Kiểm soát tín dụng là cơ hội?

21/10/2018 20:03

Tín dụng toàn hệ thống tăng 9,52% trong chín tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2017 (11,02%) và còn cách xa mục tiêu 17% cho cả năm 2018. So với mức tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm là 7,86% thì tín dụng chỉ tăng khoảng 1,66% trong quí 3. Một con số khá khiêm tốn!

Kiểm soát tín dụng là cơ hội?

Tín dụng toàn hệ thống tăng 9,52% trong chín tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2017 (11,02%) và còn cách xa mục tiêu 17% cho cả năm 2018. So với mức tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm là 7,86% thì tín dụng chỉ tăng khoảng 1,66% trong quí 3. Một con số khá khiêm tốn!

Tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 khó có thể đạt 17% như kế hoạch đề ra từ đầu năm. Ảnh: THÀNH HOA

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%

Nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại có thể dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 khó có thể đạt 17% như kế hoạch đề ra từ đầu năm. Hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho từng ngân hàng thương mại chỉ ở mức 13-14%, một số ít ngân hàng là 15%. Những tưởng NHNN giao hạn mức tăng trưởng thấp như vậy để cân đối điều chỉnh cho từng ngân hàng vào cuối năm (như các năm trước vẫn thực hiện). Nhưng trong năm 2018 mọi chuyện đã khác. Tăng trưởng tín dụng thấp đang phù hợp với quan điểm thận trọng của NHNN trong điều hành thị trường tiền tệ. Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của ngành ngân hàng được ban hành hồi đầu tháng 8 cho thấy, NHNN sẽ không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2018. Đây là biện pháp nhằm ổn định thanh khoản, kiểm soát lạm phát và quan trọng hơn là hướng dòng vốn tín dụng vào các mục tiêu hiệu quả.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua của năm 2018, có thể thấy thị trường tiền tệ vẫn đang khá ổn định trong sự kiểm soát, điều tiết của NHNN. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô cả trong nước và thế giới đều chưa ủng hộ cho quan điểm nới lỏng tiền tệ.

GDP chín tháng đầu năm tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2017 và có lẽ sẽ dễ dàng vượt kế hoạch 6,7% trong cả năm 2018. Tăng trưởng kinh tế duy trì tích cực mặc cho tín dụng tăng thấp sẽ không tạo ra áp lực nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng như những năm trước. CPI tháng 9-2018 chỉ tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên, lạm phát thường tăng tốc trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ nên NHNN sẽ phải tiếp tục cẩn trọng với chỉ tiêu này. Áp lực đối với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn luôn rình rập, nhất là khi xuất siêu thời gian qua vẫn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI.

Nhìn ra bên ngoài, sự bất ổn của thị trường tài chính thế giới đang rất lớn. Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng và chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Cùng với đó, xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới không chỉ nằm ở các đợt tăng lãi suất của Mỹ mà đã lan rộng sang nhiều nước phát triển và nhóm thị trường mới nổi. Với độ mở lớn, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động từ bên ngoài khi nền kinh tế thế giới có bất ổn.

Cơ hội tái cơ cấu nguồn thu nhập

Tăng trưởng tín dụng bị hạn chế còn là động lực cho hoạt động xử lý nợ quá hạn, nợ xấu. Một khoản nợ quá hạn được xử lý giờ đây không chỉ làm tăng thu nhập do hoàn nhập dự phòng hay lãi đã thoái thu mà còn giúp mở “room” tín dụng, tạo cơ hội cho một khoản vay mới tốt hơn.

Từ thực tế tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng. Nói gì thì nói, tín dụng vẫn đang là nguồn thu nhập chính của các ngân hàng. Nhưng các ngân hàng đều đang định hướng giảm dần sự phụ thuộc vào mảng tín dụng vốn mang nhiều rủi ro. Số liệu tổng hợp từ 25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 2-2018 cho thấy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập thuần sáu tháng đầu năm 2018 là 74,96%, giảm so với mức 76,41% của năm 2017 và mức 80% của năm 2016.

Trong các hoạt động ngoài tín dụng, mảng dịch vụ có mức tăng trưởng ấn tượng và ổn định nhất. Riêng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của 25 ngân hàng trên đã tăng trưởng 30,72% trong sáu tháng đầu năm 2018, sau khi tăng mạnh 47,27% trong năm 2017. Hầu hết các ngân hàng được khảo sát đều tăng trưởng mạnh thu nhập thuần về dịch vụ, và đa số là tăng trưởng rất đồng đều ở các dịch vụ khác nhau. Đặc thù của mảng dịch vụ là thu nhập từ mỗi khách hàng đem lại thấp, tức ngân hàng phải bỏ công sức bán hàng nhiều hơn, nhưng bù lại, rủi ro rất thấp so với các mảng khác. Doanh số và thu nhập từ mảng dịch vụ cũng khá ổn định chứ không phập phù, phụ thuộc nhiều vào thị trường như mảng kinh doanh tiền tệ hay kinh doanh ngoại hối.

Nổi bật nhất là sự tăng trưởng của dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử và dịch vụ đại lý bảo hiểm. Tiềm năng của dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử vẫn còn nhiều vì định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và sự tăng trưởng nhanh chóng về lượng người dùng các thiết bị di động thông minh. Nhiều ngân hàng cũng đã đầu tư lớn vào phát triển ngân hàng số hoặc liên kết với các công ty tài chính - công nghệ để cùng thu lợi, thay vì cạnh tranh trực tiếp với nhau. Dịch vụ thanh toán quốc tế cũng đã có sự tăng trưởng liên tục cùng với độ mở và sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Đối với dịch vụ đại lý bảo hiểm, tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn vì đến năm 2017 mới chỉ có khoảng 7% dân số có tham gia bảo hiểm nhân thọ và tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng chỉ ở mức 10% trong tổng phí bảo hiểm (tỷ lệ này tại các nước trong khu vực vào khoảng 40%, tại các nước phát triển là gần 70%). Trong năm 2017, hàng loạt ngân hàng đã ghi nhận phí hỗ trợ ban đầu độc quyền phân phối bảo hiểm làm thu nhập dịch vụ tăng vọt như Sacombank, VPbank, Techcombank, SHB. Mức phí hỗ trợ độc quyền này từ khoảng vài trăm tỉ đồng đến vài ngàn tỉ đồng tùy vào số lượng khách hàng và mạng lưới của ngân hàng. Sang năm 2018, mặc dù không còn ghi nhận phí hỗ trợ độc quyền nữa nhưng hoa hồng kinh doanh bảo hiểm vẫn tăng trưởng mạnh và đóng góp ngày càng lớn vào tổng thu nhập thuần.

Cơ hội tái cơ cấu danh mục tín dụng

Ngay chính trong hoạt động tín dụng, việc NHNN kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng cũng tạo ra cơ hội cho các ngân hàng. Nghe có vẻ hơi lạ, nhưng thực sự trong điều kiện tăng trưởng tín dụng có giới hạn thấp hơn, ngân hàng càng có thêm động lực thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu nợ và khách hàng. Thay vì cho vay thoải mái với mức chịu đựng rủi ro có thể nới thêm một chút, các ngân hàng giờ đây cần chọn lọc khách hàng tốt hơn, dự án hiệu quả hơn, lãi suất cao hơn, và kể cả là tài sản bảo đảm tốt hơn. Thực ra, tại nhiều ngân hàng, hoạt động tái cấu trúc danh mục tín dụng đã diễn ra tích cực vài năm nay sau bài học nợ xấu giai đoạn trước. Khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập ổn định, khách hàng sản xuất kinh doanh hiệu quả là mục tiêu hướng đến của nhiều ngân hàng, thay vì tập trung vào các lĩnh vực có thể tăng nhanh dư nợ nhưng nhiều rủi ro như cho vay bất động sản, chứng khoán, BOT và BT giao thông.

Tăng trưởng tín dụng bị hạn chế còn là động lực cho hoạt động xử lý nợ quá hạn, nợ xấu. Một khoản nợ quá hạn được xử lý giờ đây không chỉ làm tăng thu nhập do hoàn nhập dự phòng hay lãi đã thoái thu mà còn giúp mở “room” tín dụng, tạo cơ hội cho một khoản vay mới tốt hơn. Việc xử lý nợ quá hạn vì thế sẽ được đẩy nhanh hơn, nhất là bằng phương pháp bán nợ. Thậm chí, với một khoản nợ chưa phải là nợ quá hạn nhưng có rủi ro hơi cao một chút, hoặc lãi suất cho vay thấp, cũng có thể được bán sang các ngân hàng khác còn “room”, bán cho công ty mua bán nợ hoặc các doanh nghiệp. Do đó, việc cơ cấu lại danh mục tín dụng không chỉ giúp rủi ro nợ xấu giảm đi mà còn làm tăng biên độ lợi nhuận.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc nên hay không nên quản lý bằng cách giao hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các ngân hàng, hay việc có nên điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng như các năm trước đây. Nhưng trong quyết định điều hành của NHNN, ắt hẳn cơ quan này có cái lý của họ. Trước một quyết định chính sách luôn có hai mặt, “nguy” hay “cơ” là tùy vào quan điểm và cách làm của mỗi ngân hàng.

Nam Quyên

tbktsg

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma