Doanh nghiệp kiến nghị hồi tố quy định trần chi phí lãi vay

14/04/2020 14:05

Hiệp hội bất động sản và VCCI kiến nghị cho phép áp dụng hồi tố với các chính sách sửa đổi trong nghị định về trần chi phí lãi vay.

Doanh nghiệp kiến nghị hồi tố quy định trần chi phí lãi vay

Hiệp hội bất động sản và VCCI kiến nghị cho phép áp dụng hồi tố với các chính sách sửa đổi trong nghị định về trần chi phí lãi vay.

* Chính phủ sẽ sửa nhanh quy định khống chế 20% chi phí lãi vay để tính thuế

* Khống chế chi phí lãi vay, doanh nghiệp kiệt sức

* Khống chế chi phí lãi vay: Tăng thu ngân sách nhưng dài hạn sẽ ra sao?

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 20, Bộ Tài chính nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, kiến nghị Thủ tướng, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng việc sửa đổi vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Các doanh nghiệp và hiệp hội đề nghị bổ sung việc hồi tố các chính sách sửa đổi cho hai năm 2017 và 2018.

Theo giải thích của VCCI, việc hồi tố không vướng mắc pháp lý, từng có tiền lệ trong quá khứ, không phát sinh các rủi ro, tiêu cực và có thể gia tăng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Tổng kinh phí hoàn trả nếu áp dụng hồi tố chính sách cho năm 2017 và 2018 là hơn 4.875 tỷ đồng. VCCI đánh giá con số này "không phải quá lớn", chưa kể doanh nghiệp có thể hạch toán và đưa vào chi phí của 5 năm kế tiếp nếu được cho phép.

Nhiều doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế do Nghị định 20.

Có hiệu lực từ tháng 5/2017, Nghị định 20 ra đời nhằm chống chuyển giá, "né" thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Mục tiêu xây dựng hướng vào các tập đoàn đa quốc gia vì sự khác biệt về thuế suất giữa các nước. Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực đến nay, nhiều lần các doanh nghiệp phản ánh quy định này khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty vốn thường đứng ra vay vốn rồi phân bổ về các công ty con. 

Trong dự thảo sửa đổi, Bộ Tài chính đã điều chỉnh theo hướng nâng trần lãi vay từ 20% lên 30%.

Vì vấn đề này, báo cáo kiểm toán năm 2019 mới đây của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán. Kiểm toán viên nêu ý kiến việc hoàn nhập 335 tỷ đồng tiền thuế trích lập cho năm 2018 theo Nghị định 20. Năm 2019, công ty không trích dự phòng vì áp dụng dự thảo sửa đổi nghị định này.

Theo kiểm toán viên, lý do ngoại trừ do HAGL đã áp dụng các nội dung mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 20, dù chưa được phê duyệt chính thức tại ngày phát hành báo cáo tài chính. Nếu ghi nhận theo quy định hiện hành, phía kiểm toán cho rằng lỗ sau thuế sẽ tăng thêm 482 tỷ đồng.

Trong giải trình, ban lãnh đạo HAGL cho biết đã không thực hiện việc hoàn nhập khoản thuế đã nộp và không trích lập chi phí thuế liên quan đến Nghị định 20 vì thực tế công ty lỗ nặng 3 năm qua.

"Công ty không phải đối tượng của chống chuyển giá và đang bị lỗ nặng nên việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì bị loại chi phí lãi vay phát sinh (...) là không hợp lý", lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai viết trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, đồng thời cho hay sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét vấn đề này.

Minh Sơn

Vnexpress

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma