“Mạng lưới bất chính” của bác sĩ Cho: Sự dàn xếp tài tình (Phần 3)

17/07/2019 14:11

Một trong những công ty lớn nhất trong hệ thống của ông Cho và cũng là công ty bị cáo buộc được sử dụng cho các hành động phạm pháp là Convoy. Town Health bắt đầu mua 25% cổ phần của Convoy vào năm 2013.

“Mạng lưới bất chính” của bác sĩ Cho: Sự dàn xếp tài tình (Phần 3)

Một trong những công ty lớn nhất trong hệ thống của ông Cho và cũng là công ty bị cáo buộc được sử dụng cho các hành động phạm pháp là Convoy. Town Health bắt đầu mua 25% cổ phần của Convoy vào năm 2013.

Với tỷ lệ sở hữu như vậy, ông Cho chưa bao giờ là cổ đông có quyền điều hành công ty nhưng ông ta đã cài “tâm phúc” vào khắp công ty, tạo một địa chỉ email bí mật và đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng với tư cách thay mặt cho công ty Convoy, dựa theo vụ kiện mà ban lãnh đạo hiện tại của Convoy đệ đơn.

* “Mạng lưới bất chính” của bác sĩ Cho: Cuộc gặp gỡ tình cờ (Phần 2)

* “Mạng lưới bất chính” của bác sĩ Cho: Sự xuất hiện bất ngờ (Phần 1)

Theo các giấy phép về quy định của Convoy thì nhân viên của công ty có thể mua bán cổ phiếu, tài trợ IPO và cho các nhà đầu tư có ít ảnh hưởng đến công ty vay tiền, đó chính là các quyền mà ông Cho đã dùng để trục lợi cho bản thân, dựa theo những cáo buộc trong đơn kiện. Trong một cáo buộc cho biết năm 2015, gia đình điều hành ngân hàng lớn thứ hai của Đài Loan – Fubon Financial Holding Co. – đã đầu tư vào Convoy một khoản trị giá 1.57 tỷ HKD và ông Cho đã chuyển số tiền đầu tư đó vào túi riêng của những người làm chung trong hệ thống ông. Các thành viên của gia đình Tsai đã từ chối bình luận về việc này.

Theo vụ kiện, nhà Tsai muốn thêm cựu CEO của Citigroup Inc., Sanford Weill, vào làm nhà đồng đầu tư, nhưng ông Cho đã phản bác ý kiến này. Thay vào đó, ông Cho đã tìm được các nhà đầu tư độc lập để mua số cổ phiếu mới trị giá 1.4 tỷ HKD của công ty Convoy. Các nhà đầu tư mới này hóa ra lại là một người họ hàng gần của ông Cho, người họ hàng này lại là chủ của một công ty chuyên đảm nhiệm mảng quan hệ công chúng (PR) cho Town Health và hàng loạt công ty khác.

Sau đó, ông Cho đã trực tiếp chỉ đạo Convoy cho các công ty và những người có liên quan với ông ta vay số tiền lên đến hơn 1 tỷ HKD, trong đó có việc việc sử dụng tiền ký quỹ và theo một cáo buộc có liên quan khác thì hành động này đã dựa trên “các điều khoản phi thương mại, phi lý và/hoặc gây bất lợi nghiêm trọng” đến Convoy.

Ông Cho cũng dàn xếp để Convoy đầu tư 375 triệu HKD vào công ty First Credit Finance Group Ltd., đẩy cổ phiếu của công ty này lên 260% vào năm 2016. Trong khi đó, những người thân của ông Cho lại rút bớt cổ phần trong công ty này, dựa theo những phát hiện của một công ty điều tra nước ngoài. Công ty First Credit không bình luận gì về việc này.

Ông Cho còn bắt công ty Convoy trả cho một công ty khác mà ông sở hữu số tiền tài trợ mỗi tháng là 100,000 HKD với lý do trả tiền dịch vụ tư vấn, tuy nhiên, dịch vụ đó lại “không có mục đích hay đem lại lợi ích rõ ràng” nào cho Convoy. Sau đó, Convoy lại mua lại công ty trên với giá 90 triệu HKD nhưng không báo cáo với sàn giao dịch chứng khoán, việc này đã vi phạm các quy tắc tiết lộ về giao dịch của các bên liên quan, dựa theo vụ kiện. Ban giám đốc hiện tại của công ty được nhắc đến từ chối bình luận.

Tổng hợp tất cả những hành động trên – không tiết lộ, nắm giữ chéo, đổi tên, đổi lĩnh vực hoạt động và thế chấp cổ phần – là thứ mà cơ quan quản lý gọi là “bất chính”, tuy nhiên họ không chỉ đích danh công ty nào. “Bởi vì những công ty này phối hợp hành động của chúng ẩn dưới hoạt động của các công ty hợp pháp khác”, ông Atkinson của SFC cho biết, “nên chúng đúng nghĩa là đang lẩn trốn giữa những hoạt động hợp pháp”.

Phơi bày mạng lưới bí ẩn

May thay, nhà đầu tư chủ động David Webb đã giúp đưa mọi thứ ra ánh sáng. Vào tháng 5/2017, người đàn ông tự miêu tả bản thân là “tên cuồng máy tính” này đã cho ra mắt một sơ đồ bao gồm 50 loại cổ phiếu nên tránh đầu tư. Sơ đồ đó nhìn giống như một mạng nhện và ông Webb gọi nó là “Enigma Network” (Mạng lưới bí ẩn). Cổ phiếu của Convoy là một trong số đó.

Ông Webb (53 tuổi) đến Hồng Kông vào năm 1991 sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford. Ông bắt đầu sự nghiệp với vị trí nhân viên ngân hàng và 10 năm sau đó, ông bắt đầu quản lý danh mục đầu tư riêng của bản thân, cho ra mắt trang webb-site.com với mục đích làm sáng tỏ những hành vi đáng nghi mà ông để ý trên thị trường của thành phố. Qua nhiều năm, ông Webb “gom góp” được khối tài sản 170 triệu USD nhờ vào việc đầu tư chứng khoán, đồng thời lên tiếng kêu gọi cơ quan quản lý nên đưa ra các quy định cứng rắn và minh bạch hơn. Ông thường thức đến 2 giờ sáng mỗi ngày, ngụp lặn trong đám giấy tờ ở văn phòng tại gia của ông. “Truy tố hình sự là điều cần phải làm”, ông nói.

Lần đầu tiên, ông Webb cảnh báo về ông Cho là sau khi Town Health ra mắt đại chúng vào năm 2000. Các nhà sáng lập của Town Health đã đăng ký thành lập một công ty có trụ sở ở Đảo Virgin của Anh, nhưng công ty đó lại không công bố lợi nhuận trong bản cáo bạch IPO. Con số đó chỉ được tiết lộ khi Town Health mua lại công ty đó với số tiền bằng một nửa giá trị IPO một tháng sau đó. Tính từ đợt IPO của công ty trên, giá cổ phiếu của Town Health đã giảm 51% vào cuối năm sau khi tăng vọt đến 220% vào tuần đầu tiên sau IPO.

Nhà đầu tư chủ động David Webb

Mười bảy năm sau đó, sự ra đời của Enigma Network là bước đệm đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của “mạng lưới bất chính” này. Cổ phiếu của Town Health giảm mạnh 54% và cổ phiếu của Convoy cũng tụt 47%. Điều này cũng khiến các cơ quan quản lý bị xấu mặt, vì họ đã không theo kịp các thay đổi trên mọi phương diện. “Các nhà đầu tư phần lớn đều không trông chờ gì vào các cơ quan quản lý”, ông Webb nói, “và thường thì các cấp quản lý chỉ đụng tay một chút vào những lúc đã quá muộn màng”.

Mặc dù thị trường chứng khoán Hồng Kông vốn nổi tiếng với các loại giao dịch mờ ám, nhưng mạng lưới bất chính của ông Cho đã nâng sự mờ ám này lên một tầm cao mới, tạo ra một vài đà tăng ngoạn mục nhưng cũng lắm cú đổ đèo ngoạn mục không kém trong vài năm gần đây. Việc cổ phiếu của nhóm công ty có vốn hóa nhỏ tăng lên vài ngàn điểm phần trăm không còn là thứ hiếm thấy ở thị trường Hồng Kông nữa, chẳng hạn như vào năm 2016, cổ phiếu của một công ty xây dựng nọ đã tăng đến 9,800%, nhưng sau đó lại “bốc hơi” 1.4 tỷ USD trong vòng 1 ngày.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư Hồng Kông không quan tâm mấy đến các loại rủi ro này, đối với họ thị trường cũng giống như sòng bạc, đều là nơi mà họ phải “liều” thì mới “ăn nhiều” được. Giới đầu tư Hồng Kông rất vui lòng “ném tiền” vào thị trường và “xào nấu cổ phiếu”, vì những thuật ngữ như “đầu tư” và “cổ phiếu giao dịch” đều chỉ là những từ ngữ viết bằng tiếng Quảng Đông mà thôi.

“Họ không thực sự quan tâm đến các nguyên tắc cơ bản, họ chỉ biết rằng giá là 7 xu thì rẻ hơn so với giá 70 USD và họ chỉ chăm chăm kiếm cho bản thân một món hời mà thôi”, Wayne Yu, Chuyên gia tài chính tại Đại học City của Hồng Kông, cho biết. “Đây là một thành phố cuồng loạn. Bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào, bạn cũng sẽ thấy người bị mất tiền”.

Có đến 60% người trưởng thành ở Hồng Kông tham gia mua bán cổ phiếu, ngoại tệ hoặc các công cụ tài chính khác, thuộc vào nhóm có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng có đến 41% trong số những người trên đều chỉ muốn kiếm lời nhanh chóng nhưng lại không thèm nghiên cứu hay phân tích chuyên sâu để biết cách đầu tư sao cho thông minh, dựa theo nghiên cứu được cơ quan quản lý thực hiện vào năm 2017. Ở Hồng Kông, không có thứ gọi là thuế đánh trên lãi vốn (capital-gains tax).

Mang danh là thị trường tự do, các nhà quản lý đã áp dụng phương pháp “không nhúng tay” trong thời gian quá dài đến nỗi làm hủy hoại danh tiếng của thành phố, ông Yu nói. Có thể kể đến Hong Kong Exchanges & Clearing Ltd., công ty này vừa đảm nhiệm trọng trách điều hành sàn giao dịch chứng khoán và điều tiết nó, lại vừa là công ty giao dịch công khai trên thị trường để thu lợi nhuận.

Các vụ kiện tập thể và các tình huống có thể phát sinh hay các phương pháp thường được sử dụng để chống lại sự bất ổn của thị trường mà các nơi khác thường dùng đều không được áp dụng ở Hồng Kông. Bán khống bị cấm ở một số cổ phiếu. “Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thật sự không có tiếng nói ở thị trường Hồng Kông”, Melissa Brown, Nhà sáng lập của công ty tư vấn đầu tư Daobridge Capital Ltd. kiêm cựu thành viên của ủy ban niêm yết điều tra IPO và tư vấn giao dịch chứng khoán, chia sẻ. “Quy trình chính sách công khai mà bạn thường thấy ở những thị trường khác nhằm mục đích tạo ra hệ thống quy định vững chắc hơn lại không phát triển ở đây (Hồng Kông)”.

Sau khi SFC bắt đầu điều tra theo Enigma Network của ông Webb, các quan chức đứng đầu hứa sẽ vạch trần mọi hành vi sai trái ở đây. “Chúng tôi tìm ra những mạng lưới này đều đang ‘chơi khăm’ hệ thống bằng nhiều cách, từ việc chia sẻ và dùng chung người điều hành để che đậy việc kiểm soát thực tế, cho đến việc bán tài sản với các mức giá chiết khấu vô lý hoặc định giá cực kỳ cao để chuyển tiền đầu tư của các cổ đông vào túi riêng, mặc kệ các nhà đầu tư phải đối đầu với tình huống khó khăn”, Ashley Alder, CEO của SFC, cho biết. Cơ quan quản lý và sàn giao dịch Hồng Kông từ chối cung cấp thêm thông tin.

Còn tiếp...

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma