Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á

06/12/2018 17:06

Chứng khoán châu Á rực lửa trong phiên ngày thứ Năm (06/12), sau khi vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, Meng Wanzhou, ở Canada làm lay chuyển tâm lý vốn đã rất mong manh trên thị trường châu Á.

Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á

Chứng khoán châu Á rực lửa trong phiên ngày thứ Năm (06/12), sau khi vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, Meng Wanzhou, ở Canada làm lay chuyển tâm lý vốn đã rất mong manh trên thị trường châu Á.

Làn sóng bán tháo của lĩnh vực công nghệ góp phần tạo nên đà giảm trên diện rộng ở khu vực châu Á. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc 417.71 điểm (tương ứng 1.91%) xuống 21,501.62 điểm. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 32.62 điểm (tương ứng 1.55%) còn 2,068.69 điểm.

Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 44.62 điểm (tương ứng 1.68%) xuống 2,605.18 điểm, còn Shenzhen Composite sụt 30.02 điểm (tương ứng 2.17%) xuống 1,350.75 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc giảm ngày càng mạnh sau thông tin Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, Meng Wanzhou, bị bắt ở Canada. Bà Meng có khả năng bị dẫn độ về Mỹ, Bộ Tư pháp Canada cho biết trong ngày thứ Tư (05/12). Vụ bắt giữ này có khả năng “đổ thềm dầu vào lửa” xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lao dốc 663.3 điểm (tương ứng 2.47%) xuống 26,156.38 điểm sau khi có lúc lao dốc gần 850 điểm trong phiên, còn chỉ số Taiex của Đài Loan rớt 232.02 điểm (tương ứng 2.34%) xuống 9,684.72 điểm.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 1.86%.

Chỉ số ASX 200 giảm nhẹ 10.7 điểm (tương ứng 0.19%) xuống 5,657.7 điểm. Thị trường Australia diễn biến tiêu cực khi thặng dư thương mại của quốc gia này trong tháng 10/2018 ko đạt kỳ vọng, ở mức 2.3 tỷ AUD (tương ứng 1.67 tỷ USD) trong khi dự báo từ cuộc thăm dò của Reuters lên tới mức 3.2 tỷ AUD (tương ứng 2.32 tỷ USD).

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 06/12
Nguồn: CNBC

Trong khi đó, các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Hợp đồng tương lai ám chỉ Dow Jones có thể giảm 267 điểm vào lúc khởi đầu phiên ngày thứ Năm (06/12). Hợp đồng S&P 500 và Nasdaq tương lai cũng giảm. Thị trường chứng khoán Mỹ tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Tư (05/12) để tưởng niệm cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush.

Nhóm cổ phiếu công nghệ rơi rụng

Nhóm cổ phiếu công nghệ châu Á đều hứng chịu áp lực nặng nề, bao gồm cả những đối tác và nhà cung ứng của Huawei.

Cổ phiếu Samsung Electronics lao dốc 2.29%, Sunny Optical (nhà sản xuất mặt kính cho điện thoại Huawei) rớt 5.47% và AAC Technologies sụt 5.59%. Cổ phiếu Chinasoft International – có Huawei là cổ đông chiến lược – “bốc hơi” 11.71%.

Cổ phiếu của ông lớn SoftBank Group lao dốc 4.93%. Năm ngoái, SoftBank và Huawei cùng chung tay trình bày tiềm năng sử dụng của thế hệ Internet di động tốc độ cao kế tiếp; SoftBank dự định niêm yết đơn vị di động của mình lên sàn vào ngày 19/12.

Tâm lý tiêu cực lan rộng ra cả lĩnh vực công nghệ Nhật Bản, trong đó cổ phiếu Tokyo Electron lao dốc 4.54%, Advantest rớt 5.3% và TDK Corp sụt 6.64%.

Các cổ phiếu công nghệ lớn của Đài Loan cũng loạng choạng: Cổ phiếu Catcher Technology lao dốc 9.89%, Taiwan Semiconductor sụt 2.65%, Largan Precision mất 9.94% và nhà lắp ráp iPhone Hon Hai giảm 3.63%. Các nhà cung ứng thiết bị cho Apple ở châu Á đều nhuốm sắc đỏ trong ngày thứ Năm (06/12).

Chính sách sản lượng của OPEC

OPEC và một số nhà sản xuất khác dự kiến nhóm họp trong ngày thứ Năm (06/12) ở Vienna (Austria) để bàn luận về hàng loạt vấn đề cấp bách.

Đứng đầu trong danh sách này là cuộc bàn luận về chính sách sản lượng dầu thô.

Sự kết hợp giữa việc đánh giá thấp về lượng dầu bán ra của Iran cùng với mức sản lượng kỷ lục từ phía Mỹ đã đẩy giá dầu tụt dốc không phanh. Thật vậy, tháng 11 vừa qua được xem là tháng giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ.

Trong báo cáo buổi sáng, Ray Attrill, Trưởng Bộ phận giao dịch ngoại hối tại National Australia Bank, cho biết “tâm điểm chú ý nằm ở dầu, trong đó các cuộc họp sơ bộ trước thềm cuộc họp chính thức đều chỉ rõ sẽ có một thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhưng không đề cập rõ là cắt giảm bao nhiêu.

Trước thềm cuộc họp OPEC, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi OPEC giữ sản lượng dầu như lúc này. Chính sách cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ đã thu hút sự chú ý của ông Trump vì Tổng thống Mỹ muốn giữ giá nhiên liệu ở mức thấp. Trong suốt năm qua, ông Trump liên tục công khai chỉ trích OPEC vì đà tăng của giá dầu, đồng thời kêu gọi nhóm này thực hiện các biện pháp để kìm hãm đà tăng của giá “vàng đen”.

Giá dầu dịch chuyển cẩn trọng trong ngày thứ Năm (06/12). Hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.76% xuống 61.09 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI lùi 0.98% xuống 52.37 USD/thùng.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Giữa lúc nhà đầu tư bối rối về chuyện ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã đồng ý những vấn đề gì tại bữa ăn tối bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 vào cuối tuần trước, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nói với CNBC rằng hai cường quốc kinh tế có thể đạt bước tiến trong việc giải quyết bất đồng thương mại trong vòng 90 ngày.

“Tôi nhận thấy khả năng khá cao là cả hai bên sẽ đạt được thành công trong khoảng thời gian thương lượng 90 ngày”, Zhou Xiaochuan, cựu Thống đốc PBoC, nói với hãng tin CNBC.

Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 7/2018, trong khi Trung Quốc đáp trả lại bằng cách áp hàng rào thuế quan lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục gây rung chuyển thị trường toàn cầu trong phần lớn thời gian của năm 2018.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma