Mỹ muốn dùng thỏa thuận thương mại với các nước khác để “cô lập” Trung Quốc?

09/10/2018 11:36

Điều khoản số 32.10 trong thỏa thuận NAFTA mới buộc đối tác của Mỹ phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh...

Mỹ muốn dùng thỏa thuận thương mại với các nước khác để “cô lập” Trung Quốc?

Điều khoản số 32.10 trong thỏa thuận NAFTA mới buộc đối tác của Mỹ phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh...

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump tháng 11/2017 - Ảnh: Reuters.

Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) cải tổ mà Mỹ đạt được mới đây với Canada và Mexico bao gồm một điều khoản yêu cầu hai nước láng giềng này báo trước cho Mỹ về bất kỳ một cuộc đàm phán thương mại nào với "một nền kinh tế phi thị trường".

Theo tờ Financial Times, điều khoản này cũng có thể buộc Canada và Mexico phải cung cấp cho Mỹ chi tiết về các cuộc đàm phán thương mại, đồng thời cho phép Washington rút khỏi NAFTA nếu hai nước này ký một thỏa thuận thương mại khác khiến Mỹ "không vui".

Điều khoản trên đã vấp phải sự phản đối ở Canada, khi các nhà phê bình cho rằng hạn chế như vậy đồng nghĩa với sự mất mát chủ quyền của Ottawa và đặt ra giới hạn đối với các chính sách thương mại của nước này.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tiết lộ với Financial Times rằng Mỹ sẽ đưa ra điều khoản tương tự trong đàm phán thương mại với các quốc gia khác, bao gồm các cuộc đàm phán đã bắt đầu với Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, cũng như trong cuộc đàm phán tương lai với Anh sau khi khối này ra khỏi EU.

"Liệu đây có phải là một tiền lệ cho tương lai hay không? Chắc chắn là có", vị quan chức nói hôm thứ Bảy. "Điều quan trọng là chúng tôi cần đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào mà chúng tôi tham gia sẽ không bị làm cho suy yếu và Trung Quốc không tìm ra được một ‘cửa sau’ nào để tiếp cận với thị trường Mỹ".

Điều khoản 32.10 trong Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), tức NAFTA mới buộc đối tác của Mỹ phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.

"Thông điệp chính trị của điều khoản này có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng pháp lý của nó", giáo sư Roland Paris thuộc Đại học Ottawa nhận định. "Thông điệp gửi đến Canada là ‘hãy cẩn thận với Trung Quốc’, còn thông điệp với Trung Quốc là ‘đừng động vào Bắc Mỹ’".

Trước khi đạt thỏa thuận cải tổ NAFTA với Mỹ, chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau đã mở các cuộc đàm phán thương mại mang tính chất thăm dò với Bắc Kinh. Trong cuộc đàm phán cải tổ NAFTA, phía Mỹ đã nêu ra vấn đề này như một mối lo ngại, và đòi hỏi Canada phải chấp nhận điều khoản về "các nền kinh tế phi thị trường (NMEs)".

Ông Jorge Guajardo, một cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, hiện là một chuyên gia cấp cao thuộc công ty McLarty Associates ở Washington, nói rằng điều khoản trên nhiều khả năng sẽ nhận được sự hoan nghênh ở Mexico, bởi nước này không có ý định ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong tương lai gần.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, khi xảy ra cuộc chiến tranh Iraq, Tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush đưa ra quan điểm "nếu bạn không đứng về phe chúng tôi, có nghĩa là bạn chống lại chúng tôi". Điều khoản NAFTA mới có thể được xem như "phiên bản của Tổng thống Donald Trump" về quan điểm này.

Giáo sư Arthur Dong thuộc Trường Kinh doanh McDonough, Đại học George Town, thì cho rằng nỗ lực của chính quyền ông Trump kiềm chế các quốc gia khác trong giao dịch với Trung Quốc đánh dấu một "sự dịch chuyển rất quan trọng khỏi lập trường thương mại trước đây của Mỹ" và "chính là một sự thay đổi chiến lược có chủ đích đối với trật tự thương mại toàn cầu".

"Nếu EU hay Nhật Bản muốn có một thỏa thuận thương mại trực tiếp với Trung Quốc, họ sẽ phải hành động rất cẩn trọng, bởi sẽ có hậu quả từ những hành động như vậy", vị giáo sư nhận định.

Ông Dan Price, một cựu quan chức cấp cao thuộc chính quyền George W Bush, nói thêm: "Về bản chất, đây là việc áp lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ thông qua một thỏa thuận thương mại: nếu một nước muốn được ưu tiên tiếp cận thị trường Mỹ, thì nước đó không được có thỏa thuận thương mại với những nước mà Mỹ không ưa".

Khả năng các đối tác thương mại Mỹ ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ở thời điểm hiện tại, là khá thấp. Mỹ, Nhật Bản và EU vốn đang cùng cố gắng đưa ra một lập trường chung đối với chính sách thương mại mà họ cho là không công bằng của Bắc Kinh. Hầu như không ai kỳ vọng châu Âu tìm cách ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, hay Trung Quốc tìm cách gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản thúc đẩy.

Tuy nhiên, Mỹ có vẻ như rất nhạy cảm với những khả năng như vậy.

"Chúng tôi rất lo về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu vị thế của Mỹ thông qua tham gia vào thỏa thuận với các nước khác", vị quan chức Nhà Trắng nói. "Quan điểm của chúng tôi là mối nguy mà Trung Quốc đặt ra là điều chúng tôi cần phải giải quyết".

Trung Quốc đã có phản ứng khá giận dữ. Trong một tuyên bố gửi giới truyền thông Canada, đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa nói điều khoản 32.10 trong NAFTA mới phản ánh "hành vi không trung thực" vi phạm chủ quyền quốc gia và phản ánh định nghĩa sai về thế nào là các nền kinh tế thị trường và phi thị trường.

Theo Financial Times, lập trường của Mỹ trong NAFTA mới có một trường hợp khá tương đồng mới đây. Mới tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Pháp sẽ không chấp nhận thỏa thuận thương mại với các quốc gia không tham gia thỏa thuận khí hậu Paris. Tuyên bố của ông Macron được cho là ngầm nhằm vào Mỹ, bởi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này.

AN HUY

VNECONOMY

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma