Dầu WTI lại vọt hơn 25%, xóa bớt đà sụt giảm trong tháng 4 xuống còn 8%

01/05/2020 07:38

Các hợp đồng dầu thô tương lai vọt hơn 25% trong ngày thứ Năm (30/04), góp phần xóa bớt đà sụt giảm trong tháng, khi nhà đầu tư theo dõi triển vọng nguồn cung, nhu cầu và khả năng lưu trữ dầu thô toàn cầu, MarketWatch đưa tin.

Dầu WTI lại vọt hơn 25%, xóa bớt đà sụt giảm trong tháng 4 xuống còn 8%

Các hợp đồng dầu thô tương lai vọt hơn 25% trong ngày thứ Năm (30/04), góp phần xóa bớt đà sụt giảm trong tháng, khi nhà đầu tư theo dõi triển vọng nguồn cung, nhu cầu và khả năng lưu trữ dầu thô toàn cầu, MarketWatch đưa tin.

Thị trường tìm thấy hỗ trợ trong phiên ngày thứ Năm sau thông tin rằng các nhà sản xuất dầu chủ chốt thông báo tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô và trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy không gian dự trữ dầu thô sẽ không hết nhanh như lo sợ.

“Giá dầu nhảy vọt khi nhà đầu tư tiếp tục chứng kiến một loạt dòng tin ổn định về cắt giảm sản lượng dầu thô”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.

Na Uy thông báo cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 18 năm. Các báo cáo tin tức cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng 250,000 thùng/ngày trong tháng 6 và 134,000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020.

Royal Dutch Shell cho biết vào ngày thứ Năm rằng Công ty này đã giảm cổ tức quý 1/2020 lần đầu tiên trong 80 năm, với lý do sự sụp đổ của giá và nhu cầu dầu khí. ConocoPhillips báo cáo lỗ trong quý đầu tiên và thông báo tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô 420,000 thùng/ngày trong tháng 6/2020.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex leo dốc 3.78 USD (tương đương 25.1%) lên 18.84 USD/thùng, qua đó góp phần xóa bớt đà sụt giảm trong tháng này xuống còn 8%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn, hết hạn vào cuối phiên, vọt 2.73 USD (tương đương 12.1%) lên 25.27 USD/thùng. Trong tháng qua, hợp đồng này đã tăng 11.1%.

Dầu đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về tình trạng dư cung của các nhà sản xuất lớn trong bối cảnh đại dịch tồi tệ nhất trong hơn 1 thế kỷ đã phá hủy nhu cầu dầu thô, trong khi việc thiếu hụt không gian lưu trữ hàng hóa cũng góp phần làm giảm giá dầu.

Hy vọng về một phương pháp điều trị COVID-19, cùng với dự báo rằng các nền kinh tế đang bị phong tỏa cuối cùng sẽ khởi động lại, đã giúp ổn định kỳ vọng nhu cầu dầu thô lớn hơn trong tương lai. Cam kết viện trợ của Ngân hàng Trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng có thể cung cấp một số hỗ trợ cho đà tăng của dầu.

Tuy nhiên, báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào ngày thứ Năm đã đưa ra một bức tranh tỉnh táo hơn về triển vọng dầu, mô tả đại dịch COVID-19 là “cú sốc lớn nhất đối với hệ thống năng lượng toàn cầu trong hơn 7 thập kỷ”.

Vào ngày thứ Tư (29/04), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã xoa dịu một số lo ngại rằng các cơ sở dự trữ dầu sẽ biến mất ngay lập tức, cho thấy rằng dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng thấp hơn dự báo là 9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/04/2020. Cơ quan này cũng cho biết dự trữ xăng và tổng sản lượng dầu thô nội địa sụt giảm.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 5 mất 4% còn 69.78 xu/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 cộng 5.4% lên 73.19 xu/gallon.

Các hợp đồng khí thiên nhiên tăng mạnh trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên vọt 70 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 24/04/2020, gần khớp so với dự báo tăng 69 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 tiến 4.3% lên 1.949 USD/MMBtu.

An Trần

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma