IEA: Thị trường sẽ lại thừa dầu vào năm 2020

12/07/2019 17:09

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng dư cung vào năm 2020, mặc dù liên minh giữa OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài vừa gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

IEA: Thị trường sẽ lại thừa dầu vào năm 2020

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng dư cung vào năm 2020, mặc dù liên minh giữa OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài vừa gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Cơ quan này cho biết “thông điệp chính” của báo cáo là nguồn cung dầu trong 6 tháng đầu năm 2019 đã vượt nhu cầu dầu khoảng 0.9 triệu thùng/ngày.

“Lượng dầu thừa của năm nay lại gia tăng mức tồn kho dầu khổng lồ phát sinh từ nửa cuối của năm 2018, thời điểm sản lượng dầu toàn cầu tăng mạnh ngay khi nhu cầu tiêu thụ bắt đầu yếu đi", IEA cho biết trong ngày thứ Sáu (12/07).

“Rõ ràng, tình trạng thị trường bị thắt chặt không còn là vấn đề trong thời gian tới và bất kỳ sự tái cân bằng cung cầu nào cũng có vẻ như bị đẩy lùi lại xa hơn trong tương lai”, IEA cho hay.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh – bao gồm cả Nga – đã đồng ý cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày ra khỏi thị trường kể từ đầu năm 2019.

Tuần trước, liên minh OPEC+ đã quyết định gia hạn thỏa thuận tới tháng 3/2020 để tránh tình trạng dự trữ dầu tăng mạnh – một yếu tố có thể làm giảm giá dầu.

“Quyết định gia hạn thỏa thuận tới tháng 3/2020 của các bộ trưởng OPEC+ không làm thay đổi triển vọng cơ bản của một thị trường dư cung”, IEA cho biết.

Trong ngày thứ Sáu (12/07), giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 67 USD/thùng, còn giá dầu WTI dao động ở mức 60.59 USD/thùng.

Nỗi lo về đà giảm tốc của nhu cầu dầu toàn cầu đã khiến giá dầu Brent giảm 10% trong tháng 6/2019, mặc dù căng thẳng địa chính trị leo thang, IEA nhấn mạnh.

OPEC đối đầu với Mỹ

IEA dự báo nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất bên ngoài OPEC có thể tăng 2.1 triệu thùng/ngày trong 2020, chủ yếu do sản lượng dầu từ Mỹ tăng mạnh. Năm nay, sản lượng dầu từ các nhà sản xuất bên ngoài OPEC được dự báo tăng 2 triệu thùng/ngày.

IEA cho biết sự suy giảm nhu cầu đối với dầu thô của OPEC có thể khiến sản lượng của khối này giảm xuống 28 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020, thấp nhất kể từ quý 3/2003.

Trong một báo cáo khác của OPEC được công bố trong ngày thứ Năm (11/07), tổ chức này dự báo nhu cầu đối với dầu OPEC sẽ giảm trong năm 2020 khi các đối thủ tăng mạnh sản lượng.

Với dự báo đầu tiên về năm 2020, OPEC cho biết thế giới sẽ cần 29.27 triệu thùng/ngày từ OPEC trong năm 2020, giảm 1.34 triệu thùng/ngày so với mức nhu cầu của năm nay.

Sự suy giảm nhu cầu đối với dầu OPEC cho thấy chính sách giảm sản lượng của họ đang mang lại cơ hội cho dầu đá phiến của Mỹ và các đối thủ khác. Nhờ đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể càng cứng rắn hơn trong việc trừng phạt kinh tế lên Iran và Venezuela, hai nước thành viên OPEC.

Mỹ đã vượt mặt Ả-rập Xê-út và Nga để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong năm nay.

Trước đó trong tháng này, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí tại JPMorgan cho rằng OPEC sẽ phải hành động để giành lại thị phần từ Mỹ trước khi quá muộn.

IEA cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới được dự báo tăng nhanh hơn từ mức cực kỳ yếu 310,000 thùng/ngày trong quý 1/2019 và 800,000 thùng/ngày trong quý 2/2019. Mức tăng trưởng nhu cầu của 6 tháng cuối năm nay được IEA dự báo đạt 1.8 triệu thùng/ngày.

Trong năm 2020, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng bình quân 1.4 triệu thùng/ngày, so với mức tăng 1.2 triệu thùng/ngày của 2019.

“Có nhiều điều không chắc chắn trên thị trường dầu trong thời gian gần đây”, Scott Gecas, Giám đốc chiến lược thị trường tại Walsh Trading, nhận định.

“Đối với đà tăng giá, chúng ta có cơn bão sắp tới đổ bộ Vịnh Mexico cũng như căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Bất kỳ sự gia tăng nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ngay lập tức”, ông Gecas nói. “Đối với đà lao dốc, chúng ta có sản lượng tại Mỹ ngày càng tăng. Đà tăng sản lượng từ các đối thủ của OPEC đang làm tăng khả năng dư cung”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma