Dòng tiền ngoại sẽ ra sao nếu Fed nâng lãi suất?

17/12/2018 07:57

Cuộc họp ngày 18-19/12 tới đây của Fed sẽ đi tới quyết định về việc cơ quan này có nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018 hay không. Và nếu điều đó xảy ra thì sẽ tác động như thế nào lên dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Dòng tiền ngoại sẽ ra sao nếu Fed nâng lãi suất?

Cuộc họp ngày 18-19/12 tới đây của Fed sẽ đi tới quyết định về việc cơ quan này có nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018 hay không. Và nếu điều đó xảy ra thì sẽ tác động như thế nào lên dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Giao dịch khối ngoại sẽ tương đối cân bằng

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK KB Việt Nam (KBSV): Các NHTW lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed, đều chú trọng đến yếu tố truyền dẫn thông tin. Điều này giúp thị trường tài chính chuẩn bị và phản ứng sớm trước các thay đổi về mặt chính sách. Dễ thấy các lần nâng lãi suất gần đây của Fed đều được thị trường dự báo chính xác và không gây tác động đáng kể nào đến diễn biến thị trường và lần nâng lãi suất tới đây, dự kiến vào tháng 12, cũng không phải ngoại lệ.

Yếu tố có thể tiềm ẩn tác động đến thị trường là lộ trình nâng lãi suất của Fed trong năm 2019. Sau thông điệp ôn hòa mới đây của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, thị trường hiện tại đang nghiêng về kịch bản Fed sẽ chỉ nâng lãi suất 1 lần cho năm 2019. Bất cứ thông điệp nào của Fed khiến thay đổi dự báo của thị trường đều sẽ có tác động đáng kể đến diễn biến TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

Hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi xu hướng dòng vốn vào/ra khỏi các thị trường mới nổi. Có thể dễ quan sát thấy trong năm 2018, cùng với việc Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và chảy về thị trường Mỹ, TTCK Việt Nam cũng bị bán ròng mạnh qua giao dịch khớp lệnh (nếu xét cả giao dịch thỏa thuận, khối ngoại trên thực tế mua ròng mạnh ở các thương vụ lớn như MSN, YEG, VHM…).

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đối với TTCK Việt Nam đã có một số thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn trong việc thu hút vốn ngoại. Trong đó, có thể kể đến mức định giá của mặt bằng cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đã quay trở về mức hợp lý và an toàn hơn tương đối so với giai đoạn đầu năm, cùng với đó là việc Fed phát đi thông điệp ôn hòa hơn về tốc độ tăng lãi suất.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây được công bố với các quy định mới về room ngoại theo chiều hướng cởi mở và được đánh giá cao. Ngoài ra, tỷ giá trong nước cũng ổn định trở lại và nhiều khả năng sẽ không xuất hiện biến động bất thường trong tháng cuối năm. Do đó, giao dịch khối ngoại trong tháng cuối năm trên TTCK Việt Nam sẽ tương đối cân bằng và có thể mua ròng nhẹ. Tác động từ đợt tái cơ cấu danh mục ETFs hay kỳ họp của OPEC nhìn chung chỉ ảnh hưởng đến một nhóm cổ phiếu nhất định và không ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng giao dịch chung của khối ngoại trên thị trường.

Giao dịch khối ngoại sẽ là tâm điểm của thị trường

Ông Hoàng Thạch Lân – Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDS): Việc Fed tăng lãi suất có lẽ không khiến NĐT Việt Nam sợ hãi như trước đây, nhưng nếu mọi người gắn liền nó với hành động bán ròng của khối ngoại, thì sẽ tác động tiêu cực lên thị trường.

Nói cách khác, NĐT sẽ theo dõi giao dịch của khối ngoại, và nếu họ bán ròng, nguyên nhân sẽ được “đổ cho” là do Fed tăng lãi suất. Gần đây, có không ít trường hợp cho thấy giá cổ phiếu giảm do khối ngoại bán ròng, ví dụ như HPG. Thậm chí ngược lại, ví dụ như trường hợp mới nhất là ở VNM. Điều này cho thấy “khả năng” tác động đến giá cổ phiếu của khối ngoại lớn như thế nào. Do đó trong tương lai, khi Fed tăng lãi suất, chắc chắn giao dịch khối ngoại sẽ là tâm điểm của thị trường.

Tác động ngắn hạn tới dòng tiền khối ngoại

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm Phân tích thị trường của CTCK KIS Việt Nam (KIS): Sự kiện quốc tế quan trọng như Cuộc họp của Fed, Kỳ đảo danh mục của các quỹ ETF và Cuộc họp OPEC có tác động mang tính thời điểm và chỉ có tác động ngắn hạn đến diễn biến dòng tiền từ khối ngoại. Về cơ bản Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển với nhiều tiềm năng trong dài hạn nên dòng vốn quốc tế sẽ còn chảy vào nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Chí Kiên

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma