Tình trạng khẩn cấp đẩy Nhật Bản tiến gần hơn vào suy thoái

07/04/2020 15:01

Hôm nay, một nửa nền kinh tế Nhật Bản sẽ được đặt trong tình trạng khẩn cấp, củng cố thêm lo ngại GDP nước này giảm tới 20% quý II.

Tình trạng khẩn cấp đẩy Nhật Bản tiến gần hơn vào suy thoái

Hôm nay, một nửa nền kinh tế Nhật Bản sẽ được đặt trong tình trạng khẩn cấp, củng cố thêm lo ngại GDP nước này giảm tới 20% quý II.

Chiều nay (7/4), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến công bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác. Người dân được khuyến nghị ở nhà trong một tháng. Ông Abe cũng đang chuẩn bị gói kích thích quy mô kỷ lục – gần 1.000 tỷ USD để ngăn nền kinh tế rơi tự do.

Người dân đi lại trên con phố vắng vẻ tại khu China Town ở Yokohama (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Khi phong tỏa đến nửa nền kinh tế, giới chức Nhật Bản có thể đẩy nước này vào đợt suy thoái được dự báo mạnh hơn cả thời khủng hoảng tài chính. Nhiệm vụ của ông Abe là phải cân bằng giữa rủi ro này với nguy cơ số ca mắc Covid-19 vượt tầm kiểm soát. Đây là một trong những thời điểm mang tính quyết định trong nhiệm kỳ dài kỷ lục của ông Abe.

Tokyo và 3 tỉnh lân cận - Kanagawa, Chiba và Saitama đóng góp một phần ba GDP cả nước. Tổng GDP các vùng này tương đương Canada và phụ thuộc lớn vào dịch vụ, bán lẻ. Trong khi đó, Osaka là điểm hút khách du lịch nổi tiếng, cũng là quê hương các đại gia điện tử Panasonic, Keyence và Sharp. Còn Kobe và Fukuoka là các địa điểm mua sắm ưa thích của khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tổng cộng, Bloomberg tính toán các khu vực này đóng góp 48% GDP Nhật Bản. Dù vậy, khi ban bố tình trạng khẩn cấp, giới chức địa phương cũng không được phạt người không tuân thủ. Vì vậy, hậu quả kinh tế sẽ khó cực đoan.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng người dân lần này sẽ tuân thủ hơn các khuyến cáo trước. Masamichi Adachi – kinh tế trưởng tại UBS Securities còn cho rằng ông đã quá lạc quan khi dự báo GDP Nhật Bản giảm 18% quý này. "Sẽ không có đà phục hồi theo hình chữ V đâu. Người tiêu dùng vẫn sẽ thận trọng về việc ra ngoài kể cả khi tình hình bắt đầu ổn định. Và chẳng ai biết khi nào sẽ có đợt sóng thứ hai hoặc thậm chí thứ ba", ông nói.

Niềm tin tiêu dùng tại Nhật Bản vốn đang ở mức thấp nhất kể từ 2008, do đại dịch khiến thu nhập sụt giảm và nhiều người mất việc làm. Gói kích thích của ông Abe lần này cũng sẽ hỗ trợ tiền cho các hộ gia đình và người làm việc tự do.

Từ cuối năm ngoái, việc tăng thuế tiêu dùng và các thảm họa thiên nhiên đã gây sức ép lên chi tiêu và sản xuất tại Nhật Bản. Ví tiền vốn đã eo hẹp nay lại thành trống rỗng sẽ gây tác động lâu dài lên xu hướng tiêu dùng tại đây, trong bối cảnh người lao động vốn đã lo ngại thu nhập khi nghỉ hưu.

"Kể cả các thành phố không thuộc phạm vi đặt tình trạng khẩn cấp, hành vi tiêu dùng cũng sẽ thay đổi rất nhanh", Kiichi Murashima – nhà kinh tế học tại Citigroup dự báo. Ông cho rằng GDP quý II của Nhật Bản sẽ giảm 19,7%. "GDP sẽ không dễ dàng bật về mốc cuối năm ngoái vào quý IV năm nay đâu. Tác động từ đại dịch không biến mất nhanh đến thế được", ông cảnh báo.

Tại Aichi - trung tâm sản xuất của Nhật Bản, số ca nhiễm vẫn liên tục tăng. Toyota Motor đặt trụ sở ở tỉnh này, với các nhà máy đóng góp 38% tổng công suất. Nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở đây, triển vọng sẽ càng u ám.

Giới chức Nhật Bản và các hãng sản xuất vẫn còn nhớ rõ khủng hoảng tài chính khiến họ lao đao hơn Mỹ rất nhiều. Lần này, khủng hoảng toàn cầu khiến hàng trăm nghìn người mất việc cũng đồng nghĩa nhu cầu với hàng Nhật Bản khó hồi phục. Tháng trước, Mỹ mất tới hơn 700.000 việc làm.

"Khi số việc làm tại Mỹ giảm, hàng xuất khẩu Nhật Bản sẽ lao dốc", Hideo Kumano – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life nhận định, "Từ hè này, chúng ta sẽ chứng kiến tác động của đại dịch chuyển hướng từ ngành dịch vụ sang sản xuất".

Hà Thu

Vnexpress

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma