Triều Tiên cần gì để được gia nhập IMF?

15/10/2018 20:30

Tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc thời gian gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thảo luận về những bước tiến của CHDCND Triều Tiên để xây dựng các mối quan hệ và mở cửa ra thế giới.

Triều Tiên cần gì để được gia nhập IMF?

Tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc thời gian gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thảo luận về những bước tiến của CHDCND Triều Tiên để xây dựng các mối quan hệ và mở cửa ra thế giới.

Ông cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thậm chí còn nói rằng sẽ "sẵn sàng tham gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan quốc tế khác", Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, những tham vọng đó cũng đi kèm theo các thách thức mà Triều Tiên sẽ phải đối mặt khi quốc gia này cố gắng trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu.

Đất nước này đã bị cắt đứt quan hệ về mặt kinh tế với hầu hết các quốc gia thế giới trong nhiều thập niên vì chương trình hạt nhân của họ và bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Do đó, các chuyên gia cho rằng quá trình gia nhập những cơ quan tài chính trên sẽ phải mất một thời gian dài.

Những lợi ích khi được là thành viên

Thế thì tại sao quốc gia "ẩn dật" này lại muốn tham gia các tổ chức được cho là do Mỹ thống trị trên?

Câu trả lời là: Tư cách thành viên sẽ cho phép Triều Tiên có quyền tiếp cận một khối lượng lớn chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí. Họ cũng sẽ đi được một chặng đường dài hướng tới việc tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu.

IMF đặt mục tiêu đảm bảo sự ổn định về tài chính và tiền tệ, trong khi WB tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Mặc dù có những trọng tâm khác nhau, nhưng cả hai tổ chức này đều tìm cách thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế.

Đối với cộng đồng quốc tế, đưa Triều Tiên vào “khuôn khổ” sẽ xoa dịu được một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới. Điều đó cũng sẽ mang lại cho họ một số ảnh hưởng đối với đất nước có vị thế chiến lược nhưng bị cô lập suốt một thời gian dài này.

Minh bạch về mặt kinh tế

Để trở thành thành viên của WB, tổ chức tự mô tả là "một trong những nguồn tài trợ và kiến ​​thức lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển", một quốc gia trước tiên phải gia nhập IMF.

Và IMF yêu cầu rằng các nước thành viên phải chia sẻ thông tin về nền kinh tế của họ, không hạn chế dòng ngoại hối, theo đuổi các chính sách khuyến khích thương mại và phải đóng góp một số tiền gọi là “hạn ngạch”.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Triều Tiên hiện chưa được minh bạch và không rõ ông Kim Jong-un sẽ sẵn lòng chấp nhận bao nhiêu sự giám sát quốc tế.

Đo lường một nền kinh tế “bất thường”

Triều Tiên không những không công bố dữ liệu kinh tế, mà còn có một thị trường chợ đen quan trọng và tham nhũng tràn lan.

Hầu hết mọi người không thể sống bằng tiền lương chính thức và hoạt động thị trường đã nở rộ trong những thập kỷ gần đây.

Theo Byung-Yeon Kim, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, một hộ gia đình Triều Tiên điển hình kiếm được hơn 70% thu nhập từ hoạt động thị trường - cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Ông ước tính hơn một nửa hoạt động thị trường là bất hợp pháp.

Điều này làm cho việc đo lường nền kinh tế của Triều Tiên đặc biệt khó khăn.

Giáo sư Byung-Yeon Kim cho biết: “Những hoạt động thị trường này khá phổ biến và cách đo GDP trong loại hình kinh tế kép này là một nhiệm vụ rất lớn. Ngay cả trong các nền kinh tế vốn phát triển tốt như Ý, cũng rất khó đo lường nền kinh tế phi chính thức”.

Đâu là các công cụ phù hợp cho việc này?

Cũng không rõ Chính phủ Triều Tiên đã thu thập được bao nhiêu dữ liệu kinh tế và liệu họ sẽ có phương tiện để cải thiện điều này hay không.

"Triều Tiên đã không công bố dữ liệu kinh tế mang ý nghĩa nào từ những năm 1960", Andray Abrahamian, Giáo sư tại Đại học Stanford, cho biết.

"Họ cũng sẽ cần một số hỗ trợ kỹ thuật để thu thập dữ liệu đó".

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc phát hành số liệu GDP cho Triều Tiên mỗi năm, dựa trên dữ liệu của chính phủ và tình báo. Họ cho biết vào năm 2017, nền kinh tế của Triều Tiên có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm qua.

Bất kỳ dữ liệu nào khác cũng có khả năng tiết lộ thông tin tiêu cực về chính phủ của ông Kim Jong-un - một điều mà Triều Tiên có thể cân nhắc khi xem xét tăng sự minh bạch.

Nhã Thanh (Theo BBC)

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma