Giải ngân vốn đầu tư công: Cần nhất quán, quyết liệt hơn

16/03/2020 16:50

Một trong những giải pháp quan trọng giúp kích cầu nền kinh tế, "bù đắp" thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra là tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, cần có cách làm mới, nhất quán và quyết liệt hơn trong công tác này.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần nhất quán, quyết liệt hơn

Một trong những giải pháp quan trọng giúp kích cầu nền kinh tế, "bù đắp" thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra là tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, cần có cách làm mới, nhất quán và quyết liệt hơn trong công tác này.

Giải ngân còn chậm

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đã mở ra những tiến bộ trong triển khai các dự án đầu tư công. Thực tế, giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm ghi nhận có sự khởi sắc cả về tiến độ và mức thực hiện. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 29/2 là hơn 34.749 tỷ đồng, đạt 7,38% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, cao gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt hơn 33.625 tỷ đồng; vốn nước ngoài đạt hơn 1.124 tỷ đồng.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thức đẩy tăng trưởng kinh tế

Dù có nhiều tiến bộ, song theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân 2 tháng qua vẫn ở mức thấp, do đây mới là những tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương tập trung giải ngân nốt phần vốn của năm 2019. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 được giao và đang nhập dự toán cho các dự án trên Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, một số nhà thầu cũng chậm triển khai thi công.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần nghiên cứu, đề xuất việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công đối với các dự án hạ tầng trọng điểm như: Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, các dự án thành phần đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ở tỉnh Tiền Giang. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành cơ bản, công tác thi công đạt 35%. Trong quý I/2020 phấn đấu giải ngân 790 tỷ đồng. Nhà thầu cũng phấn đấu tháng 12/2020 sẽ thông tuyến cho xe dưới 16 chỗ. Những kiến nghị của chủ đầu tư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đều được giải quyết kịp thời.

Trong bối cảnh hiện nay, đẩy mạnh đầu tư công là quan trọng, song theo ông Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công một cách quyết liệt, nhất quán hơn.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cùng rà soát các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc tên và những dự án có tác động lan tỏa tới nền kinh tế. Từ đó, đề xuất cách tháo gỡ cụ thể cho từng dự án, theo nguyên tắc vướng ở đâu, quy định nào, đầu mối xử lý…

Phương Thu

CongThuong

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma