Đầu tư chứng khoán: Lỗ bao nhiêu thì nên dừng lại?

19/06/2019 14:00

Trong công việc, cuộc sống hay sự nghiệp, đôi khi bạn dậm chân tại chỗ hoặc đi thụt lùi, điều đó không đến từ những điểm mạnh của bạn. Nó đến từ những sai lầm mà bạn vẫn chưa phát hiện và sửa chữa nó. Trong đầu tư cũng vậy, kiến thức hời hợt cùng với sự cố chấp luôn luôn có thể làm hại bạn trên thị trường chứng khoán.

Đầu tư chứng khoán: Lỗ bao nhiêu thì nên dừng lại?

Trong công việc, cuộc sống hay sự nghiệp, đôi khi bạn dậm chân tại chỗ hoặc đi thụt lùi, điều đó không đến từ những điểm mạnh của bạn. Nó đến từ những sai lầm mà bạn vẫn chưa phát hiện và sửa chữa nó. Trong đầu tư cũng vậy, kiến thức hời hợt cùng với sự cố chấp luôn luôn có thể làm hại bạn trên thị trường chứng khoán.

Nguồn ảnh: Internet

Chưa bán cổ phiếu thì chưa phải là lỗ?

Đa phần những chứng sĩ trên thị trường chứng khoán thường quan niệm rằng, khi nào thật sự bán ra những cổ phiếu đang bị thua lỗ thì khi đó mới thật sự mất tiền. Chúng ta luôn bị cảm xúc chi phối. Đầu tư, ai cũng mong muốn có lợi nhuận, chẳng ai có thể chấp nhận được việc thua lỗ. Khi thấy cổ phiếu xuống giá, danh mục trở nên “đỏ lửa”, đa phần nhà đầu tư đều chờ đợi và hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Sự chờ đợi kiểu này thường không hạnh phúc và trong đầu tư, sự chần chừ chỉ đem lại những khoản thua lỗ lớn hơn.

Nguồn ảnh: Internet

Chúng ta dễ dàng bắt gặp những người xung quanh nói rằng “Tôi không muốn bán cổ phiếu vì không muốn bị lỗ”, nhưng sự thật từ lúc giá cổ phiếu trên thị trường nhỏ hơn giá vốn thì chúng ta đã bị lỗ rồi. Điều mà một nhà đầu tư nên hành động vào thời điểm đó là làm sao để tối thiểu hóa những khoản thua lỗ.

Người ta bảo "đồng tiền gắn liền khúc ruột", thì quả đúng là như vậy, sẽ không ai nỡ cắt đi “khúc ruột” của họ cả. Tuy nhiên, khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư luôn muốn nhận được mức sinh lời cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng và chắc hẳn cũng đã lường trước được những rủi ro.

Khi chờ đợi, hy vọng của nhà đầu tư là cổ phiếu sẽ tăng giá để bán ra. Nhưng, đôi khi cổ phiếu không hề biết bạn là ai và cũng không quan tâm đến việc nhà đầu tư muốn gì để đáp ứng những kỳ vọng ấy. Giống như trong tình yêu vậy, nếu tình yêu luôn luôn nhận được sự đáp lại của đối phương thì đã không có cái gọi là “tình đơn phương”. Đừng tự lừa dối bản thân, bởi mất mát trên hệ thống giao dịch bao nhiêu thì thực tế bạn cũng đã mất số tiền bấy nhiêu.

Lỗ bao nhiêu thì nên dừng lại?

Trong cuộc sống, đôi khi những lần mắc sai lầm, bạn hoàn toàn có thể làm lại và sửa sai. Tuy nhiên, không phải sai lầm nào cũng có thể sửa chữa. Trong đầu tư chứng khoán, để trở lại điểm hòa vốn ban đầu, đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn vốn đủ để có thể làm lại. Vậy, thế nào là đủ?

Nguồn ảnh: Internet

Làm phép tính đơn giản, nếu nhà đầu tư có 100 triệu đồng mà bị lỗ 10%, tức là chỉ còn 90 triệu đồng để đầu tư. Nếu muốn hòa vốn, mức sinh lời phải trên 11% trên số vốn 90 triệu đồng còn lại. Tương tự, nếu lỗ 20% tài khoản, bạn cần mức sinh lời 25% để có thể hòa vốn. Và nếu lỗ 50% tài khoản thì nhà đầu tư cần sinh lời 100% để có thể hòa vốn. Nhìn vào mức sinh lời cần thiết để lấy lại vốn ban đầu, có lẽ nhà đầu tư cũng đã mường tượng ra mức an toàn để bản thân dừng lại rồi đúng không?

William J. O’Neil, tác giả cuốn sách “Làm giàu qua chứng khoán” đã chia sẻ: “Luôn luôn giới hạn tỷ lệ thua lỗ tối đa 7% hoặc 8% so với giá mua vào, không có ngoại lệ”.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi với mức rủi ro trong khoảng 7-8% thì tỷ suất sinh lời tương ứng để hòa vốn sẽ dưới 11%, tỷ suất này hoàn toàn khả thi đối với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà đầu tư lỗ 7-8% thì mới quyết định cắt lỗ. Có những trường hợp, khi thị trường chung diễn biến theo hướng tiêu cực và đang chịu áp lực bán ra, hoàn toàn có thể cắt bỏ khoản thua lỗ sớm hơn. Để bảo vệ tiền mồ hôi nước mắt, chúng ta chỉ nên để danh mục thua lỗ ở một tỷ lệ có thể làm lại. Chúng ta không có lý do gì để ôm khư khư những khoản lỗ để rồi không thể quay lại được nữa. Hãy học cách giữ tiền, trước khi nghĩ đến việc kiếm tiền!

Dung Vũ 

Fili

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma