Tỷ phú Trung Quốc: Từ bán mỳ dạo thành cổ đông của Amazon, Tencent

12/12/2019 20:45

Công ty đầu tư Hillhouse Capital Group của tỷ phú Trung Quốc Zhang Lei mới đây bất ngờ bổ sung vào danh mục của mình cổ phiếu của Amazon (81,72 triệu USD), bên cạnh các cổ phiếu khác như Tencent, JD.com và Blue Moon.

Tỷ phú Trung Quốc: Từ bán mỳ dạo thành cổ đông của Amazon, Tencent

Công ty đầu tư Hillhouse Capital Group của tỷ phú Trung Quốc Zhang Lei mới đây bất ngờ bổ sung vào danh mục của mình cổ phiếu của Amazon (81,72 triệu USD), bên cạnh các cổ phiếu khác như Tencent, JD.com và Blue Moon.

Tỷ phú Trung Quốc: Từ bán mỳ dạo thành cổ đông của Amazon, Tencent
Tỷ phú Zhang Lei - Ảnh: SCMP.

Zhang Lei đã trải qua con đường dài từ bán dạo mỳ gói, nước và tạp chí tại các ga tàu để trở thành tỷ phú. 

Con đường trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo tờ SCMP, người sáng lập, CEO của Hillhouse sinh năm 1972 tại Zhumadian, một ngôi làng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Dù không có xuất thân giàu có, Zhang vẫn được theo học ngành tài chính tại Đại học Bắc Kinh nhờ giành được học bổng với điểm số cao nhất tỉnh trong kỳ thi đại học. 

Không lâu sau đó, ông nhận được học bổng từ Đại học Yale danh giá của Mỹ. Tuy nhiên, học bổng này chỉ đủ cho một năm học ở trường này. Vì vậy, Zhang làm thêm tại văn phòng đầu tư của David Swensen, giám đốc đầu tư của trường Đại học Yales, để trang trải cuộc sống. 

Ông dịch cuốn sách "Pioneering Portfolio Management, An Unconventional Approach to Institutional Investment into Chinese" (tạm dịch: Quản Lý Danh Mục Đầu tư Tiên Phong, Một Cách Tiếp Cận Độc Đáo với Đầu tư Tổ chức Vào Trung Quốc" của Swensen và giúp tạo ra một số cụm từ về đầu tư trong tiếng Trung.  Swensen đã nhận Zhang là "đệ tử" và dạy cho ông về đầu tư. Bản thân Zhang cũng tự học hỏi nhiều điều.

"Khi tôi biết rằng báo cáo thường niên của các công ty được cấp miễn phí, tôi đã gửi mail tới tất cả các công ty trong S&P 500", Zhang cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times vào năm 2014. "Tôi không thể tin được rằng chúng được miễn phí. Tôi đã học được rất nhiều điều từ các phần thảo luận về quản lý và những thứ như lợi nhuận trên vốn đầu tư, vốn chủ sở hữu. Cách học này vô cùng hữu hiệu". 

Sau khi học xong tại Yale, ông cố gắng tìm một công việc tại các hãng tư vấn nhưng liên tiếp bị từ chối. Cuối cùng, ông được nhận vào một quỹ đầu cơ thị trường mới nổi có trụ sở tại Washington. Tuy nhiên, trong đầu Zhang luôn tâm niệm phải trở về Trung Quốc bởi ông nhìn thấy quá nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

"Thời điểm đó, tôi biết rằng có điều gì đó đang được ấp ủ ở Trung Quốc. Ở đó có rất nhiều năng lượng, có thể kiếm được rất nhiều tiền. Ở đó có rất nhiều doanh nhân và startup công nghệ năng động", Zhang kể lại.

Năm 2005, Zhang về nước. Khi đó, Swensen cấp cho ông khoản vốn đầu tư  ban đầu 20 triệu USD từ Đại học Yale để thành lập Hillhouse. Không lâu sau đó, Swensen đầu tư thêm 10 triệu USD. Đây là điều tương đối rủi ro bởi các công ty Trung Quốc lúc đó chỉ được xem là những kẻ sao chép công nghệ Mỹ. 

Zhang đã dành phần lớn số vốn đầu tư nhận được từ Yale để rót vào một công ty mới nổi khi đó - Tencent và hiện vẫn nắm cổ phần tại công ty này. Ông cũng là một trong những nhà đầu tư sớm vào hãng thương mại lớn thứ hai Trung Quốc JD.com.

Có "máu" kinh doanh từ nhỏ

Đam mê kinh doanh và khát khao tạo ra được những thay đổi lớn bằng hành động đơn giản của Zhang đã phát triển từ khi ông còn nhỏ. Năm 7 tuổi, ông đã mang bộ sưu tập truyện tranh của mình cho những người chờ tàu ở nhà ga gần nhà thuê. Sau đó, ông mua tạp chí với số lượng lớn để bán cho họ. 

"Ban đầu, tôi gặp vấn đề về tồn kho và tôi phát hiện ra mình đang dùng toàn bộ lợi nhuận vào việc mua nước mời họ (những người chờ tàu) uống. Sau đó, tôi chỉ đặt một số đầu tạp chí và xem xét loại nào bán được", Zhang kể với Financial Times. "Rồi tôi nhanh chóng mở rộng sang bán nước, mỳ ăn liền và xúc xích cay Hồ Nam. Tôi được giảm giá khi nhập hàng với số lượng lớn". 

Với tất cả công việc này, Zhang tiết kiệm được 800 Nhân dân tệ và sẵn sàng chuyển lên Bắc Kinh để học đại học. 

Dù kiếm được lợi nhuận lớn từ các khoản đầu tư sau này, tờ Financial Times mô tả Zhang là người "giản dị, gần như khổ hạnh". Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông keo kiệt. 

Năm 2010, Zhang quyên góp gần 9 triệu USD cho Trường Kinh doanh Yale. Thời điểm này, đây là khoản quyên góp lớn nhất từ một cựu sinh viên của trường. Ngoài ra, ông cũng quyên góp 10 triệu Nhân dân tệ (1,4 triệu USD) cho Đại học Nhân dân Trung Quốc, một trong các trường ông từng theo học. Năm 2017, tỷ phú này quyên tặng thêm 300 triệu Nhân dân tệ (4,3 triệu USD) để thành lập một quỹ giáo dục. 

Ngọc Trang

VnEconomy

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma