Tổng Giám đốc Mirae Asset: Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn Hàn Quốc

11/02/2019 09:00

“Tôi không biết dòng vốn từ các nước khác thế nào nhưng Việt Nam không cần phải lo lắng về dòng vốn đến từ Hàn Quốc” – Tổng Giám đốc CTCK Mirae Asset Việt Nam, ông Kang Moon Kyung, khẳng định.

Tổng Giám đốc Mirae Asset: Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn Hàn Quốc

“Tôi không biết dòng vốn từ các nước khác thế nào nhưng Việt Nam không cần phải lo lắng về dòng vốn đến từ Hàn Quốc” – Tổng Giám đốc CTCK Mirae Asset Việt Nam, ông Kang Moon Kyung, khẳng định.

Ông Kang Moon Kyung – Tổng Giám đốc CTCK Mirae Asset Việt Nam.

Vốn từ Hàn Quốc vẫn sẽ chảy vào Việt Nam

“Trong dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn mở rộng”, ông Kang mở đầu phần nhận định về thị trường như thế. Theo chiều hướng đó, thị trường Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ từ các yếu tố nội tại. Ông Kang dự báo trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 - 7%. Thêm nữa, thị trường sẽ còn đón nhận nhiều công ty niêm yết mới. Đây đều là những yếu tố cho thấy triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính tiềm năng mở rộng của thị trường là một trong những nhân tố hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

“Tôi không biết dòng vốn từ các nước khác thế nào nhưng Việt Nam không cần phải lo lắng về dòng vốn đến từ Hàn Quốc”. Ông Kang khẳng định khi được hỏi về nguy cơ dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường cận biên và mới nổi. Ông Kang cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn “trưởng thành”, các cơ hội kiếm tiền trong nước ngày càng thu hẹp, thúc đẩy các doanh nghiệp phải tìm kiếm thêm cơ hội ở thị trường bên ngoài. So sánh với thị trường Hàn Quốc đã “trưởng thành”, Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng và dư địa tăng trưởng.

Tuy vì nhiều yếu tố trong kinh doanh mà có một số doanh nghiệp nước ngoài vấp phải thua lỗ tại Việt Nam nhưng nhìn chung, Việt Nam vẫn sẽ là điểm tới lý tưởng của dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Minh chứng cho việc này, ông Kang cho biết, CTCK Mirae Asset chưa từng đưa lợi nhuận kiếm được về công ty mẹ mà liên tục giữ lại để tái đầu tư.

Ông Kang nói hiện tại, dòng vốn Hàn Quốc đã rót vào một số ngành như dệt may, thiết bị di động (Sam Sung) và hàng điện tử. Xu hướng của dòng vốn này tại thị trường Việt Nam là ngành hàng tiêu dùng và mỹ phẩm.

Tuy nhiên, nhìn về ngắn hạn, ông Kang cho biết thị trường sẽ khá biến động. Đồng thời, hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ biến động. Vì vậy, đây là giai đoạn nhà đầu tư phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu. “Không giống như giai đoạn sau năm 2012, thị trường chứng khoán đã ở đáy, do đó hầu hết các mã cổ phiếu đều tăng giá khi thị trường đi lên”, ông Kang nhấn mạnh. Về mặt điểm số, thị trường sẽ rung lắc mạnh trong khoảng 960 - 1,100 điểm.

Hàng tiêu dùng là nhóm ngành tiềm năng

Ông Kang nhận định Hàng tiêu dùng sẽ là nhóm ngành có tiềm năng trong năm 2019. Ông Kang lý giải khi nền kinh tế tăng trưởng, thu nhập của người dân nhìn chung sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, mức sống tăng lên khiến người dân có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa có chất lượng tốt hơn. Đây là động lực chính để thúc đẩy ngành này.

Bất động sản cũng là một ngành tiềm năng. Tuy nhiên, điểm hạn chế của nhóm ngành này là hoạt động kinh doanh cần thời gian để thu về dòng tiền.

Ông Kang cũng nhận định về Thủy sản và Dệt may, hai ngành được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ Hiệp định CPTPP.

Đối với ngành dệt may, mặc dù sản lượng xuất khẩu ngành này tăng trưởng mạnh nhưng chi phí nhân công cao đang là vướng mắc kéo giảm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Song, ông Kang cho hay bằng cách tăng chất lượng sản phẩm (chất lượng vải, mẫu mã,…), các doanh nghiệp vẫn có thể cải thiện biên lợi nhuận. Từ đó, có thể thấy ngành này vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, tuy khó hơn trước kia.

Còn ngành thủy sản, ông Kang nhận định chất lượng thủy sản ở Việt Nam tốt nhờ yếu tố môi trường trong lành. Cộng thêm yếu tố giá hợp lý, hàng thủy sản Việt Nam mang đủ tiềm năng để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu.

Chí Kiên

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma