Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có "thiên thời - địa lợi - nhân hòa"

25/06/2019 13:15

Chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày 25-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá vùng kinh tế này đang hội tụ 3 yêu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có "thiên thời - địa lợi - nhân hòa"

Chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày 25-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá vùng kinh tế này đang hội tụ 3 yêu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Sáng nay 25-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tổ chức tại tỉnh Hưng Yên. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết Chính phủ chủ trương tổ chức các hội nghị về từng vùng kinh tế trọng điểm để phân tích, lắng nghe, đánh giá kỹ tình hình từng vùng. Qua đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xử lý những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững từng vùng và cả nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có trung tâm là tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. "Đây là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và là vùng kinh tế lớn thứ 2 của cả nước (chiếm 32% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, 30% xuất khẩu cả nước)"- ông nhấn mạnh.

Nói về lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Thủ tướng cho rằng kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực đang là thế mạnh. Đây cũng là vùng duy nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước có 100% các tỉnh, TP trong vùng có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có thiên thời - địa lợi - nhân hòa - Ảnh 1.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có rất nhiều thuận lợi với cả 3 yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa". "Các tỉnh, TP thuộc vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh"- Thủ tướng nói.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn tại đây và kỳ vọng Hội nghị lần này sẽ tháo gỡ được. Một trong những điểm nghẽn mà Thủ tướng chỉ ra là chưa phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, sức cạnh tranh còn hạn chế. Đặc biệt, liên kết vùng chưa đi vào thực chất, còn hình thức, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch chưa được chú trọng.

Trong cùng một vùng kinh tế trọng điểm nhưng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giữa các địa phương chưa đồng đều, thậm chí có sự chênh lệch lớn. Thủ tướng dẫn chứng chỉ số PCI của Quảng Ninh đứng thứ 1 trong khi Hưng Yên lại đứng thứ 58 trên tổng 63 tỉnh, TP cả nước.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đề nghị thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đối với cả vùng và từng địa phương, đề xuất, kiến nghị về đổi mới cơ chế, chính sách, nhất là về đầu tư, tài chính, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, phân cấp, giao quyền... để tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng.

“Vùng này tiếp theo có trồng lúa không, chuyển đổi như thế nào, đô thị làm sao, khu công nghiệp thế nào, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, hướng về xuất khẩu thế nào?”- Thủ tướng đặt vấn đề.

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Giai đoạn 2016-2018, Vùng có tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 9,08%. Tổng GRDP của vùng đến năm 2018 chiếm tỉ trọng khoảng 31,73% GRDP của cả nước và chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, vẫn đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (45,42%). Tong đó Hà Nội dẫn đầu toàn vùng đóng góp 16,96% về GRDP cả nước.

GRDP bình quân đầu người của vùng cũng tăng từ 4.164 USD năm 2016 lên 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước và đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2016-2018 của vùng đứng thứ 2 cả nước (sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 32,1 tỉ USD. Năm 2018, TP Hà Nội thu hút được 7,5 tỉ USD, trong đó cấp mới 640 dự án với số vốn đăng ký trên 5 tỉ USD, lần đầu tiên dẫn đầu cả nước về số vốn đăng ký cấp mới.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2016-2018 đạt 1.593,752 ngàn tỉ đồng, chiếm 29,76% vốn đầu tư cả nước, tốc độ tăng bình quân 21,8%/năm, cao hơn mức bình quân trong giai đoạn này của các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước (khoảng 11,5%).

Minh Chiến

Người lao động

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma