Nữ CEO vực đại gia chip khỏi bờ vực phá sản như thế nào?

01/04/2020 14:12

Mặc dù nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices (AMD) đang bị ngập trong nợ nần và có nguy cơ phá sản, nhưng trở thành CEO của công ty này là công việc “trong mơ” đối với Lisa Su.

Nữ CEO vực đại gia chip khỏi bờ vực phá sản như thế nào?

Mặc dù nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices (AMD) đang bị ngập trong nợ nần và có nguy cơ phá sản, nhưng trở thành CEO của công ty này là công việc “trong mơ” đối với Lisa Su.

Bà Lisa Su

Khi Su lên nắm quyền điều hành AMD vào năm 2014, cổ phiếu của nó đang hướng tới mức thấp nhất mọi thời đại.

Nhưng giờ đây, bà là một trong những phụ nữ quyền lực nhất trong ngành công nghệ.

Là người từng lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ về kỹ thuật điện của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nên bà quyết định công ty bà sẽ đầu tư lớn vào việc xây dựng công nghệ cho các ứng dụng điện toán hiệu năng cao, đưa AMD thành “sức mạnh” cho những lĩnh vực quan trọng như điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và giải trí.

Những công nghệ này chiếm ưu thế vào năm 2020, nhưng Su đã bắt đầu đặt nền móng cho chúng từ năm 2014.

Ngành kinh doanh rủi ro

Ngành công nghiệp bán dẫn vốn đã rủi ro. Mỗi chu kỳ phát triển sản phẩm mới mất khoảng 3-5 năm, do đó, các công ty phải dựa trên thực tế rằng các công nghệ mà họ tạo ra ngày nay sẽ là thứ khách hàng sẽ tìm kiếm trong vài năm tới và họ phải đánh bại những sản phẩm từ các đối thủ mới mong tồn tại được.

Chưa hết, muốn có được khách hàng “xịn”, cần tạo ra được một lộ trình công nghệ để thuyết phục họ rằng công ty mình có thể liên tục đưa ra các bản cập nhật hiệu suất cao và những sản phẩm mới.

"Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi năm 2014 là trước hết cần chọn đúng thị trường tốt cho công nghệ. Đó không phải là những gì bạn làm hôm nay mà thực sự là những gì bạn làm năm này qua năm khác", Su nói.

Các vụ đặt cược đó đã thành công. Những ngày này, giá cổ phiếu AMD đang tăng vọt. Kể từ khi Su trở thành CEO vào tháng 10/2014, giá cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 1,300%, dù thực tế là AMD, giống như nhiều công ty công nghệ khác, đã bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và gần đây hơn là virus corona.

Tháng trước, cổ phiếu của AMD đạt mức cao kỷ lục, khoảng 59 USD/cổ phiếu, tốt nhất trong nhóm S&P 500 trong năm 2019, khi tăng gần 150%.

Khám phá những gì AMD thực sự giỏi

Vài năm trước khi Su trở thành CEO, AMD đã thực hiện nhiều biện pháp để cắt giảm chi phí bằng cách thoát khỏi một số lĩnh vực kinh doanh nhất định, và lập ra một nhà máy sản xuất chất bán dẫn.

Khi Su tiếp quản, một số quyết định lớn nhất của bà là về những việc không nên làm. Điều đó cũng có nghĩa là AMD sẽ suy nghĩ nghiêm túc về lĩnh vực nào mà họ ít có khả năng thống trị. Công ty quyết định không theo đuổi việc xây dựng công nghệ cho điện thoại di động hoặc cảm biến cho các máy móc dùng trong internet vạn vật (IoT) - những lĩnh vực phát triển đầy hứa hẹn nhưng lại nằm ngoài khả năng cốt lõi của AMD.

Thay vào đó, công ty quyết định đặt cược lớn vào kiến ​​trúc điện toán hiệu năng cao, bao gồm các bộ xử lý máy tính và chip đồ họa mạnh mẽ để chơi game, trí tuệ nhân tạo, siêu điện toán và các công nghệ "vượt trội" khác. AMD đã xây dựng những con chip nhanh và mạnh, và thường vượt qua các đối thủ cạnh tranh về giá.

Chiến lược này đặc biệt quan trọng đối với một công ty đang ở thời điểm phải “vật lộn” để tạo ra phân khúc riêng trong ngành công nghiệp bị thống trị bởi một vài tên tuổi lớn.

Các sản phẩm của AMD thuyết phục đến nỗi Bộ Năng lượng Mỹ đã chọn chip của AMD để cung cấp năng lượng cho dự án siêu máy tính tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở Tennessee. Công nghệ của AMD cũng sẽ giúp cung cấp năng lượng cho siêu máy tính lớp exascale sắp tới tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, loại máy tính hiệu năng cao rất quan trọng cho lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Qua mặt Intel

Trong khi Su giúp AMD lột xác thì đối thủ lớn của họ là Intel lại gặp khó khăn.

Intel vất vả để chuyển từ chip 14 nanomet (nm) sang chip 10 nm nhỏ hơn, mạnh hơn. Trong quá trình chuyển đổi khó khăn đó, việc cung cấp chip 14 nm của Intel sử dụng trong máy tính cá nhân đã không đáp ứng được nhu cầu vào năm ngoái - một vấn đề buộc hãng phải đưa ra lời xin lỗi công khai bất thường vào tháng 11.

Trong khi đó, AMD cho ra mắt bộ vi xử lý có sức mạnh tương đương chip 10 nm trước Intel và phát triển được kiến ​​trúc sản phẩm cho phép họ giữ chi phí ở mức thấp.

Những thách thức mà Intel đang đối mặt đã tạo điều kiện cho AMD giành lấy thị phần lớn hơn trong các lĩnh vực quan trọng.

"Sự thiếu thực thi của Intel và việc thực thi hoàn hảo của AMD vẫn chưa được thể hiện về mặt thị phần mà AMD sẽ đạt được trong những năm tới. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu AMD chiếm được một nửa thị trường trung tâm dữ liệu", Hans Mosesmann, giám đốc điều hành tại Rosenblatt Securities, nói.

Thị trường trung tâm dữ liệu đã trở thành ưu tiên của AMD, khi ngày càng nhiều công ty tìm cách chuyển hoạt động sang đám mây và các công nghệ thế hệ tiếp theo chuyên sâu về dữ liệu như 5G bắt đầu xuất hiện.

Đó là ngành công nghiệp có thể mang lại cơ hội từ 20-30 tỷ USD cho các công ty bán dẫn trong vài năm tới, theo Mosesmann.

Thử thách tiếp theo: Virus corona

Thiệt hại mà virus corona gây ra cho các nền kinh tế là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, Kevin Krewell, chuyên gia phân tích tại Tirias Research, cho rằng những công ty bán dẫn có thể được hưởng lợi vì các quy trình sản xuất của họ chủ yếu là tự động.

Trong ngắn hạn, virus corona thậm chí có thể là điều có ích cho AMD khi nhiều người cần đến máy tính xách tay và hệ thống chơi game mạnh để làm việc và giải trí tại nhà, Krewell nói.

AMD vẫn có thể có “đường băng” đáng kể để tăng trưởng trong những năm tới.

"Đó là một tình huống ‘rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng cao’ và mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục đặt cược đúng năm này qua năm khác", Su nói.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma