Ngân hàng tăng tốc thoái vốn?

21/09/2018 10:20

Gần đây, nhiều ngân hàng đang rốt ráo thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu chéo xuống dưới 5% theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành ngày 20/01/2014.

Ngân hàng tăng tốc thoái vốn?

Gần đây, nhiều ngân hàng đang rốt ráo thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu chéo xuống dưới 5% theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành ngày 20/01/2014.

Trong đó, nổi bật và tích cực nhất có thể kể đến là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Viecombank, HOSE: VCB). Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo về cuộc bán đấu giá cổ phần của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) do Vietcombank sở hữu vào ngày 22/10/2018 tới đây.

Số lượng cổ phần được mang ra đấu giá là 45.6 triệu cp với giá khởi điểm là 14,497 đồng/cp. Với mức giá này, Vietcombank ước tính sẽ thu về hơn 661 tỷ đồng. Tính tới đầu năm 2018, Vietcombank đang nắm giữ hơn 101.2 triệu cp của EIB. Nếu thương vụ này thành công, tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại EIB sẽ giảm xuống còn 4.5% vốn điều lệ.

Cũng trong tháng 10/2018 tới đây, Vietcombank sẽ thực hiện đấu giá 53.4 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB), ứng với 2.47% vốn điều lệ. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 15/10/2018 với giá khởi điểm là 19,641 đồng/cp.

Nếu 2 cuộc thoái vốn này thành công, với cổ phiếu EIB và MBB ngày 20/09 lần lượt là 14,250 đồng/cp và 22,650 đồng/cp, Vietcombank dự kiến thu về không dưới 1,800 tỷ đồng.

Với kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới, Vietcombank sẽ giảm lượng sở hữu tại 2 ngân hàng này xuống dưới 5% theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành ngày 20/11/2014, Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó. Hiện NHNN đã đề xuất sửa Thông tư 06/2015/TT-NHNN nhằm nới thời hạn chuyển tiếp với trường hợp TCTD sở hữu cổ phần vượt giới hạn đến ngày 30/6/2019.

Trước đó, hồi đầu tháng 9/2018, Vietcombank cũng đã thực hiện đấu giá gần 1.5 triệu cp Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã mang về hơn 30 tỷ đồng trong phiên ngày 06/09. Thương vụ này đánh dấu Vietcombank đã thoái sạch vốn tại OCB với giá đấu thành công bình quân là 20,501 đồng/cp, cao hơn 8.6% so với mức giá khởi điểm 18,876 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB và MBB trong 12 tháng qua

Từ cuối năm 2017, Vietcombank đã đẩy mạnh hoạt động thoái vốn. Cụ thể, Vietcombank đã thu về 266 tỷ đồng khi đấu giá 13.2 triệu cổ phiếu đã nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) với giá 20,100 đồng/cổ phiếu, gấp 1.6 lần mức giá khởi điểm là 12,550 đồng/cổ phiếu và 76.2 tỷ đồng từ việc bán toàn bộ 6.6 triệu cổ phiếu tại Công ty Tài chính xi măng (CFC) với giá 11,554 đồng/cổ phiếu.

Còn nhớ thời điểm trước đây, vào tháng 9/2017, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) cũng đã ký thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV – Vietnam Partners cho công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu.

Còn hồi quý 2/2016, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) đã thoái bớt vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, SGB), từ 10.39% xuống 4.91% vốn thông qua hình thức bán đấu giá công khai.

Agribank cũng đã bán vốn tại Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam – CTCP (AJC) thông qua đấu giá hơn 12.6 triệu cổ phần AJC với giá khởi điểm 13,900 đồng/cổ phần vào cuối năm 2017. Đồng thời, Agribank cũng thoái vốn tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam và bán Công ty Cho thuê tài chính I Agribank (ALCI) do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ.

Hàn Đông

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma