Thưởng Tết tăng

18/01/2019 08:13

Ở loại hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng Tết nguyên đán bình quân tăng hơn 15% so năm 2018

Thưởng Tết tăng

Ở loại hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng Tết nguyên đán bình quân tăng hơn 15% so năm 2018

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa tổng hợp nhanh tình hình tiền lương năm 2018 và kế hoạch thưởng Tết Kỷ Hợi 2019. Báo cáo tổng hợp từ hơn 25.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước có kế hoạch thưởng Tết nguyên đán cho hơn 3,3 triệu lao động.

An Phát Plastic thưởng 900 triệu đồng/người

Theo đó, mức thưởng Tết nguyên đán bình quân là 6,31 triệu đồng/người, tương đương 1 tháng lương (tăng 11,4% so năm 2018). Cụ thể, ở loại hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân đạt gần 5,8 triệu đồng/người (tăng hơn 15% so năm 2018); ở công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước: hơn 6,8 triệu đồng/người (tăng 10%); DN dân doanh: hơn 6,4 triệu đồng/người (tăng 26%); DN có vốn đầu tư nước ngoài: hơn 6,2 triệu đồng/người (tăng gần 10%).

Người lao động rất mong được thưởng Tết sau một năm lao động vất vả. Trong ảnh: Lao động trong một cơ sở may mặc tại Đồng Nai. Ảnh: TẤN THẠNH

Về tiền thưởng dịp Tết dương lịch, mức thưởng bình quân là 1,42 triệu đồng/người (tăng hơn 23%). Trong đó, khối công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khối công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước, mức thưởng đều trên 1,5 triệu đồng/người (giảm 2%-3%); DN dân doanh: gần 1,1 triệu đồng/người (tăng gần 16%); DN có vốn đầu tư nước ngoài: gần 1,7 triệu đồng/người (tăng 47%).

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương, mức thưởng Tết nguyên đán bình quân của các DN ở đây chỉ từ 4,4-5,4 triệu đồng/người. Tuy nhiên, có một DN (ở huyện Nam Sách) là Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (An Phát Plastic) thưởng tới 900 triệu đồng/người. Mức thưởng thấp nhất ở Hải Dương là 50.000 đồng.

Trước đó, Tết năm 2017 và 2018, An Phát Plastic cũng đứng đầu ở Hải Dương về mức thưởng cho lao động, với mức 700 triệu và 800 triệu đồng/người. Năm nay, không chỉ thưởng 900 triệu đồng/người mà DN này còn ký hợp đồng mua 45 ôtô và 25 xe máy để thưởng Tết cho các nhân viên xuất sắc. Ông Nguyễn Lê Trung, Tổng Giám đốc An Phát Plastic, nhấn mạnh bên cạnh thưởng Tết cao, công ty đã và luôn cố gắng đem đến các chế độ phúc lợi tốt nhất cho tất cả nhân viên. Những CB-CNV có thành tích tốt luôn được ghi nhận và khen thưởng kịp thời.

Ở khu vực miền Bắc, Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên công bố tình hình lương, thưởng Tết. Cụ thể, 327/352 DN ở địa phương này báo cáo thưởng Tết dương lịch với mức bình quân 1,2 triệu đồng/người. Mức cao nhất là 262 triệu đồng/người, thuộc về một DN khối FDI. Về thưởng Tết nguyên đán, có 300/352 DN báo cáo thưởng bình quân khoảng 6 triệu đồng/người; mức thưởng cao nhất là 350 triệu đồng, thuộc về một DN khối FDI; thấp nhất chỉ 50.000 đồng.

Tỉnh Quảng Ninh có 898 DN gửi báo cáo kế hoạch thưởng Tết nguyên đán. Mức cao nhất là 80 triệu đồng, thuộc công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối; thấp nhất là 200.000 đồng, thuộc về khối DN dân doanh.

TP HCM mức thưởng cao nhất 1,17 tỉ đồng

TP HCM, đến chiều 17-1, thông tin thưởng Tết tại các DN trên địa bàn vẫn không có gì mới so báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP trước đó. Mức thưởng Tết dương lịch và Tết nguyên đán bình quân chỉ 1 tháng lương. Dịp Tết dương lịch, mức thưởng bình quân là 3,4 triệu đồng/người và Tết nguyên đán 10,3 triệu đồng/người, cao hơn 25% so Tết nguyên đán 2018. Mức thưởng kỷ lục 1,17 tỉ đồng thuộc về một lao động trong DN lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cao hơn của năm 2018 khoảng 28%.

Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết DN có mức thưởng tương đối cao là ở các ngành: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; quản lý, tư vấn, đầu tư bất động sản; điện tử, công nghệ thông tin; dược phẩm; lương thực - thực phẩm; DN sản xuất quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Sau khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019, nhiều DN ở TP HCM chủ động công bố mức thưởng Tết cho lao động. Tại các DN trong lĩnh vực giày da, dù gặp không ít khó khăn nhưng phần lớn vẫn bảo đảm thưởng cho lao động 1 tháng lương cơ bản. 

 

Duy trì phúc lợi cho lao động

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết năm 2019, dù đơn hàng khá dồi dào nhưng đơn giá không tăng nên ưu tiên hàng đầu của các DN trong hội này vẫn là ổn định việc làm và cố gắng duy trì phúc lợi cho lao động. So với da giày, mức thưởng Tết của lao động dệt may khá hơn, bình quân là 1 tháng thu nhập (8 triệu đồng/người). Mức thưởng này phản ánh đúng tình hình của các DN cũng như nguyện vọng giữ chân lao động sau Tết.

Tại các KCX-KCN của TP HCM, đa số DN đều thưởng 1 tháng lương thứ 13 (bình quân 5 - 5,5 triệu đồng/người) cho lao động, cá biệt một số DN thưởng 2 tháng lương hoặc cao hơn.

V.Tùng

Văn Duẩn - Vĩnh Tùng

Người Lao động

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma