Nợ công năm 2019 khoảng 3,48 triệu tỷ đồng

21/10/2019 17:07

Bộ trưởng Tài chính cho biết thu ngân sách tăng cao, trong khi bội chi ở mức hợp lý nên quy mô nợ công năm nay tương ứng 3,48 triệu tỷ đồng.

Nợ công năm 2019 khoảng 3,48 triệu tỷ đồng

Bộ trưởng Tài chính cho biết thu ngân sách tăng cao, trong khi bội chi ở mức hợp lý nên quy mô nợ công năm nay tương ứng 3,48 triệu tỷ đồng.

Chiều 21/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách năm 2019, dự toán và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Theo ông Dũng, thu ngân sách 9 tháng đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. "Ước thực hiện thu cả năm 2019 vượt 3,3%, khoảng 46.000 tỷ đồng so với dự toán. Thu ngân sách trung ương là năm thứ 2 liên tiếp vượt dự toán", ông Dũng nêu. 

Trong khi đó, chi ngân sách hết tháng 9 đạt 63,1% dự toán. Ước cả năm, chi thường xuyên, chi trả nợ cơ bản đạt dự toán. 

Về cân đối ngân sách, theo Bộ trưởng Tài chính, bội chi ngân sách 2019 khoảng 3,4% GDP. Nợ công là 56,1% GDP, nợ Chính phủ 49,2% GDP và nợ nước ngoài quốc gia 48,5%. Như vậy, với quy mô GDP 2019 khoảng 6,2 triệu tỷ đồng (266,5 tỷ USD) thì quy mô nợ công tương ứng 3,48 triệu tỷ đồng. 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, thu ngân sách 2019 vượt dự toán nhưng "chưa chắc chắn". Phân tích thêm, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho hay, năm 2019 thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán, số thu ngân sách thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng thấp. Chưa kể, nhiều địa phương thu không đạt dự toán Chính phủ, Hội đồng nhân dân giao. Hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội, TP HCM có tiến độ thu ngân sách chậm. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách chỉ đạt 20,2% GDP chưa đạt yêu cầu Quốc hội đề ra là 21%.

"Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chống lãng phí... nhưng những tồn tại trong chi thường xuyên vẫn chưa được khắc phục triệt để", Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận xét.

Theo ông Hải, vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu ngân sách khó khăn, nguồn thu thấp nhưng chi thường xuyên vẫn rất cao. "Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm", cơ quan thẩm tra đánh giá và yêu cầu Chính phủ có giải pháp sát sườn hơn để khắc phục tồn tại này.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, bội chi năm 2020 dự kiến là 234.800 tỷ đồng, khoảng 3,44% GDP. Xét về tỷ lệ bội chi ngân sách 2020 ngang bằng năm 2019, nhưng về số tuyệt đối lại tăng khoảng 12.800 tỷ.

Nhất trí với đề nghị của Chính phủ giữ mức thâm hụt ngân sách ở mức 3,44% GDP, song Uỷ ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc dự toán bội chi ngân sách địa phương ở mức 0,24% GDP sau khi đã tính đến yêu cầu của các địa phương, để dành dư địa cho ngân sách trung ương.

Uỷ ban Tài chính cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này tất cả các khoản nợ của ngân sách, gồm nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách... Cơ quan lưu ý Chính phủ về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ... để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Anh Minh

Vnexpress

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma