Những người chịu tổn thương nhất trong mùa dịch

01/05/2020 10:30

Khi dịch bệnh xảy ra cùng với lệnh giãn cách xã hội, chúng ta có thể yên tâm được chọn ở trong nhà để phòng tránh nhiễm bệnh, nhưng có một bộ phận không có quyền lựa chọn, ở nhà sẽ kèm theo câu hỏi “Sẽ sống như thế nào đây?” hay “Nhà ở đâu mà về?”.

Những người chịu tổn thương nhất trong mùa dịch

Khi dịch bệnh xảy ra cùng với lệnh giãn cách xã hội, chúng ta có thể yên tâm được chọn ở trong nhà để phòng tránh nhiễm bệnh, nhưng có một bộ phận không có quyền lựa chọn, ở nhà sẽ kèm theo câu hỏi “Sẽ sống như thế nào đây?” hay “Nhà ở đâu mà về?”.

Dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc và bùng phát lây lan dữ dội, đã giáng đòn nặng nề vào kinh tế xã hội của các nước trên thế giới. Ảnh hưởng tiêu cực và mang tính dây chuyền mà dịch bệnh đem lại đã được minh chứng qua các số liệu từ thực tế. Tính đến sáng 29/04/2020, toàn thế giới ghi nhận hơn 3.1 triệu ca nhiễm và 217,983 ca tử vong và con số tăng lên từng ngày chưa có dấu hiệu suy giảm. Giao thương giữa các nước đình trệ, nhiều nước ban hành lệnh đóng cửa toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh.

Việc gián đoạn trong quá trình sản xuất, kinh doanh dẫn đến số người bị thất nghiệp bắt buộc tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong tháng 2, có 47,164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 59.2% so với tháng 1/2020 (29,839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ - quốc gia đang đứng đầu số ca nhiễm bệnh - ghi nhận 3.28 triệu đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong một tuần, đây cũng là con số cao nhất trong lịch sử kể từ khi Bộ Lao đông Mỹ theo dõi từ năm 1967.

Có nhiều thông tin cập nhật về tình hình doanh nghiệp phá sản, công ty đóng cửa, người lao động bị buộc thôi việc. Tuy nhiên, đó là bộ phận những người nhận lương cố định hàng tháng, hoặc họ đang chờ để được nhận trợ cấp thất nghiệp khi mất việc làm không mong muốn. Vậy còn những người không nhận lương công ty, lao động tay chân với thu nhập không cố định, bấp bênh theo ngày, họ sẽ trông đợi vào gì đây?

Đó có thể là cô bán hàng nước ngay trước cổng bệnh viện, chú bảo vệ giữ xe trước cửa hàng quần áo, bác bán vé số dọc các quán cà phê vỉa hè, hay em bé nhặt ve chai khắp con phố… Họ tất bật chỉ để chạy ăn từng bữa, ăn bữa nay lo bữa mai.

Chúng ta phải nhận thấy rằng mình may mắn khi vẫn được nhận một phần lương, hoặc sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp khi chẳng may bị buộc thôi việc khi công ty không thể hoạt động trong mùa dịch, trong khi ngoài kia vẫn còn nhiều người không làm việc trong vài ngày là không có ăn.

Chính phủ và Nhà nước đã thông qua gói an sinh xã hội 62,000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động mất việc và những hộ nghèo, cận nghèo. Chính phủ dự kiến hỗ trợ 500,000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (từ tháng 4-6/2020) cho các đối tượng là người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng (từ tháng 4–6/2020) cho các đối tượng là hộ nghèo (984,000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019. Chính phủ cũng tính toán chi 1.8 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng (từ tháng 4–6/2020) cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Về cơ bản, chính sách trên sẽ được triển khai trong tháng 4, nhất là gói hỗ trợ thực hiện 1 lần và chi trọn gói. Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của hệ thống chính quyền địa phương. Thời điểm có hồ sơ, sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết".

Vấn đề còn lại là làm sao gói hỗ trợ trên được triển khai nhanh chóng, minh bạch và tránh trục lợi, lạm dụng chính sách.

Còn đối với những người vô gia cư, những người lấy mái hiên cửa hàng làm chỗ ngủ, không có giấy tờ chứng minh nhân thân, họ làm thế nào để nhận trợ cấp?

Với những đối tượng này, chính quyền địa phương từng tỉnh đã có những chương trình hỗ trợ riêng biệt như: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Dương hỗ trợ người bán lẻ vé số trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với mức 60,000 đồng/người/ngày trong thời gian 15 ngày. Trong khi đó, UBND tỉnh Tiền Giang và Bến Tre hỗ trợ 70,000 đồng/người/ngày cho người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh trong 15 ngày. Còn tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận đề xuất của Sở LĐ-TB&XHvề việc hỗ trợ người bán vé số lưu động sống tại TP mức 750,000 đồng/người…

Bên cạnh đó, nhiều mạnh thường quân đã quyên góp, hỗ trợ các suất cơm hay gạo, thực phẩm tại một số điểm phát cố định cho những hoàn cảnh khó khăn đến hết ngày cách ly. Hay như trên địa bàn quận Tân Phú, TPHCM, đã có máy ATM gạo hỗ trợ miễn phí cho những người có nhu cầu. Nơi đây cũng đã nhận được rất nhiều gạo từ các mạnh thường quân và nhà hảo tâm.

Những người thu nhập rất thấp hay vô gia cư hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh không chỉ ở Việt Nam, mà các nước trên thế giới, bộ phận này cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ và đang phải trải qua những ngày dịch bệnh tồi tệ.

Tại Ấn Độ, hơn 90% của 500 triệu lao động phi nông nghiệp làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo… Khi cả nước bị phong tỏa, các ngành công nghiệp đóng cửa, khoảng 120 triệu lao động nhập cư tại các thành phố, cái ăn và chỗ ở là vấn đề đáng sợ hơn cả virus.

Người vô gia cư ở khắp châu Âu cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Giờ đây, họ không chỉ phải lo kiếm cái ăn, chỗ ngủ mà còn đối diện với nguy cơ bệnh tật. Người vô gia cư tại Ý thậm chí phải nhận giấy phạt hành chính. “Họ không thể ở yên trong nhà vì họ không có nhà”.

Đánh giá về nhóm người yếu thế trong tình cảnh đại dịch, Ủy viên Châu Âu về việc làm và quyền xã hội Nicolas Schmit nói: “Sống trên đường phố dẫn đến tác động lớn về tâm lý lẫn sức khỏe. Người vô gia cư rõ ràng chịu nhiều rủi ro. Họ thường mắc bệnh từ trước, vì vậy cần được xem là nhóm có nguy cơ cao. Virus Corona còn có thể lây sang đối tượng tiếp xúc với người vô gia cư”.

Hiện tại, các quốc gia đã có những hành động thiết thực hỗ trợ người vô gia cư. Tại Mỹ, nhiều trại cứu tế thông báo sẽ mở cửa 24/24, thay vì 12 giờ/ngày như thường lệ. Các biện pháp khẩn cấp cũng cho phép những gia đình không nhà ở được tạm trú trong cơ sở cứu tế tối đa 60 ngày kể từ khi đăng ký. Tuy nhiên, những cơ sở này từ lâu thiếu sự đầu tư, điều kiện vệ sinh được quản lý lỏng lẻo. Nhiều chuyên gia lo ngại trại cứu tế gần như không thể tránh khỏi nguy cơ thành ổ dịch.

Cát Lam

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma