Vì sao Phố Wall hoảng loạn trong tuần qua?

08/12/2018 11:35

Nỗi lo sợ lên đến đỉnh điểm đã đẩy Phố Wall vào hỗn loạn. Nhà đầu tư bắt đầu tự hỏi thị trường con bò kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đang gần tới hồi kết hay chỉ là “xả hơi” trong thời gian ngắn?

Vì sao Phố Wall hoảng loạn trong tuần qua?

Nỗi lo sợ lên đến đỉnh điểm đã đẩy Phố Wall vào hỗn loạn. Nhà đầu tư bắt đầu tự hỏi thị trường con bò kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đang gần tới hồi kết hay chỉ là “xả hơi” trong thời gian ngắn?

Từ dòng tweet “Người đàn ông Thuế quan” và đường cong lợi suất bị đảo ngược đến những thông điệp đầy mâu thuẫn từ các cố vấn của ông Trump và vụ bắt giữ CFO Huawei, tất cả đều khiến nhà đầu tư giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya thanh vắng.

Sau khi ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, chỉ số S&P 500 rớt 3.2% trong ngày thứ Ba (04/12) và bước vào phiên giao dịch đầy biến động trong ngày thứ Năm (06/12) – giảm sâu vào đầu phiên, Dow Jones có lúc giảm hơn 700 điểm nhưng lại phục hồi ấn tượng vào gần cuối phiên nhờ thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Và trong ngày thứ Sáu (07/12), chứng khoán Mỹ lại rớt mạnh, Dow Jones “bay” hơn 550 điểm, S&P 500 rớt hơn 2% và Nasadq Composite “đi” hơn 3%, sau khi hai cố vấn của ông Trump, Larry Kudlow và Peter Navarro, đưa ra quan điểm mâu thuẫn về thương mại.

Cho dù chất xúc tác là gì, nỗi lo sợ ở đây là nền kinh tế Mỹ còn bao lâu trước khi bước vào giai đoạn suy thoái. Vài tháng? Vài quý? Hay vài năm?

“Thị trường hoàn toàn tin rằng chúng ta đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ kinh tế”, Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập tại DataTrek Research, viết trong một báo cáo gửi tới các khách hàng.

Các dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi – thước đo tâm lý thị trường của CNN Business – đang ở mức “cực kỳ sợ hãi”. Thị trường chứng khoán Đức đang ngấp nghé thị trường con gấu. Giá dầu thì đã bước vào thị trường con gấu từ trước. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, nhảy vọt 29% trong tuần này. Còn S&P 500 đang trên đường ghi nhận quý tồi tệ nhất trong 7 năm.

“Chúng ta đang ở thời điểm rất bối rối về nền kinh tế”, Kristina Hooper, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, cho hay. “Nó không còn dễ đoán như năm ngoái (2017) khi tăng trưởng dường như mạnh hơn rất nhiều”.

“Người đàn ông Thuế quan”

Niềm hy vọng từ một thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung nhanh chóng chuyển thành nỗi lo về leo thang căng thẳng. Nhà đầu tư phấn khởi hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại tại bữa ăn tối bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tuần trước.

Ông Trump thổi bùng sự hoài nghi về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung trong ngày thứ Ba (04/12) khi ông tự gọi ông là “Người đàn ông Thuế quan” (Tariff Man) trong một dòng tweet.

Khép lại phiên hôm đó (04/12), Dow Jones rớt 799 điểm  và các chuyên viên phân tích chỉ đến dòng tweet của ông Trump là một trong những chất xúc tác cho đà giảm trên thị trường.

“Việc Tổng thống Mỹ tự mô tả là ‘Người đàn ông Thuế quan’ giống như một người chưa chín chắn chứ không giống với Tổng thống chút nào”, Dennis Gartman, Biên tập viên của The Gartman Letter, viết trong ngày thứ Năm (06/12). “Chúng tôi chỉ có thể lắc đầu trong ngạc nhiên và khiếp đãm”.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cho rằng hàng rào thuế quan sẽ “LÀM NƯỚC MỸ GIÀU CÓ TRỞ LẠI”, dù rằng gánh nặng thuế quan cũng đang đè lên các công ty và người tiêu dùng Mỹ.

Chiến tranh thương mại đang tồi tệ hơn hay đang dịu bớt?

Chứng khoán Mỹ có lúc rớt cực mạnh trong ngày thứ Năm (06/12) sau thông tin về vụ bắt giữ CFO Huawei Meng Wanzhou ở Canada, nhưng sau đó đã phục hồi ấn tượng và chỉ còn giảm nhẹ vào lúc khép phiên. Bà Meng là con gái của một trong những nhà sáng lập Huawei – một công ty được xem là “Apple của Trung Quốc”. Vụ bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ có thể “đổ thêm dầu vào lửa” xung đột thương mại Mỹ - Trung.

“Vụ bắt giữ trên cho thấy tình hình đang tồi tệ hơn chứ chẳng hề khá hơn”, Joe Quinlan, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại US Trust thuộc Bank of America, nhận định.

Cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc còn lấn át cả những ảnh hưởng tích cực từ các đợt giảm thuế và nới lỏng quy định. Hàng rào thuế quan không chỉ làm gia tăng chi phí mà còn gây gián đoạn các chuỗi cung ứng và buộc các doanh nghiệp trì hoãn quyết định đầu tư.

Các cổ phiếu nhạy cảm với thương mại như Boeing và Caterpillar đều tụt dốc trong tuần này.

Chính nỗi lo không ngơi về thương mại đã thôi thúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 đối với cả Trung Quốc và Mỹ trong thời gian gần đây.

“Chúng ta dường như đang bị kẹt trong một ngõ cụt mà không thể nào thoát ra khi nói về xung đột thương mại với Trung Quốc”, Quinlan cho hay.

Ám ảnh về suy thoái

Trong khi đó, một trong những chỉ báo đáng tin cậy của Phố Wall đột nhiên phát tín hiệu báo động. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang dần thu hẹp về mức chưa từng thấy kể từ trước cuộc Đại Suy thoái. Đáng chú ý hơn, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 năm và 5 năm đã bị đảo ngược trong ngày thứ Hai (03/12).

Nhà đầu tư ngày càng lo ngại đường cong lợi suất sẽ bị đảo ngược, tức lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn. Trong quá khứ, đây là một chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái.

Ít nhất thì đường cong lợi suất ngày càng bằng phẳng phản ánh nỗi lo ngại về đà giảm tốc tăng trưởng và Fed có thể nâng lãi suất nhanh hơn những gì nền kinh tế có thể hứng chịu.

Trong bối cảnh đường cong lợi suất bị đảo ngược, cũng khó để các ngân hàng có thể tạo lợi nhuận. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF đã rớt 7% trong tuần này. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn như Citigroup và Bank of America đều sụt giảm 10%.

Ông Hooper dự báo, chênh lệch lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài và trái phiếu kỳ hạn ngắn sẽ sớm nới rộng ra vì Fed có thể giảm nhịp độ nâng lãi suất trong năm tới. 

Hành vi ở cuối chu kỳ

Mặc dù xuất hiện tín hiệu báo trước về suy thoái, nhưng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn khá vững chắc nếu không muốn nói là mạnh.

Báo cáo việc làm – vừa được công bố trong ngày thứ Sáu (07/12) – cho thấy tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giữ nguyên ở mức 3.7% và tiền lương tăng trưởng 3.1% trong tháng 11/2018. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 155,000 việc làm trong tháng trước, không đạt kỳ vọng tạo thêm 200,000 việc làm.

Mô hình của Fed khu vực Atlanta dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 4/2018 đạt 2.7%, giảm so với mức dự báo trước đó là 3%.

Vũ Hạo (Theo Edition)

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma