Nhịp đập Thị trường 18/07: Chỉ số đâu lại về đó

18/07/2019 15:45

Thông tin mới nhất về cựu chủ tịch ngân hàng BIDV (BID) không ảnh hưởng mấy đến thị trường. VN-Index có màn hồi phục nhẹ trong nửa cuối phiên chiều, nhưng đến ATC lại đâu về đó. Nhiều mã trong nhóm VN30 có màn tăng giá như thường lệ, nhưng lại bị đạp về cuối phiên như MSN, ảnh hưởng lên chỉ số chính. Dù vậy, vẫn có thể nhìn nhận diễn biến như vậy ở góc độ lạc quan cho ngày mai.

Nhịp đập Thị trường 18/07: Chỉ số đâu lại về đó

Thông tin mới nhất về cựu chủ tịch ngân hàng BIDV (BID) không ảnh hưởng mấy đến thị trường. VN-Index có màn hồi phục nhẹ trong nửa cuối phiên chiều, nhưng đến ATC lại đâu về đó. Nhiều mã trong nhóm VN30 có màn tăng giá như thường lệ, nhưng lại bị đạp về cuối phiên như MSN, ảnh hưởng lên chỉ số chính. Dù vậy, vẫn có thể nhìn nhận diễn biến như vậy ở góc độ lạc quan cho ngày mai.

Chỉ số chính không có nhiều thay đổi về mức giảm, nhưng lại có khá nhiều cổ phiếu HOSE có diễn biến tốt trong phiên chiều (so với phiên sáng). Số lượng mã tăng giá sàn này tại ATC tăng lên 116, sự thay đổi chủ yếu từ nhóm đứng giá cuối phiên sáng. Mid Cap và Small Cap vẫn chạy nhanh hơn Large Cap. Nếu nhìn ở góc độ ngành, 1 số nhóm có thay đổi tích cực có thể kể đến như cao su, than, sắt thép, xây dựng…

Chỉ số HNX-Index cũng được kéo trong nửa cuối phiên chiều, và không như VN-Index, chỉ số này chạy một mạch lên trên tham chiếu cho đến phút cuối. Tương tự là UPCoM-Index.

Số mã tăng giá trong nhóm VN30 lên được con số 4, cộng thêm 2 mã đứng giá, còn lại 24 mã giảm giá, đó là trạng thái của nhóm VN30 cuối phiên chiều. EIB là cổ phiếu gây bất ngờ nhất khi bỗng dưng rớt về 17,300 đ/cp (-5.5%) vào phút cuối. Tuy nhiên, MSN mới xứng đáng là cổ phiếu gây sốt nhất trong nhóm này, với mức giảm giá hơn 5%. CTD vốn giảm rất mạnh trong phiên sáng, đến cuối phiên chiều chỉ còn giảm hơn 1% với thanh khoản tăng mạnh so với những phiên trước đó. ROS cũng có màn kéo giá, nhưng không có gì bất ngờ. Ở chiều tăng, MWG đứng đầu với mức tăng 2.3%.

MSN có màn bắt đáy 75,000 đ/cp ngay từ 13h và kéo giá lên 76,500 đ/cp. Tuy nhiên cổ phiếu này lại rơi thẳng về 75,800 đ/cp vào ATC, khiến biểu đồ MSN có cây nến đỏ dài nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Khối ngoại được coi là “kẻ” đạp giá chính cổ phiếu này với gần 1.1 triệu cổ phiếu bán ròng.

Nhóm ngân hàng không có thay đổi nhiều trong phiên chiều, ngoại trừ EIB và STB. EIB bỗng dưng rớt tới 5.5% vào ATC, trong khi trước đó vẫn loanh quanh gần tham chiếu. STB thì được khối ngoại mua ròng rất mạnh (1.5 triệu cp) có lẽ liên quan đến kết quả kinh doanh bán niên. BID vốn là cổ phiếu được chú ý nhiều nhất ngay từ đầu phiên, do có liên quan đến thông tin về cựu chủ tịch ngân hàng, tuy nhiên cổ phiếu này chỉ giảm giá chút ít, sau đó lại hồi nhờ lực cầu từ khối ngoại, lẫn khối nội. Nhìn chung BID vẫn đang có chuỗi tăng giá trong tuần này.

Sau 3 phiên tăng trần, cổ phiếu mới lên HOSE là GAB lại có tiếp 3 phiên sàn, riêng phiên hôm nay còn có thể nói là mất thanh khoản. Giá GAB hiện còn thấp hơn giá tham chiếu chào sàn.

DRC vừa có nghị quyết HĐQT về kết quả SXKD 6 tháng đầu năm, nhìn chung là tích cực. Tuy vậy lực bán lại gia tăng ở cổ phiếu này trong phiên chiều, khiến giá DRC đang tăng đành quay lại tham chiếu.

Phiên sáng: Có tín hiệu hồi cuối phiên

VN-Index hồi nhẹ sau 10h30 và đi ngang cho đến cuối phiên sáng, dừng ở 978.3 điểm, giảm chừng 0.4%. Mức giảm này không thực sự lớn, dù về tổng thể, số lượng cổ phiếu giảm giá (182) gấp đôi số tăng giá (94) trên sàn HOSE. Có thể tạm coi sáng nay thị trường điều chỉnh nhẹ dưới áp lực tâm lý từ thị trường Mỹ đêm qua cũng như các sàn châu Á sáng nay. Dấu hiệu hồi đang le lói vào cuối phiên sáng, và nên chờ thêm qua phiên chiều.

Trong nhóm VN30, số mã tăng giá vẫn là 3, với MWG tăng 2% chưa rõ lý do. 2 mã tăng giá theo sau đều đến từ nhóm ngân hàng, VCBMBB, với VCB được khối ngoại mua ròng mạnh. CTD vẫn là cổ phiếu giảm mạnh nhất, -5.1%, theo sau là MSN với mức giảm đã tăng lên -3.1%. Khối ngoại đang bán ròng tới gần 300,000 cp MSN.

MWG có lẽ là cổ phiếu tốt nhất nhóm VN30, hay thậm chí largecap sàn HOSE khi chạy 1 mạch liền 2 tháng từ khoảng 85,000 đ/cp lên 103,600 đ/cp. Không rõ có liên hệ gì giữa MWG với chứng quyền hay không. Hiện có 3 chứng quyền lấy MWG làm tài sản cơ sở.

Một số nhóm ngành đang có tín hiệu hồi khá rõ như ngân hàng, sắt thép, cao su, điện…

Diễn biến HNX khá đồng dạng với HOSE nhất là về cuối phiên. Nhóm Large Cap vẫn nặng nhất, so với Mid Cap và Small Cap. NTP có lẽ là Large Cap hàng hiếm tăng giá 2.2% ở sàn này. Lưu ý rằng NTP cũng tăng giá phiên thứ 3 liên tiếp.

UPCoM-Index xanh nhờ Mid Cap. Trong số Large Cap sàn này, có BSRLTG từ đỏ chuyển sang xanh, còn lại nhiều mã vẫn giảm như ACV, FOX, MSR, QNS, SDI

10h30: Giảm như vậy đủ chưa?

VN-Index đến lúc này giảm thêm một chút so với đầu phiên sáng, tuy nhiên có vẻ như khó giảm sâu thêm. Thậm chí nếu so với các phiên trước đây thì mức giảm 0.4% không phải là “nghiêm trọng”. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, dường như cứ sau 2 phiên tăng sẽ có 1-2 phiên giảm, tuy nhiên mức giảm sáng nay nhẹ hơn nhiều so với các phiên giảm trước đó.

Trên sàn HOSE tuy số mã giảm giá vẫn chiếm áp đảo, nhưng số mã tăng giá đang nhiều hơn. Nhóm Mid Cap có vẻ đang hồi tích cực nhất, với HBC, PHR, CMG, BWE

Diễn biến HNX có thời điểm hồi phục sớm, chỉ số chính sàn này còn lên trên tham chiếu, tuy nhiên sau đó lại giảm điểm và hiện ở mức 105.8 điểm. Điều giống HOSE là các mã Mid Cap và cả Small Cap đều có xu hướng chạy tốt hơn Large Cap, trong đó không ít mã thậm chí còn tăng trần 7% như ACM, DPS, BII

Chỉ số UPCoM-Index tiếp tục giữ đà tăng, nhờ sự hỗ trợ từ các cổ phiếu Mid Cap Cap sàn này như NHH, SSN, HTM… Tuy nhiên lưu ý rằng không ít Large Cap sàn này đang giảm giá như ACV, FOX, MSR, QNS, SDI…

Trong nhóm VN30, đã có 3 mã tăng giá là VCB, MWG và STB. VCB và STB hiện đang được khối ngoại mua ròng khá mạnh, có lẽ chính họ đang đỡ giá những cổ phiếu này. Ở chiều ngược lại, CTD giảm hơn 5%, hồi một chút so với đầu phiên. Ngạc nhiên nhất là MSN khi giảm 2.5% có lẽ do khối ngoại bán ròng rất mạnh. MSN đang hình thành một đợt giảm giá trong tuần nay.

Nhóm sản xuất điện đang dần khởi sắc. HJS tăng 9.7% là của hiếm, nhưng một số mã khác bắt đầu tăng nhẹ như BTP, PPC, SBA.

PVB báo lỗ cách đây 2 hôm, nhưng cổ phiếu không có dấu hiệu rớt nặng, thậm chí sáng nay còn tăng lẻ loi hơn 4% (trong khi công ty mẹ GAS và đa số cổ phiếu dầu khí khác giảm giá). Lượng giao dịch PVB sáng nay cũng khá lớn, gần bằng hôm kia và lớn gần gấp đôi so với bình quân 1 tháng gần đây.

Mở cửa: Giảm điểm nhẹ theo thế giới

Index mở cửa trong sắc đỏ, cũng không hẳn bất ngờ, bởi từ đêm qua đến sáng sớm nay chứng khoán thế giới cũng đồng loạt đỏ. Vấn đề hiện nay là mức độ giảm điểm của index ở mức nào, từ đó dự báo sẽ là phiên điều chỉnh hay xấu hơn. Lưu ý rằng VN-Index đang nằm trong chuỗi phiên tăng giá suốt từ đầu tháng 7 đến nay.

UPCoM-Index mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau đó lại đi ngược 2 sàn niêm yết, hồi phục lên trên tham chiếu với mức tăng nhẹ chừng 0.1%. Điều thú vị của sàn này là có không ít mã tăng giá hơn 10%, thậm chí tăng trần 15-17%. Chưa nói đến nữa là sàn này tuy “hàng” nhiều, nhưng đa số mất thanh khoản, nên chỉ số phụ thuộc vào chừng vài chục mã thực sự có giao dịch.

Nhóm VN30 mở cửa chỉ có 2 mã tăng giá là VJC và STB. 28 mã giảm giá, điều này cho thấy nhóm vốn hóa lớn sàn HOSE vẫn là nhóm… kém hấp dẫn so với Mid Cap và Small Cap.

CTD rớt sàn 7% với thông tin sụt giảm trong kết quả SXKD quý 2. Khối ngoại đang bán ròng nhẹ ở mã này. Thực tế từ khi nhà đầu tư cảm thấy rằng dường như đang có sự san sẻ lợi ích giữa CTD với các công ty con như Ricons hay Unicons, kết quả kinh doanh của CTD cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Một cổ phiếu cũng từng rớt sàn 2 hôm trước với sự sụt giảm kết quả kinh doanh là PPC, sáng nay giảm nhẹ 1%. Tuy nhiên thật khó nói sớm sự giảm giá cổ phiếu này đã dừng lại hay chưa.

Hầu như không có nhóm ngành nào có diễn biến tích cực sau ATO, đa số nhóm ngành đều tràn ngập sắc đỏ, kể cả ngân hàng. Một số nhóm ngành đỡ hơn là có nhiều mã đứng yên do… không có giao dịch, kiểu như xi măng hay khoáng sản.

Việt Nam sắp thiếu điện. Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, dự kiến sản lượng thiếu hụt vào năm 2021 lên đến 6.6 tỷ kWh, đến 2022 là 11.8 tỷ kWh và năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh. Thực tế Việt Nam trước giờ luôn được dự báo thiếu điện, do đầu tư ít hơn so với quy mô tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như phục vụ cho làn sóng dịch chuyển nhà máy từ nước ngoài. Sáng nay, cổ phiếu thủy điện lẫn nhiệt điện đa số đứng yên, có lẽ do yếu tố thị trường chứ chưa phản ánh thông tin này. Dù gì đi nữa, đây cũng là thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu trong dài hạn.

Hoàng Nam

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma