Giá dầu WTI "bốc hơi" gần 7% vì nỗi lo dư cung

23/11/2018 21:02

Giá dầu tụt dốc không phanh xuống mức thấp nhất trong 1 năm vào ngày thứ Sáu (23/11), chuẩn bị ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2014, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu cân nhắc cắt giảm sản lượng để ngăn chặn tình trạng dư cung toàn cầu.

Giá dầu WTI "bốc hơi" gần 7% vì nỗi lo dư cung

Giá dầu tụt dốc không phanh xuống mức thấp nhất trong 1 năm vào ngày thứ Sáu (23/11), chuẩn bị ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2014, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu cân nhắc cắt giảm sản lượng để ngăn chặn tình trạng dư cung toàn cầu.

Tính tới lúc 21h giờ Việt Nam, hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 3.74 USD (tương ứng 6.85%) xuống 50.89 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai sụt 2.94 USD (tương ứng 4.7%) xuống 59.66 USD/thùng.

Nguồn cung dầu – dẫn đầu tư là Mỹ – đang tăng nhanh hơn nhu cầu và có khả năng dẫn tới tình trạng dư cung từng xuất hiện trong năm 2015. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được cho là đang cân nhắc cắt giảm bớt sản lượng sau cuộc họp ở Vienna vào ngày 06/12.

Thế nhưng, thông tin về khả năng cắt giảm sản lượng vẫn chưa thể nâng đỡ giá dầu. Giá dầu đã rớt 20% trong tháng 11/2018, chuẩn bị ghi nhận 7 tuần lao dốc liên tiếp.

“Câu hỏi hiện nay là phe ‘gấu’ sẽ tiếp tục hoành hoành thêm bao lâu nữa. Liệu họ sẽ hết đạn trong khoảng thời gian ngắn hay họ có nguồn cung đạn quá lớn?”, ông Tamas Varga, Chiến lược gia tại PVM Oil Associates, cho hay

“Cũng là hợp lý khi so sánh bức tranh kinh tế và cung/cầu hiện nay với tình hình 4 năm trước. Đó là vào tháng 11 và 12/2014 thời điểm giá dầu giảm xuống cùng mức giá dầu hiện nay”, ông Tamas Varga nói thêm.

Mức độ biến động nhảy vọt lên cao nhất kể từ cuối năm 2016, khi nhà đầu tư gấp rút chuyển sang các biện pháp phòng hộ trước đà giảm mạnh của giá dầu.

Mức độ biến động – được đo lường bằng nhu cầu của nhà đầu tư đối với một hợp đồng quyền chọn cụ thể – đã nhảy vọt hơn 60% đối với hợp đồng bán ngắn hạn, cao gấp đôi so với 2 tuần trước đó.

Nguồn cung dầu toàn cầu đã nhảy vọt trong năm nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng của các nhà sản xuất ngoài OPEC sẽ tăng thêm 2.3 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 1.8 triệu thùng/ngày của 6 tháng trước đó.

Trong khi đó, nhu cầu dầu năm 2019 được dự báo chỉ tăng 1.3 triệu thùng/ngày, giảm từ mức dự báo 1.5 triệu thùng/ngày tại thời điểm 6 tháng trước đó.

So với mức đỉnh xác lập hồi đầu tháng 10/2018, giá dầu đã rớt khoảng 30%, khi sản lượng dầu toàn cầu tăng vượt nhu cầu trong quý 4 năm nay, chấm dứt một giai đoạn cầu vượt cung từ quý 1/2017, dữ liệu từ Refinitiv Eikon cho thấy.

Để điều chỉnh cho phù hợp với triển vọng nhu cầu, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu, Ả-rập Xê-út, phát tín hiệu có thể giảm bớt nguồn cung.

“Chúng tôi sẽ không bán nhiều hơn nhu cầu của khách hàng”, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, nhận định.

Ả-rập Xê-út là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Hiện OPEC đang bàn luận về phương án cắt giảm sản lượng lên tới 1.4 triệu thùng/ngày với mục tiêu ngăn chặn tình trạng dư cung.

Trước đó trong tháng này, OPEC và các nhà sản xuất đồng minh lên tiếng cảnh báo thị trường dầu có thể sẽ rơi vào trạng thái dư cung trong năm 2019. Dự trữ dầu tại Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2017 trong tuần trước và các nhà sản xuất dầu ở đó đang bơm dầu ở mức cao nhất kể từ tháng 1983.

OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài, bao gồm cả Nga, bắt giảm sản lượng từ tháng 1/2017 nhằm xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu – vốn đã đẩy giá dầu rơi tự do từ 100 USD/thùng xuống dưới 30 USD/thùng. Hồi tháng 6/2018, nhóm này quyết định nâng sản lượng thêm tổng cộng 1 triệu thùng/ngày sau khi các thành viên giảm sản lượng mạnh hơn dự định và khi giá dầu chạm mức đỉnh 3 năm rưỡi.

Kể từ đó, ba nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Mỹ, Nga và Ả-rập Xê-út – đồng loạt đạt kỷ lục về sản lượng. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đà tăng lãi suất và sự suy yếu của các đồng tiền ở thị trường mới nổi làm dấy lên mối lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và sau đó là nhu cầu dầu.

-------------------------------

19h35: Rơi tự do 5.3%, giá dầu WTI xuống đáy 1 năm

Hợp đồng dầu WTI tương lai có lúc mất 2.9 USD (tương ứng 5.3%) xuống mức 51.73 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent tương lai lao dốc 2.31% (tương ứng 3.7%) xuống 60.29 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 11/2017.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma