tỷ lệ 18.53%. Dường như ADVF tin vào thành công của API lắm thì mới “kết” cổ phiếu công ty này đến vậy. Thế nhưng, chuyện không chỉ có thế, mối quan hệ giữa ADVF và ban lãnh đạo API vốn chẳng “cơm lành canh ngọt”.

“Cơn sóng ngầm” tại API

Kể từ đầu năm 2018, quỹ ngoại Asean Deep Value Fund (ADVF) đã thực hiện 10 đợt mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HOSE: API). Đến thời điểm 31/10/2018, ADVF sở hữu gần 6.56 triệu cp API, tương ứng tỷ lệ 18.53%. Dường như ADVF tin vào thành công của API lắm thì mới “kết” cổ phiếu công ty này đến vậy. Thế nhưng, chuyện không chỉ có thế, mối quan hệ giữa ADVF và ban lãnh đạo API vốn chẳng “cơm lành canh ngọt”.

Cuộc chạy đua của người trong cuộc và giai đoạn “phi mã” của API

Trở lại thời điểm 1/1/2017, ADVF khi ấy đã sở hữu hơn 4 triệu cp, tương ứng 11.7% tại API. Nhưng dường như quỹ này vẫn chưa hài lòng với con số đó. Trong giai đoạn 1/1-15/6/2017, ADVF liên tục thực hiện nhiều đợt mua, gom thêm tổng cộng 1.98 triệu cp.

Cảm giác thấy “hơi nóng phả sau lưng mình”, ông Nguyễn Đỗ Lăng – Chủ tịch HĐQT API lập tức mua vào hơn 3.5 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu lên 21.16%, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty.

Giai đoạn "phi mã" từ 1/1-15/6/2017 của cổ phiếu API

Trong giai đoạn diễn ra liên tiếp những đợt mua lại đó, cổ phiếu API tăng 263%, tạo đỉnh 36,300 đồng/cp vào ngày 13/06/2017, ngay trước thềm cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của API đúng 2 ngày.

Những sự kiện bất đắc dĩ có chủ ý?

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 (15/6/2017) của API xảy ra không ít bất ngờ. Nhóm cổ đông ngoại (xấp xỉ 45% quyền biểu quyết tại thời điểm đó) đột nhiên mất quyền biểu quyết vì không thể cung cấp đầy đủ giấy tờ thủ tục. Đại diện nhóm cổ đông ngoại bất bình, cho rằng sự việc này là do phía API không thông tin rõ ràng từ trước. Đáng nói hơn, một số cổ đông cá nhân có mặt cũng đã đề xuất dời Đại hội, tạo điều kiện cho phía cổ đông ngoại hoàn thành thủ tục cần thiết để có quyền biểu quyết. Thế nhưng, Đại hội không được dừng lại mà tiến hành như lịch trình.

Vẫn tham gia Đại hội, ông David O’Neil - cổ đông API đồng thời là đại diện phía ADVF đã chất vấn gay gắt ban lãnh đạo Công ty, chủ yếu xoay quanh những lo ngại về pha loãng lợi ích cổ đông hiện hữu liên quan đến các đợt phát hành thêm cổ phiếu theo tờ trình tại Đại hội. Quỹ này cũng nghi ngại tính minh bạch và việc trao quyền quá lớn cho HĐQT Công ty, đồng thời, phía ADVF có lời đề nghị tham gia vào ban kiểm soát nhưng không được hồi đáp.

Cũng trong cuộc họp, ADVF tiến cử “người phe mình” là hai ông David O’neil và Duncan Smith vào HĐQT API, cùng với việc thay đổi đơn vị kiểm toán (sang một đơn vị Big 4). Tuy nhiên, mất đi quyền biểu quyết thì “cá mập cũng mất vây”, nhóm cổ đông ngoại đành nhìn yêu cầu của họ bị ngó lơ, trong khi tất cả các tờ trình khác đều được thông qua.

Nhưng ADVF cho thấy mình không “dễ chơi”. Ngay sau “cú vấp” tại kỳ Đại hội, quỹ này đâm đơn kiện API với yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ năm 2017. Điều ban lãnh đạo API không mong chờ đã đến, Tòa án buộc Công ty dừng thực hiện 9/11 điều của Nghị quyết đến khi có quyết định khác. Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2017 vậy là thất bại!

Vốn đã “nên duyên” từ lâu

Trong nhóm cổ đông ngoại của API, ADVF là bên xông xáo nhưng chưa phải tổ chức nắm giữ cổ phần nhiều nhất mà là Lucerne Enterprise Ltd (thuộc PT Nikko Securities Indonesia Ltd) với 20.98% tỷ lệ sở hữu.

Trong một giai đoạn kéo dài đến năm 2016, API hầu như không ghi nhận doanh thu mà chỉ “sống nhờ” vào nguồn thu từ hoạt động tài chính. Từ 2016, tình hình kinh doanh của API bắt đầu chuyển biến (ghi nhận doanh thu 49.7 tỷ nhưng lỗ ròng 3.7 tỷ), và 2017 là bước ngoặt khi Công ty đạt doanh thu trên 268 tỷ cùng 55.6 tỷ đồng lãi ròng.

Đvt: tỷ đồng

Nói đi nói lại, hai đại gia ngoại đã “chia ngọt sẻ bùi” cùng API từ thời mà Công ty còn chưa có doanh thu (từ 2013 với ADVF và 2015 với Lucerne). Thậm chí trong báo cáo thường niên hàng năm của API, ngày ADVF trở thành cổ đông lớn luôn được ghi nhớ là một sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của Công ty.

Ấy thế mà giờ đây “đường tình đôi ngã”, không khó nhận ra nội bên trong API đang chia làm hai phe đối lập, nhóm ngoại dưới “ngọn cờ đầu” ADVF và phe cổ đông nội ủng hộ đường hướng của Ban lãnh đạo API.

Lại thêm một kỳ Đại hội chẳng “êm đềm”

Đến kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, bổn cũ soạn lại chỉ khác một điều lần này “những anh chàng ngoại quốc” đã có quyền biểu quyết trong tay. Nhóm cổ đông ngoại (với 46.19% quyền biểu quyết) phủ quyết một loạt tờ trình đưa ra tại Đại hội; vẫn là những tờ trình liên quan đến việc pha loãng lợi ích cùng tính minh bạch tại API.

Tại Đại hội lần này cũng như 2017, ban lãnh đạo API trình một kế hoạch tăng vốn choáng ngợp; tối đa có thể giảm trên 54% lợi ích tại API của một cổ đông hiện hữu nếu người đó không tiến hành mua thêm bất cứ cổ phần nào. Giả định trường hợp tất cả tờ trình liên quan đến việc phát hành hành thêm cổ phần được thông qua, dù nhóm cổ đông ngoại có “chịu khó”  bỏ ra một lượng tiền lớn (tối thiểu 110 tỷ theo phương án phát hành cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1) thì vẫn “khó chịu” khi chẳng có quyền tự quyết về con số 36% sở hữu tại API, tương đương quyền phủ quyết. Và đương nhiên nhóm cổ đông ngoại chẳng dại ngồi yên, tránh “bút sa gà chết”, nhóm này phủ quyết tất cả tờ trình liên quan.

Không khó để nhận ra câu chuyện tại API lúc này đang là cuộc chiến giành quyền điều khiển doanh nghiệp, ban lãnh đạo cùng những người ủng hộ muốn giảm dần quyền lực của phe cổ đông ngoại, trong khi phía cổ đông ngoại với quyền phủ quyết trong tay chắc rằng sẽ “chiến” đến cùng “dưới ngọn cờ đầu” ADVF.

Trở lại những diễn biến trên thị trường chứng khoán

Sau 10 đợt thông báo gom cổ phiếu từ đầu 2018 đến nay, ADVF chỉ mua được 257,200 cp API, tức bình quân chỉ 25,720 cp/đợt. Trong đó, 3/10 đợt này kết thúc không có gì sang tay với lý do “giá thị trường cao hơn giá dự kiến”. Lời giải thích này có điểm khó hiểu, khi cả 3 đợt* đều trùng các giai đoạn giá API sụt giảm; nhớ lại “cuộc chạy đua” nửa đầu năm 2017, ADVF cũng cho thấy họ không phải là kẻ thích “tính toán”. Dường như ADVF muốn mua thêm cũng không được, khi mà lượng cổ phần API trôi nổi trên thị trường hiện nay quá khan hiếm?

Diễn biến giá cổ phiếu API từ 1/1-15/10/2018

Ở chiều ngược lại, bà huỳnh Thị Mai Dung – vợ ông Chủ tịch Lăng đã gom thêm gần 2.75 triệu cp kể từ sau kỳ ĐHCĐ thường niên 2018 diễn ra.

Trở lại diễn biến giá “sốt cả phổi” của cổ phiếu API, khởi đầu năm 2018 với mức giá 30,000 đồng/cp, sau đó giảm chạm đáy 15,200 đồng/cp (29/06) rồi lại bật mạnh về giá 30,000 đồng/cp (09/08). Kể từ đó, cổ phiếu này giảm đều; kết phiên chiều 13/11/2018, API đứng giá 17,600 đồng/cp, tương ứng giảm 41.3% so với đầu năm.

Vĩnh Thịnh

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma