Nhiều tập đoàn, tổng công ty kêu khó vì quy định trần chi phí lãi vay

06/11/2018 10:31

Một số tập đoàn, tổng công ty cho rằng, thực hiện quy định trần chi phí lãi vay có thể khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng thuế. 

Nhiều tập đoàn, tổng công ty kêu khó vì quy định trần chi phí lãi vay

Một số tập đoàn, tổng công ty cho rằng, thực hiện quy định trần chi phí lãi vay có thể khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng thuế. 

Trong dự thảo báo cáo về việc thực hiện Nghị định 20/2017 gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính báo cáo, nhiều doanh nghiệp cho rằng có một số quy định chưa phù hợp, đặc biệt là việc áp trần chi phí lãi vay.

Nghị định trên được xây dựng nhằm chống chuyển giá, chống các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) lợi dụng chi phí lãi vay để chuyển lợi nhuận từ Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, với các Tập đoàn, Tổng công ty và các công ty thành viên lại gặp nhiều vướng mắc nhất dù đây là những đơn vị không có hoặc rất ít động cơ chuyển giá thông qua việc sắp xếp các giao dịch vay. 

Hoạt động giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: A.Q

Theo quy định, chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần. Phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng công ty lắp máy Việt Nam... đều cho biết đang lúng túng khi thực hiện vì quy định này có thể khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Trên thực tế, các chi phí lãi vay phát sinh có mục đích sử dụng theo chính sách phát triển của tập đoàn hoặc thậm chí theo các chương trình kế hoạch của Chính phủ giao. Việc áp dụng quy định này dẫn đến tác động tài chính lớn với họ trong quá trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh do giảm nguồn lợi nhuận còn lại để đầu tư, giảm lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp là các công ty con của các tập đoàn, công ty đa quốc gia được lập tại Việt Nam”, Bộ Tài chính nhận định.

Trong dự thảo báo cáo, cơ quan này cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 20, trong đó có quy định về khống chế trần lãi vay. Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo.

Dưới góc độ chuyên gia, bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, quy định khống chế chi phí lãi vay này được Việt Nam tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) và Diễn đàn hợp tác triển khai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Do đó, theo bà điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, bà Hương Vũ cũng nhấn mạnh rằng các quy định trong OECD chỉ cung cấp các hướng dẫn chung để các quốc gia có thể áp dụng tùy theo điều kiện và bối cảnh riêng.

Theo bà, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con thường phát sinh các giao dịch cho vay theo mô hình công ty mẹ đi vay và cho công ty con vay lại. Do đó, các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng lớn từ quy định khống chế này của Nghị định 20.

Bà Hương Vũ khuyến nghị điều chỉnh mềm mỏng hơn để phù hợp cho nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ, có thể cho phép doanh nghiệp chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau khi chi phí lãi vay vượt mức khống chế. Riêng đối với Tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, theo bà có thể áp dụng tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba hoặc thu nhập trước thuế (EBITDA) trên báo cáo tài chính hợp nhất, đồng thời áp dụng tỷ lệ cho từng công ty trong tập đoàn. Với các công ty mới đi vào hoạt động hoặc mới có doanh thu thì theo bà có thể áp dụng những phương pháp đặc biệt. 

Nguyễn Hà

VNEXPRESS

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma