Hai tuần thay đổi nước Mỹ

29/03/2020 21:15

Hôm 16/3, Trump công bố kế hoạch 15 ngày nhằm kiềm chế nCoV lây lan, nhưng nước Mỹ giờ đây đảo lộn vì đại dịch.

Hai tuần thay đổi nước Mỹ

Hôm 16/3, Trump công bố kế hoạch 15 ngày nhằm kiềm chế nCoV lây lan, nhưng nước Mỹ giờ đây đảo lộn vì đại dịch.

* Tổng thống Mỹ đang xem xét mở cửa trở lại nền kinh tế vào 12/4

* Mỹ hạ lãi suất khẩn cấp cứu nền kinh tế

* Hai kịch bản của nền kinh tế Mỹ dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

"Với vài tuần hành động trọng điểm, chúng ta có thể xoay chuyển tình thế một cách nhanh chóng. Chính phủ đã sẵn sàng để làm bất cứ điều gì", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 16/3, khi thông báo về kế hoạch "kìm chân" nCoV trong 15 ngày.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi tiễn tàu bệnh viện USNS Comfort ra khơi ở thành phố Norfolk, bang Virginia hôm 28/3. Ảnh: Reuters.

Bản hướng dẫn do ông ban hành kêu gọi người dân tránh tụ tập các nhóm hơn 10 người, tránh ăn uống ngoài hàng và ở nhà bất cứ khi nào có thể. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của chính quyền, dịch bệnh vẫn không ngừng lan rộng và gây ra những hậu quả về kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Trung Tâm Hệ thống Khoa học và Kỹ thuật thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ hôm 16/3 đứng thứ 8 thế giới về số ca nhiễm nCoV với hơn 4.600 trường hợp. Đến ngày 27/3, Mỹ vượt Trung Quốc trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 101.000 ca, dịch bệnh xuất hiện tại toàn bộ 50 bang.

Mỹ hiện ghi nhận hơn 123.000 người nhiễm, hơn 2.200 người chết và hơn 3.200 trường hợp bình phục. Số người chết dự kiến còn tăng khi các bệnh viện đang vật lộn vì thiếu trang thiết bị. Mỹ còn bị đánh giá vẫn tụt lại so với các nước khác trong việc xét nghiệm, bất chấp nỗ lực tăng tốc của chính quyền.

Các biện pháp khẩn cấp nhằm kiềm chế nCoV bao gồm cách biệt cộng đồng và đóng cửa doanh nghiệp, dẫn đến số lượng kỷ lục người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp. Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, 3,3 triệu người thất nghiệp mới xuất hiện chỉ trong tuần đầu tiên của kế hoạch 15 ngày.

Phố Wall cũng phải trải qua hai tuần kịch tính. Đầu tiên là một đợt bán tháo ồ ạt, tiếp đến là giai đoạn phục hồi sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD. Bất chấp điều đó, thị trường vẫn không có dấu hiệu khả quan, khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 24% giá trị trong năm nay.

Theo phân tích của CNN, lệnh hạn chế ra đường của chính phủ và giới chức địa phương đã khiến hơn 204 triệu người Mỹ phải chịu sự hạn chế "vô tiền khoáng hậu".

Sau khi khoảng 124.000 trường học khắp cả nước đóng cửa, 55 triệu học sinh cũng bị kẹt tại nhà, dẫn tới hàng triệu phụ huynh trở thành "giáo viên bất đắc dĩ".

Những diễn biến nghiêm trọng thúc đẩy Quốc hội Mỹ và Trump thông qua hai dự luật lịch sử, bao gồm Đạo luật Ưu tiên Gia đình Ứng phó Covid-19 trị giá 104 tỷ USD hôm 18/3, giúp người lao động được xét nghiệm miễn phí và nghỉ phép hưởng lương, cùng đạo luật cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD hôm 27/3.

Trump gần như ngày nào cũng tổ chức họp báo tại Nhà Trắng và tự nhận là "tổng thống thời chiến" dẫn dắt đất nước đến sự an toàn. Những phản ứng này được cho là giúp tỷ lệ tín nhiệm của Trump tăng nhẹ, dù một số phát biểu về nCoV ông đưa ra bị chỉ trích.

Ánh Ngọc

Vnexpress

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma