Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators (Phần 3)

11/09/2018 10:00

Tiếp nối chuỗi bài Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators, bài viết lần này tập trung giới thiệu cho nhà đầu tư một công cụ khác là Money Flow Index, chỉ báo này được dùng để ước tính dòng tiền vào và ra của cổ phiếu với phương pháp tính dựa trên Relative Strength Index nên có những điểm khác biệt so với chỉ báo On Balance Volume đã được giới thiệu trong phần 2.

Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators (Phần 3)

Tiếp nối chuỗi bài Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators, bài viết lần này tập trung giới thiệu cho nhà đầu tư một công cụ khác là Money Flow Index, chỉ báo này được dùng để ước tính dòng tiền vào và ra của cổ phiếu với phương pháp tính dựa trên Relative Strength Index nên có những điểm khác biệt so với chỉ báo On Balance Volume đã được giới thiệu trong phần 2.

Money Flow Index - MFI là chỉ báo ước tính dòng tiền đi vào và đi ra của cổ phiếu trong một khoảng thời gian xác định. Về cơ bản MFI sử dụng giá và khối lượng để tìm kiếm những thông tin cho quá trình phân tích. Đây là công cụ phổ biến trong nhóm Volume Indicators bên cạnh On Balance Volume - OBV. Tuy nhiên, MFI lại được chuẩn hóa bằng cách tính của Relative Strength Index - RSI (xem phần 1) nên chỉ báo này cũng thuộc nhóm Momentum Indicators và mang những đặc điểm của nhóm này.

Cách sử dụng MFI xoay quanh những vấn đề sau:

Vùng Overbought/ Oversold

Vùng Overbought/ Oversold là một khái niệm quan trọng của nhóm Momentum Indicators nói chung và MFI nói riêng, Vùng Overbought/ Oversold cho thấy vùng giá trị cực hạn cảnh báo về sự đảo chiều tiềm năng trong xu hướng.

  • Vùng Overbought là vùng giá trị trên 80, nếu MFI đi và vùng Overbought thì giá có khả năng quay đầu đi xuống.
  • Vùng Oversold là vùng giá trị dưới 20, nếu MFI đi và vùng Oversold thì giá có khả năng đảo chiều đi lên.

Biến động trên đồ thị ngày của MBB từ tháng 01/2017 đến nay 06/2018


Nguồn: VietstockUpdater

Trong giai đoạn từ tháng 01/2017 đến tháng 06/2018, chỉ báo MFI của MBB đi vào vùng Overbought 6 lần, và trong 6 lần đó, giá đều có xu hướng tạo lập đỉnh và quay đầu đi xuống. Nếu quan sát kỹ, đỉnh của MFI đều trùng với những đỉnh trên đồ thị giá của MBB.

Tín hiệu phân kỳ

Thông thường, sự gia tăng/ điều chỉnh trong giá thường đi kèm với sự gia tăng/ điều chỉnh trong chỉ báo, đây là tín hiệu xác nhận cho xu hướng. Tuy nhiên, trong những giai đoạn nhất định, giá và chỉ báo có xu hướng di chuyển không cùng chiều, qua đó tạo nên tín hiệu phân kỳ, cảnh báo khả năng đảo chiều trong xu hướng. Có 2 dạng tín hiệu phân kỳ chính là:

  • Phân kỳ giảm giá: Giá hình thành đỉnh mới cao hơn nhưng MFI lại hình thành đỉnh mới thấp hơn.
  • Phân kỳ tăng giá: Giá hình thành đáy mới thấp hơn nhưng MFI lại hình thành đáy mới cao hơn.

Biến động trên đồ thị ngày của HBC từ tháng 06/2012 đến nay 09/2013


Nguồn: VietstockUpdater

Đồ thị HBC trong giai đoạn 06/2012 đến nay 09/2013 cho thấy tín hiệu phân kỳ giữa MFI và giá. Từ tháng 09/2012 đến tháng 11/2012, HBC liên tục đi xuống tạo đáy mới, tuy nhiên, chỉ báo MFI lại đi lên và hình thành các đáy mới cao hơn. Đây là tín hiệu phân kỳ tăng giá, cảnh báo về sự đảo chiều cho giai đoạn tăng trưởng từ tháng 11/2012 đến tháng 03/2013.

Hiện tượng phân kỳ giảm giá được hình thành khi giá đi lên và liên tục tạo đỉnh mới cao hơn trong tháng 02/2013-03/2013, nhưng MFI lại có diễn biến trái chiều khi đi xuống hình thành các đỉnh mới thấp hơn. Sau khi tín hiệu phân kỳ giảm giá xuất hiện, HBC điều chỉnh ngắn hạn trong 2 tháng sau đó.

So sánh MFI và RSI

Như đã đề cập ở trên, MFI được tính toán dựa trên RSI, về cơ bản cả hai chỉ báo đều thuộc nhóm Momentum Indicators. Tuy nhiên, MFI đưa thêm khối lượng giao dịch vào việc tính toán nên chiết xuất thêm những thông tin mới. Có thể nói MFI là phiên bản nâng cấp của RSI.

Do cách tính giống nhau nên biến động của RSI và MFI gần như tương đồng, khi RSI tạo đáy/ đỉnh thì MFI cũng có xu hướng tương tự (xem hình dưới). Do đó, việc sử dụng đồng thời RSI và MFI trên cùng một đồ thị sẽ không đem lại nhiều giá trị trong phân tích. Thay vào đó, nhà đầu tư nên lựa chọn một trong hai chỉ báo trên và kết hợp với các nhóm khác như: Moving Averages, Breadth Indicators... để tăng thêm hiệu quả.

Biến động trên đồ thị ngày của GAS từ tháng 04/2017 đến nay 05/2018


Nguồn: VietstockUpdater

Ngoài các chỉ báo thuộc nhóm Volume Indicators, còn rất nhiều phương pháp khác dùng để phân tích khối lượng và đưa ra những cảnh báo sớm về thị trường như: Hiện tượng Volume Spikes, hiện tượng đột biến khối lượng, phân tích xu hướng giữa khối lượng và giá…

Trần Trương Mạnh Hiếu

FiLi

Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators (Phần 1)

Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators (Phần 2)

Đột biến khối lượng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Volume Spikes - Lý thuyết và thực tiễn trên thị trường chứng khoán Việt Nam


CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma