Lý do khiến Eo biển Hormuz trở thành vị trí án ngữ dầu quan trọng nhất thế giới

12/07/2019 14:50

Eo biển Hormuz là cánh cửa tối quan trọng dẫn đến ngành công nghiệp dầu của thế giới, với hơn 1/5 nguồn cung dầu toàn cầu chảy qua một kênh biển hẹp được các nước thuộc vùng Vịnh như Iran, Ả-rập Xê-út và Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) sử dụng.

Lý do khiến Eo biển Hormuz trở thành vị trí án ngữ dầu quan trọng nhất thế giới

Eo biển Hormuz là cánh cửa tối quan trọng dẫn đến ngành công nghiệp dầu của thế giới, với hơn 1/5 nguồn cung dầu toàn cầu chảy qua một kênh biển hẹp được các nước thuộc vùng Vịnh như Iran, Ả-rập Xê-út và Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) sử dụng.

Tuyến đường thủy quan trọng mang tính chiến lược này liên kết những nhà sản xuất dầu thô ở khu vực Trung Đông với những thị trường trọng yếu trên thế giới.

Lượng dầu trung bình chảy qua eo biển này là 21 triệu thùng/ngày vào năm 2018, dựa theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Số lượng đó tương đương 21% lượng dầu mỏ tiêu thụ trên toàn cầu – khiến eo biển này trở thành điểm án ngữ dầu quan trọng nhất trên thế giới.

Theo EIA, điểm án ngữ là một kênh hẹp chảy dọc theo các tuyến đường biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng, được cả thế giới sử dụng rộng rãi.

Vì vậy, việc dầu không thể vận chuyển qua một điểm án ngữ quan trọng nào đó, cho dù chỉ là tạm thời, cũng có thể dẫn đến việc trì hoãn đáng kể nguồn cung và đẩy chi phí vận chuyển lên cao hơn – kết quả là giá năng lượng trên toàn thế giới cũng sẽ lên cao hơn.

Người ta có thể né tránh hầu hết điểm án ngữ bằng cách sử dụng những kênh vận chuyển khác nhưng có một vài điểm, chẳng hạn như Eo biển Hormuz, lại không có phương án thay thế thiết thực nào.

Năm 2018, có đến 1/3 tổng lượng dầu được giao dịch bằng đường biển trên toàn thế giới được vận chuyển qua kênh vận chuyển nhỏ hẹp này. Và có hơn 25% lượng khí đốt hóa lỏng tự nhiên được giao dịch trên toàn cầu (LNG) cũng được vận chuyển qua kênh này.

Căng thẳng Mỹ-Iran

Khu vực vùng Vịnh đã bị rung chuyển vì thời kỳ bất ổn tăng cao trong những tháng gần đây, đe dọa dòng chảy của dầu qua Eo biển. Sáu tàu chở dầu và một máy bay gián điệp không người lái của Mỹ đã bị tấn công vào tháng 5/2019 tại vị trí trong hoặc gần tuyến đường thủy giữa bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày một gia tăng.

Các cuộc tấn công đã khiến hai quốc gia tiến gần đến việc xung đột hơn vào tháng 6/2019. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh ngừng các cuộc không kích vào những phút cuối cùng, trước đó lệnh không kích được đưa ra nhằm trả đũa việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ bay trên vùng Vịnh, hành động đó của Iran tiếp nối sau các cuộc tấn công của những thành phần không xác định nhắm vào hai tàu chở dầu thành phẩm ở gần vùng Vịnh Oman của Mỹ.

Washington cũng buộc tội Iran đã tấn công bốn tàu chở dầu khác của Mỹ trong cùng khu vực vào ngày 12/05/2019. Tehran đã bác bỏ các cáo buộc trên.

Trong 12 tháng qua, chính quyền của ông Trump đã áp một lệnh trừng phạt mới lên Iran như một phần của nỗ lực bền bỉ nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Iran cùng với chương trình hạt nhân của nước này. Một vài lệnh hạn chế tài chính còn đặc biệt nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu của Iran – vốn được coi là huyết mạch kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Đáp trả lệnh trừng phạt, Iran cho biết vào đầu tháng 07/2019 rằng quốc gia này sẽ bắt đầu tăng cường việc khai thác uranium ở mức độ cao hơn, điều này đã vi phạm thỏa thuận quốc tế.

Iran còn đe dọa sẽ làm gián đoạn việc vận chuyển dầu qua Eo biển Hormuz.

Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang, sự gián đoạn dọc theo tuyến đường thủy này – vốn chỉ rộng 21 dặm tại vị trí hẹp nhất – có thể khiến các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và hàng tá quốc gia nhập khẩu lượng lớn dầu thô từ các nước Trung Đông khác gặp cảnh khốn đốn.

Những quốc gia nào phụ thuộc vào việc vận chuyển dầu thông qua Eo biển Hormuz?

EIA ước tính có khoảng 76% dầu thô và các chế phẩm từ dầu được vận chuyển thông qua điểm án ngữ Hormuz để tiến vào các thị trường châu Á trong năm 2018.

Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là những điểm đến lớn nhất của lượng dầu thô được vận chuyển qua Eo biển Hormuz đến châu Á, chiếm khoảng 65% tổng lượng dầu thô và chế phẩm từ dầu được vận chuyển qua Hormuz trong năm 2018, EIA cho biết.

Trong lúc đó, sự bùng nổ của việc khai thác đá phiến xanh ở Mỹ đã khiến sản lượng dầu và khí gas ở Mỹ tăng đột biến, dẫn đến việc nền kinh tế lớn nhất thế giới này không còn phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu từ các nước thuộc vùng Vịnh Ba Tư nữa.

Tháng 03/2019, Mỹ nhập khẩu từ các nước Trung Đông trung bình ít hơn 1.05 triệu thùng/ngày, giảm từ mức gần 3.08 triệu thùng/ngày trong tháng 04/2003, theo EIA.

Trong cùng thời kỳ, sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt gần 12 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 5.73 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu và khí gas tăng mạnh ở Mỹ cũng đã thay đổi lực lượng kiểm soát thị trường dầu thế giới, vốn thường lấy tín hiệu từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) – nhóm các nước sản xuất dầu mỏ thống trị khu vực Trung Đông, trong đó có Ả-rập Xê-út, Iran và Venezuela.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma