Trước khi rớt 16 phiên sàn, FTM từng tăng giá gần gấp đôi trong 3 tháng

08/09/2019 08:00

Cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân khiến nhà đầu tư sốc nặng khi rớt sàn 16 phiên liên tục. Không chỉ xuống nhanh, FTM cũng đã từng tăng giá gần gấp đôi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Trước khi rớt 16 phiên sàn, FTM từng tăng giá gần gấp đôi trong 3 tháng

Cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân khiến nhà đầu tư sốc nặng khi rớt sàn 16 phiên liên tục. Không chỉ xuống nhanh, FTM cũng đã từng tăng giá gần gấp đôi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Ngày 06/02/2017, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), 50 triệu cổ phiếu FTM chính thức lên sàn với giá tham chiếu 18,000 đồng/cp.

Khoảng 2 năm đầu lên sàn, cổ phiếu FTM dao động trong biên độ rộng từ 11,000-19,000 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 730,000 đơn vị/phiên.

Nhưng chỉ trong vòng 3 tháng, từ ngày 06/02-06/06/2019, cổ phiếu FTM bất ngờ leo dốc, ghi nhận mức tăng 56%, từ 15,000 đồng/cp để lên 23,400 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân cũng tăng lên mức trên 1 triệu đơn vị mỗi phiên. Việc giá bứt phá trong khoảng thời gian này dường như vẫn là một “ẩn số” bởi hoạt động kinh doanh của FTM đã bắt đầu bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung.

Cụ thể, FTM công bố báo cáo quý 1/2019 với doanh thu giảm 20% so cùng kỳ và lần đầu tiên báo lỗ hơn 14 tỷ đồng từ khi niêm yết. FTM cho hay việc giảm mạnh sản lượng tiêu thụ là nguyên nhân chính làm cho doanh thu. Mà nguyên nhân sản lượng tiêu thụ giảm là do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, do Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của FTM.

Cũng trong khoảng thời gian giá cổ phiếu FTM bứt tốc, Công ty đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019. Tại đây, theo báo cáo Ban giám đốc Công ty gửi đến cổ đông cũng đã nêu được những thách thức trong kinh doanh trước ảnh hưởng từ cuộc thương chiến. Kế hoạch kinh doanh 2019 được đưa ra với mức lãi vỏn vẹn 220 triệu đồng, chưa bằng con số lẻ đạt được năm 2018 (28.3 tỷ đồng).

Những thông tin đó cho thấy rằng động lực tăng giá cổ phiếu FTM đến từ những yếu tố khác chứ khó đến từ động lực tăng trưởng trong kinh doanh.

Diễn biến giá cổ phiếu FTM từ khi niêm yết

Nguồn: https://ptkt.vietstock.vn/

Trở lại với diễn biến giá cổ phiếu FTM ở thời điểm hiện tại. Quả là vị chát đắng dành cho cổ đông FTM khi đến nay (06/09/2019) giá cổ phiếu ghi nhận giảm sàn 16 phiên liên tục. FTM bắt đầu giảm sàn phiên ngày 15/08, tức trước 1 ngày sau khi có thông tin chính thức từ HOSE về việc đưa cổ phiếu vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ vì lỗ trong 6 tháng đầu năm 2019.

Hiện thì phía FTM chưa có thông tin giải trình gì về việc diễn biến giá cổ phiếu giảm sàn 16 phiên. Chỉ biết rằng đà giảm này có thể chưa dừng lại khi mà hiện dư bán tại giá sàn tăng dần qua các phiên, từ vài chục ngàn lên đến gần 20 triệu cổ phiếu.

Giao dịch cổ phiếu FTM từ đầu tháng 8/2019 đến nay

Sắp chia cổ tức và thưởng cổ phiếu

Giữa lúc cổ phiếu đổ đèo, HĐQT FTM vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 (chưa thực hiện), 2018 và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, tổng lượng cổ phiếu dự kiến phát hành để trả cổ tức 5% năm 2017 và 5% năm 2018 là 5 triệu cp. Nguồn phát hành (50 tỷ đồng) từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán 2017 và 2018.

Bên cạnh đó, FTM cũng sẽ phát hành 2.5 triệu cp thưởng cho cổ đông, nguồn tiền gồm 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 2 tỷ quỹ đầu tư phát triển.

Như vậy, Công ty sẽ cần nguồn vốn 75 tỷ cho đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức và thưởng cổ phiếu. Theo BCTC kiểm toán 2018, thời điểm cuối năm 2018, FTM có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 73.75 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển 7.7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến 30/6, Công ty chỉ còn 42.7 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 7.7 tỷ đồng tại quỹ đầu tư phát triển.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của FTM sụt giảm là bởi Công ty chịu thua lỗ 31 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã khiến sản lượng xuất khẩu chỉ còn hơn 2,800 tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó dẫn tới việc sụt giảm mạnh doanh thu so với cùng kỳ.

FTM cho biết thêm, không chỉ sản lượng xuất khẩu giảm mà giá bán sợi còn giảm mạnh trong kỳ. Nếu như quý 2/2018 giá bán sợi luôn duy trì ổn định ở mức 3.02-3.2 USD/kg thì trong quý 2/2019 đơn giá ghi nhận cao nhất cũng chỉ đạt 2.85 USD/kg và giảm dần xuống 2.58 USD/kg.

Trong khi đó, chi phí nguyên liệu chính không giảm tương ứng với việc giảm giá bán khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh. Cụ thể, giá bông tồn kho cùng các đơn hàng đã đặt có đơn giá cao trung bình từ 1.96 USD/kg làm chi phí giá vốn FTM không giảm mạnh được dù Công ty đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm cũng như giá bông cuối quý giảm xuống 1.75 USD/kg cũng chỉ đủ đảm bảo lợi nhuận gộp ở mức dương.

Phương Châu

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma