TS Bùi Quang Tín: Luật Thuế thu nhập cá nhân quá nhiều bất cập

05/03/2020 20:21

Theo TS Bùi Quang Tín, thay vì chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đã tới lúc nên rà lại Luật Thuế thu nhập cá nhân đang bộc lộ bất cập, lạc hậu.

TS Bùi Quang Tín: Luật Thuế thu nhập cá nhân quá nhiều bất cập

Theo TS Bùi Quang Tín, thay vì chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đã tới lúc nên rà lại Luật Thuế thu nhập cá nhân đang bộc lộ bất cập, lạc hậu.

* Thuế thu nhập cá nhân vẫn bất hợp lý

* Bộ Tài chính nói gì mức giảm trừ gia cảnh bị cho là 'vô cảm'?

* 'Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu là lạc hậu'

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân từ 9 triệu lên 11 triệu đồng, mức với người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng vừa được Bộ Tài chính dự thảo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chia sẻ với chúng tôi,Tiến sĩ Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP HCM) cho rằng, thay vì chỉ điều chỉnh điểm này, nên xem những điểm bất hợp lý khác của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

- Ông đánh giá về Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay như thế nào? 

Tôi thấy tương đối lạc hậu với sự phát triển của kinh tế và đời sống người dân. Về mặt nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải biến thiên tỷ lệ thuận với mức độ lạm phát, nhưng Luật lại đưa ra một sự cứng nhắc, dẫn tới thu nhập chịu thuế bị nghịch đảo với lạm phát.

Trong khi lạm phát, tiền đồng mất giá tính theo hàng năm thì thu nhập đạt ngưỡng chịu thuế lại ấn định trong nhiều năm, làm thu nhập thực tế của người lao động ngày càng ít hơn.

TS Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP HCM tại một sự kiện gần đây ở TP HCM. Ảnh: NVCC

Thêm vào đó, cách thức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng thụ động. Theo luật sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/7/2003, khi có mức biến động CPI trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh để phù hợp với biến động của giá cả. Từ cuối năm 2019 chỉ số này đã vượt 20% nhưng mãi đến giờ mới đưa ra lấy ý kiến là quá trễ và đẩy thiệt thòi cho người nộp thuế. 

Hơn nữa, không nhất thiết phải chờ tới khi biến động quá 20% mới lấy ý kiến mà nên thực hiện ngay khi CPI xấp xỉ mức này vì cơ quan chức năng là nơi có nhiều nguồn thông tin và có khả năng dự báo trước. 

- Cơ quan soạn thảo đề xuất mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu trên mức tăng CPI. Ông nhìn nhận gì về cơ sở này?

- Cách Bộ Tài chính làm là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23% để ra con số 11 triệu đồng (tương tự cách làm ra 4,4 triệu với người phụ thuộc). Tuy nhiên, cách này tôi cho rằng quá cơ học và không phản ánh sát với cuộc sống người dân.

Theo tôi, cách đơn giản là có thể căn cứ tốc độ tăng trưởng GDP đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Từ đó đưa ra ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu thay vì căn cứ vào chỉ số tăng CPI.

Còn về lâu dài, Bộ Tài chính cần có sự nghiên cứu cụ thể dựa trên nhiều biến số khác liên quan đến cuộc sống của người dân rồi đưa ra mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tiễn.

- Cách xác định mức giảm trừ cho người phụ thuộc hiện nay, theo ông có điểm gì bất cập?

- Giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc là giải pháp để người dân đạt mức sống tối thiểu, và chỉ những thu nhập trên ngưỡng tối thiểu mới bị tính thuế. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng lên hàng tháng, các dịch vụ sinh hoạt phát sinh nhiều và nhu cầu chi tiêu cao mà thu nhập của những người phụ thuộc không tăng hoặc tăng chậm. Điều này dẫn tới người nộp thuế phải bù thêm khá nhiều chi phí để chăm sóc cho họ mà không được tính khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Bé Nguyễn Thanh Tiền phụ bà nội che tấm bạt che mưa trước căn nhà trọ ở khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM). Cách xác định mức giảm trừ cho người phụ thuộc là con cái và cha mẹ là một trong những điểm còn bất cập của Luật Thuế thu nhập hiện nay. Ảnh: Hữu Khoa.

Ví dụ, một cá nhân dù đang phụng dưỡng cha mẹ già nhưng vì cha mẹ có 1-3 triệu lương hưu nên cuối cùng không được giảm trừ. Nhưng thử hỏi với số tiền này thì làm sao các bậc phụ huynh này đủ sống nếu không có sự chi ra số tiền gấp 3-4 lần từ người nuôi dưỡng? Do đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng nên sửa đổi điều này cho phù hợp với thực tế hơn.

- Vậy ông có đề xuất gì để quy định sát với thực tế hơn?

- Chẳng hạn chúng ta có thể khảo sát cuộc sống thực tế của người dân và phân chia mức giảm trừ gia cảnh theo khu vực. Cơ quan chức năng không nên cào bằng mức giảm trừ trong cả nước bởi ở những thành thị lớn chi phí sinh hoạt chênh lệch rất lớn so với các vùng còn lại. Giá thuê nhà đến việc ăn uống, vui chơi... ở thành phố lớn sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với nông thôn. 

Do đó, có thể căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm áp dụng cho người lao động ở 4 vùng để tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế một cách phù hợp.

Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu việc cho phép trừ chi phí nếu mua hàng có hóa đơn thay vì khống chế giảm trừ gia cảnh ở một mức cố định. 

- Phương án tính giảm trừ theo chi phí cơ quan quản lý đã từng tính đến nhưng khó thực hiện vì thói quen mua hàng lấy hóa đơn khi đó chưa phổ biến. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi ở thời điểm này?

- Thực ra ngoài khó khăn về thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng, còn nhiều lo ngại rằng cho khấu trừ như vậy sẽ, không thu đủ thuế vì tình trạng mua khống hoá đơn.... Tôi thì nghĩ giờ xu hướng hoá đơn điện tử sẽ phần nào thuận lợi hơn cho việc khấu trừ này.

Theo đó, cơ quan quản lý có thể khấu trừ một số chi phí hợp lý cho cá nhân trước khi tính thuế thu nhập nếu họ có hóa đơn như học phí, tiền thuê nhà, điện nước... chứ không nên cố định 9 hay 11 triệu cho người nộp thuế, 4,4 triệu đối với người phụ thuộc.

Tuy nhiên, để áp dụng được, cơ quan chức năng phải nghiêm túc xây dựng cơ chế hạch toán chi phí đầu vào cho cá nhân khi kê khai và quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Nếu giờ bắt tay nghiên cứu thì tối thiểu phải vài ba năm nữa mới có thể triển khai được. Nhưng đây thực sự sẽ là phương án "một mũi tên trúng nhiều đích", vì vừa khuyến khích tiêu dùng, người dân có thói quen lấy hóa đơn, khi đó các đơn vị kinh doanh cũng không thể gian dối doanh thu. 

Vấn đề bậc thuế, ngưỡng chịu thuế với nguồn thu vãng lai theo ông có những điểm bất hợp lý gì?

- Hiện trong biểu thuế có 7 mức tính thuế thu nhập cá nhân. Mức khởi điểm là 5%, tối đa là 35%, trong khi các nước khác như Singapore (2-22%), Malaysia (1-28%), Campuchia (5-20%)...

Điều này cho thấy mức khung của chúng ta tương đối cao. Do đó, cần giảm mức luỹ tiến này cũng như rút bậc thuế ít lại để việc nộp thuế đơn giản hơn và không là gánh nặng với dân. Nhà nước cũng không mang tiếng tận thu.

Ngoài ra, với ngưỡng chịu thuế vãng lai, việc nhận thù lao, phí hoa hồng từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị nộp thuế 10% cũng là ngưỡng lạc hậu. Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã đề nghị tăng mức khấu trừ với thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới khấu trừ thuế 10% nhưng đến nay vẫn chưa được nâng lên. Điều này khiến số lượng người lao động dù chưa đến thu nhập chịu thuế vẫn phải đóng thuế. 

Đặc biệt đối với những người lao động phổ thông, người nghèo cũng bị đóng thuế thu nhập cá nhân khi có những thu nhập khác. Ngưỡng chịu thuế thấp không những khiến người nộp bị thiệt mà bộ máy cơ quan thuế cũng quá tải, trong khi nguồn thu không tăng được bao nhiêu.

- Nếu cơ quan chức năng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng thoáng hơn, nguồn thu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

- Thời gian dài qua đã chứng minh nguồn thuế thu nhập cá nhân rất ổn định. Thậm chí, dù mức giảm trừ gia cảnh tăng từ năm 2013 nhưng không ảnh hưởng nhiều đến số thuế thu được các năm sau đó.

Trường hợp, nếu có giảm phần nào nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân sau khi Luật sửa đổi theo hướng giảm "gánh nặng" thuế cho người dân thì nhà nước vẫn có lợi. Vì khi số tiền đóng thuế ít đi, họ sẽ có dư ra một khoản để tăng chi tiêu. Lúc này, Nhà nước sẽ thu được các loại thuế khác như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp...

 Lệ Chi

Vnexpress

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma