Người bán hàng ở Việt Nam không thể sống thiếu Facebook

23/01/2019 20:45

Một khảo sát gần đây trên 5.000 cửa hàng (shop) cho thấy, trung bình mỗi cửa hàng đã chi 75 triệu đồng/năm cho quảng cáo Facebook.

Người bán hàng ở Việt Nam không thể sống thiếu Facebook

Một khảo sát gần đây trên 5.000 cửa hàng (shop) cho thấy, trung bình mỗi cửa hàng đã chi 75 triệu đồng/năm cho quảng cáo Facebook.

Theo kết quả khảo sát về tình hình kinh doanh năm 2018 vừa được thực hiện bởi nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo trên 5.000 cửa hàng, gần 36% cửa hàng chia sẻ kết quả kinh doanh 2018 không có sự tăng trưởng, chỉ dừng lại ở mức bằng năm ngoái và tệ hơn năm ngoái.

Đây là báo cáo thường niên được Sapo thực hiện định kỳ từ năm 2015 đến nay. Mỗi năm, có những xu hướng nổi lên, có những xu hướng đang bị lụi tàn dần. Năm 2018 nổi bật với xu hướng bán hàng đa kênh rõ nét nhất, có tới 54% shop bán hàng trên tối thiểu 5 kênh khác nhau, đặc biệt các kênh chính như Facebook, cửa hàng, website và sự tăng trưởng và khởi sắc của các shop bán trên sàn thương mại điện tử.

87% số cửa hàng sử dụng facebook để bán hàng

Theo kết quả khảo sát, các cửa hàng có tỷ lệ doanh thu trong năm 2018 khá cao. Nếu như năm ngoái doanh thu cửa hàng trung bình chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng, năm nay doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, 39% cửa hàng có doanh thu từ các kênh online chiếm nhiều hơn một nửa trong tổng doanh thu.

Xu hướng bán hàng đa kênh phát triển vài năm gần đây, đặc biệt ngày càng rõ nét hơn trong năm 2018 vừa qua. Có tới 54% cửa hàng được hỏi bán tối thiểu trên 5 kênh khác nhau.

Top 5 kênh bán hàng được sử dụng phổ biến nhất của các cửa hàng lần lượt là Facebook (87%), website (82%), cửa hàng/showroom (80%), đại lý/cộng tác viên (60%) và các sàn giao dịch thương mại điện tử (58%).

 

Hiệu quả các kênh bán hàng

Trong số những người sử dụng các kênh bán hàng tương ứng, Facebook cũng là kênh đứng đầu trong top các kênh được đánh giá mang lại hiệu quả tốt, cụ thể có tới 97% cửa hàng có sử dụng đánh giá mang lại hiệu quả tốt, tỷ lệ này ở kênh bán tại cửa hàng là 86%, đại lý/cộng tác viên là 85%, website là 83%.

Đặc biệt, tỷ lệ các shop đánh giá sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2018 là 73%, tăng cao gấp 2,5 lần so với tỷ lệ các shop đánh giá kênh này hiệu quả trong năm 2015 (chỉ có 27% đánh giá có hiệu quả).

Cũng theo khảo sát, trong năm 2018, trung bình mỗi cửa hàng chi khoảng 10,4 triệu đồng/tháng để tiếp thị, quảng cáo. Ngân sách trung bình tiếp thị tại cửa hàng là cao nhất - 88 triệu đồng/năm/shop, sau đó lần lượt là website - 79,2 triệu đồng/năm/shop, quảng cáo Facebook - 75,2 triệu đồng/năm/shop và sàn thương mại điện tử - 58,5 triệu đồng/năm/shop.

Năm vừa qua, Zalo trở thành một kênh để chat, tư vấn trực tiếp cho khách hàng được khá nhiều shop sử dụng. Xét về các kênh tiếp thị được những cửa hàng có sử dụng đánh giá hiệu quả tốt đứng đầu là tiếp thị quảng cáo trên Zalo với 55,1% cửa hàng có sử dụng đánh giá mang lại hiệu quả tốt, sau đó là đăng bài trên các diễn đàn rao vặt (53,9%) và phát tờ rơi/poster (51,5%).

Tăng trưởng hay không: Bí kíp nằm ở đâu?

Mặc dù doanh thu của các cửa hàng mới kinh doanh dưới 3 năm thấp hơn nhiều so với các cửa hàng kinh doanh trên 3 năm (1,2 tỷ đồng so với 1,9 tỷ đồng) và ngân sách tiếp thị trung bình cũng ít hơn (8,5 triệu đồng/tháng so với 13 triệu đồng/tháng), nhưng theo khảo sát, tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng dưới 3 năm lại có vẻ khởi sắc hơn.

Có tới 44% các cửa hàng trên 3 năm cho rằng năm 2018 không tăng trưởng hoặc tệ hơn năm ngoái. Trong khi tỷ lệ này ở các cửa hàng dưới 3 năm chỉ chiếm 30%.

Điều này cho thấy rằng các cửa hàng thường có tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất vào những năm đầu tiên, đặc biệt trong vòng 1-2 năm khởi đầu. Sau đó, rất dễ đi vào thời kỳ bão hòa, tăng trưởng chậm dần hoặc không tăng trưởng, thậm chí đi lùi.

Bên cạnh đó, bán hàng online được nhận định đang là xu hướng của bán lẻ, việc không xuất hiện trên các kênh online là một thiếu sót rất lớn. Theo khảo sát, các cửa hàng không tăng trưởng có tỷ lệ không bán hàng online gấp đôi các cửa hàng có tăng trưởng.

Khảo sát cũng cho thấy rằng các cửa hàng có tăng trưởng đầu tư ngân sách quảng cáo nhiều hơn so với các cửa hàng không tăng trưởng đặc biệt trong 2 kênh sàn thương mại điện tử và Facebook. Cụ thể, ở các cửa hàng có tăng trưởng, trung bình ngân sách tiếp thị trong năm 2018 chi cho các kênh sàn thương mại điện tử là gần 23 triệu đồng/năm, kênh Facebook là hơn 65 triệu đồng/năm. Trong khi đó, các cửa hàng không tăng trưởng chi ngân sách cho kênh này lần lượt ở mức gần 17 triệu đồng và 52 triệu đồng.

Tận dụng lợi thế của các kênh bán hàng, đặc biệt là các kênh bán hàng online là điều rất quan trọng đảm bảo sự tăng trưởng. Bên cạnh những bí kíp như tập trung vào sản phẩm, tối ưu chính sách giá và dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng,...hầu hết các cửa hàng có tăng trưởng trong năm 2018 so với năm 2017 chia sẻ khi được hỏi điều gì góp phần lớn nhất cho sự tăng trưởng này đó là mở rộng thêm các kênh bán hàng hiện đại, tham gia các sàn thương mại điện tử và tăng cường ngân sách quảng cáo trên các kênh online như Facebook, website.

Năm 2018 là năm nổi bật của các sàn thương mại điện tử khi “cuộc chiến” giữa các sàn ngày càng trở nên gay cấn hơn. Đây cũng là một trong bí kíp để các cửa hàng tăng trưởng nhưng cũng là “rào cản”của nhiều cửa hàng khác chưa biết tận dụng lợi thế của kênh này khi cho rằng chính sự cạnh tranh về giá, vận chuyển của các sàn lại là nguyên nhân khiến họ khó khăn hơn để bán được hàng trong năm vừa qua.

Việt Hưng

Nhà quản trị

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma