Khó có một đồng USD yếu như Trump mong muốn

23/08/2018 08:30

Dường như ông Trump đang muốn tạo áp lực lên Fed để gây ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ, theo hướng làm chậm lộ trình thắt chặt để đẩy đồng USD giảm giá trở lại, nhằm trả đũa chính sách phá giá tiền tệ mà Bắc Kinh thực hiện thời gian qua. Dù vậy, mục tiêu duy trì một đồng USD yếu của vị tổng thống Mỹ này khó có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay.

Khó có một đồng USD yếu như Trump mong muốn

Dường như ông Trump đang muốn tạo áp lực lên Fed để gây ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ, theo hướng làm chậm lộ trình thắt chặt để đẩy đồng USD giảm giá trở lại, nhằm trả đũa chính sách phá giá tiền tệ mà Bắc Kinh thực hiện thời gian qua. Dù vậy, mục tiêu duy trì một đồng USD yếu của vị tổng thống Mỹ này khó có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay.

Trump muốn trả đũa tỷ giá?

Khả năng 2 lần tăng thêm lãi suất trong năm nay của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang gặp nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Vào ngày hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa có những chỉ trích gay gắt nhắm vào cơ quan này. Cụ thể ông cho biết “không hài lòng” với chủ tịch Fed và kỳ vọng Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn nhất thế giới này cần “có thêm nhiều sự giúp đỡ hơn”, bằng cách ngưng tăng lãi suất.

Tính cho đến nay, Fed đã có 2 lần tăng lãi suất trong năm nay, với tổng mức tăng thêm 0.5% lên vùng 1.75 – 2%. Theo lộ trình cơ quan này đưa ra, trong năm 2018 sẽ có 4 lần tăng lãi suất. Tuy nhiên, hành động tăng lãi suất của Fed đã đẩy đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế từ đầu năm đến nay, và theo ông Trump là điều này làm “tổn hại” đến nền kinh tế Mỹ vốn đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các chính sách tài khóa mở rộng, như quyết định giảm thuế dưới thời ông, cũng như càng khiến cán cân thương mại của Mỹ mất cân bằng.

Hồi tháng 7 năm nay tổng thống Trump cũng đã chỉ trích Fed và kêu gọi NHTW này ngừng việc tăng lãi suất lại. Cần nhớ rằng trước nhiệm kỳ của ông Powell, ông Trump cũng đã nhiều lần tỏ vẻ không ưa thích chính sách lãi suất dưới thời chủ tịch Fed Janet Yellen, và theo giới phân tích thì đó là một trong những lý do mà ông Trump đưa Powell lên thay thế. Ngoài ra, khi mới đắc cử tổng thống, ông Trump cũng nhiều lần nhấn mạnh đến việc cần có một đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu của nước Mỹ.

Trớ trêu thay từ đó đến nay, đồng USD đã thiết lập xu hướng mạnh lên vững chắc so với các đồng tiền khác. Và với cuộc chiến thương mại mà Mỹ chủ động kích hoạt gần đây, giới đầu tư càng có động lực tìm đến đồng USD như một tài sản an toàn, trong khi các đối thủ trong cuộc chiến như Trung Quốc lại tìm cách phá giá đồng nhân dân tệ khi, khiến đồng USD càng tăng giá mạnh so với nhân dân tệ, có lúc lên đến 10% và phần nào giảm hiệu quả của các hàng rào thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.

Trước tình hình trên, dường như ông Trump đang muốn tạo áp lực lên Fed để gây ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ, theo hướng làm chậm lộ trình thắt chặt để đẩy đồng USD giảm giá trở lại, nhằm trả đũa chính sách phá giá tiền tệ mà Bắc Kinh thực hiện thời gian qua. Thực tế sau phát biểu vào hôm qua của ông Trump, chỉ số USD Index đã giảm mạnh xuống trở lại mốc 95, đánh dấu ngày thứ 5 đi xuống liên tiếp. Nếu tính từ mức cao nhất ở gần mốc 97 đạt được hôm 15/8, chỉ số USD Index đã giảm gần 2% chỉ trong vòng 1 tuần, mức giảm lớn nhất trong 6 tháng qua.

Khó có thể thành công

Dù vậy, mục tiêu “duy trì một đồng USD yếu” của ông Trump khó có thể đạt được. Thứ nhất là trong tình hình nền kinh tế Mỹ đang mạnh hơn bao giờ hết, với tăng trưởng GDP quý 2 vừa qua đạt mức 4.1%, cao nhất trong 4 năm qua, trong khi lạm phát mục tiêu cũng đã chạm mốc 2% cùng với thị trường việc làm tăng trưởng mạnh, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang rất nóng. Do đó, Fed khó lòng giữ nguyên lãi suất như tổng thống Mỹ mong muốn, nhất là khi từ trước đến nay NHTW này được xem là một cơ quan độc lập hoàn toàn và không dễ gì bị tác động bởi các yếu tố chính trị.

Thứ hai là trong bối cảnh rủi ro chiến tranh thương mại cũng như khủng hoảng tiền tệ đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo giới phân tích có thể lan sang các nền kinh tế mới nổi khác, thì dòng vốn sẽ tiếp tục chạy về Mỹ và tìm đến những đồng tiền mạnh như USD là tất yếu, nhất là khi lãi suất đồng USD cũng đang trong xu hướng đi lên và cao hơn so với giai đoạn trước đây, cũng như cao hơn nhiều so với một số đồng tiền lớn khác như Euro hay yên Nhật.

Thứ ba là chính sách lôi kéo nhà đầu tư và doanh nghiệp quay về Mỹ như tuyên bố của ông Trump dường như lại mâu thuẫn với mục tiêu giữ đồng USD yếu, vì về cơ bản khi dòng vốn đổ xô vào thị trường Mỹ tất yếu sẽ làm tăng cầu USD và đẩy giá USD tăng lên so với các đồng tiền khác. Ngoài ra, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu suy yếu, đặc biệt là tại các thị trường cận biên và mới nổi, thì chứng khoán Mỹ lại liên tiếp lập kỷ lục càng làm thu hút dòng vốn tìm đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Thứ tư là để đối phó với mục tiêu làm suy yếu đồng USD của chính quyền Trump, các nước khác cũng có thể hành động tương tự bằng cách chủ động phá giá tiền tệ của mình, nhằm đạt được các lợi thế về thương mại cũng như giải tỏa áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước, tránh để dồn nén quá lâu dẫn đến những bất ổn và rủi ro tích lũy. Và khi đó thì hiệu quả từ các chính sách làm suy yếu đồng bạc xanh nếu được thực hiện cũng sẽ phần nào bị vô hiệu hóa, và một cuộc chiến tranh tiền tệ cũng có khả năng bị châm ngòi trở lại khi các quốc gia thay phiên nhau cố gắng giảm giá đồng tiền.

Và cuối cùng một đồng USD yếu không phải là hoàn toàn tốt cho nền kinh tế Mỹ như những gì ông Trump phát biểu. Vì đồng USD yếu tuy có thể giảm bớt mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ, dù chưa biết đến đâu nhưng trước mắt sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải mua hàng hóa từ bên ngoài với giá đắt đỏ hơn, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của các công ty Mỹ cũng cao hơn. Ngược lại một đồng USD mạnh không chỉ giúp thu hút nguồn vốn chạy về Mỹ như đã nói, mà còn giúp nước Mỹ thêm củng cố vị thế cường quốc số 1 của mình và tiếp tục phát hành nợ dễ dàng hơn.

Để đối phó với mục tiêu làm suy yếu đồng USD của chính quyền Trump, các nước khác cũng có thể hành động tương tự bằng cách chủ động phá giá tiền tệ của mình, nhằm đạt được các lợi thế về thương mại cũng như giải tỏa áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước, tránh để dồn nén quá lâu dẫn đến những bất ổn và rủi ro tích lũy. Và khi đó thì hiệu quả từ các chính sách làm suy yếu đồng bạc xanh nếu được thực hiện cũng sẽ phần nào bị vô hiệu hóa, và một cuộc chiến tranh tiền tệ cũng có khả năng bị châm ngòi trở lại khi các quốc gia thay phiên nhau cố gắng giảm giá đồng tiền.

Phan Thụy

fili

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma