Kết thúc quý 4/2018, lỗ lũy kế của Thuận Thảo chạm ngưỡng 1,242 tỷ đồng

23/01/2019 20:50

Sau khi bị nghi ngờ về k​hả năng có thể hoạt động liên tục, CTCP Thuận Thảo (UPCoM: GTT) đã kinh doanh thế nào trong q​uý 4 vừa rồi?

Kết thúc quý 4/2018, lỗ lũy kế của Thuận Thảo chạm ngưỡng 1,242 tỷ đồng

Sau khi bị nghi ngờ về khả năng có thể hoạt động liên tục, CTCP Thuận Thảo (UPCoM: GTT) đã kinh doanh thế nào trong quý 4 vừa rồi?

Nợ mới chồng nợ cũ, lãi mẹ đẻ lãi con

Quý 4/2018, dù đã thắt chặt các mảng kinh doanh không hiệu quả, GTT vẫn ngậm ngùi báo lỗ ròng 41 tỷ đồng. Tổng kết lại, Công ty ghi nhận khoản lỗ gần 162 tỷ đồng trong năm 2018. Khoản lỗ trong năm vừa qua được cấu thành phần lớn bởi chi phí tài chính trong kỳ, tương đương 106 tỷ đồng lãi vay.

Như vậy, tính đến ngày 31/12/2018, GTT đã ghi nhận gần 1,242 tỷ đồng lỗ lũy kế. Qua đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này âm đến 795 tỷ đồng.

Tại thời điểm kết thúc năm 2018, GTT ghi nhận giá trị tổng tài sản hơn 747 tỷ đồng; trong đó, tài sản cố định chiếm gần 95%, tương ứng 707 tỷ đồng. GTT cho biết các tài sản của Công ty đã hoạt động nhiều năm và xuống cấp; trong khi đó, GTT lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn vốn đầu tư nâng cấp, bổ sung nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh.

Cùng với đó, việc đầu tư dự án Khu du lịch Sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Dự án Khách sạn đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương nên việc khai thác không hiệu quả.

Đáng chú ý, GTT giải trình nguyên nhân thua lỗ là do chưa khai thác hết lợi thế của Thuận Thảo về thương hiệu!?

Tại thời điểm 31/12/2018, Công ty ghi nhận khoản tiền 400 tỷ đồng cho vay và gần 54 tỷ đồng phải thu khác đối với CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn; buồn thay, tất cả số tiền kể trên đều đã được GTT trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Công ty cũng cho biết đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ từ những năm trước nhưng thu hồi không được nên đã ảnh hưởng đến nguồn vốn dẫn đến tình hình tài chính khó khăn, GTT lại không còn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, không cân đối được nguồn vốn trả nợ thuế dẫn đến phát sinh chi phí chậm nộp thuế. Theo đó, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước lên đến gần 126 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018.

GTT cũng nhìn nhận rằng việc tái cấu trúc của Công ty cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả. Trong khi đó, GTT vẫn chịu các khoản chi phí bất biến như chi phí tiền lương, chi phí khấu hao, chi phí quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là chi phí tài chính, chi phí chậm nộp thuế.

Vào thời điểm kết thúc năm 2018, GTT vẫn còn hơn 540 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 106 tỷ đồng nợ vay dài hạn, giảm không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Và chừng đó vẫn chưa đủ, vẫn còn thêm gần 717 tỷ đồng chi phí lãi vay ngân hàng phải trả đang “treo trên đầu” doanh nghiệp này. Giữa tình hình kinh doanh trì trệ vì vô vàn khó khăn vây quanh, thật không biết đến bao giờ thì những khoản nợ trên mới được trả đủ, khi mà lãi mẹ đẻ lãi con.

Câu trả lời từ Thuận Thảo?

Để khắc phục những vấn đề trên, GTT cho biết sẽ thực hiện thanh lý, chuyển nhượng tài sản để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân; đồng thời xử lý các tài sản thế chấp hiện đang vay vốn tại các ngân hàng theo đúng luật định.

Công ty sẽ tập trung thu hồi các công nợ để có vốn đầu tư. Ưu tiên thực hiện nghĩa vụ về thuế và các chính sách cho người lao động (lương, BHXH,…).

Ngoài ra, GTT cho biết sẽ tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh – liên kết để huy động nguồn vốn. Cùng với đó, Công ty sẽ cố gắng kiện toàn hệ thống quy trình, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát.

Vĩnh Thịnh

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma