Bao giờ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam?

04/12/2019 10:32

Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Một trong những vấn đề cơ bản được nêu trong luật này là việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Bao giờ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam?

Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Một trong những vấn đề cơ bản được nêu trong luật này là việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Thủ tướng cũng quyết định việc tổ chức, phân công thực hiện  các quyền, nghĩa vụ của sở.

Làm thế nào hấp dẫn các quỹ đầu tư tỉ phú quốc tế giải ngân vào Việt Nam? Ảnh minh họa Thành Hoa

Trước mắt, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hnx) vẫn tiếp tục được duy trì như hiện tại, nhưng sẽ phân định lại chức năng, nhiệm vụ của mỗi sở. Toàn bộ giao dịch trái phiếu, giao dịch phái sinh sẽ thực hiện ở Hnx và toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ tiến hành ở Hose. Như vậy trong tương lai sẽ chỉ có một chỉ số là VN-Index.

Giới tài chính, đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết đa số cho biết họ không chờ đợi nhiều thay đổi đối với thị trường dù Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua. Câu chuyện đưa tất cả các cổ phiếu về giao dịch tại một sàn (trừ UpCom) vốn dĩ đã được bàn thảo từ lâu, song không tiến triển trong thời gian dài. Từ nay đến giữa năm sau, Bộ Tài chính có bảy tháng để soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.

Hiện Hose đang chiếm 93% tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam. Một nửa giá trị giao dịch hàng ngày của Hnx hiện đang phụ thuộc vào cổ phiếu ACB. Nói thế để thấy việc duy trì sàn giao dịch cổ phiếu Hnx không còn mang nhiều ý nghĩa đối với thị trường tài chính, tuy nhiên nó lại làm tốn kém công sức, chi phí cho hoạt động của các chủ thể như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhất là chi phí của ngân sách cho công việc quản lý sàn này.

Trên thực tế, các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết đều chọn Hose. Các doanh nghiệp chuyển từ đăng ký giao dịch trên UpCom lên niêm yết cũng chọn Hose. Không ít doanh nghiệp đã chuyển sàn từ Hnx vào Hose. Vì sao doanh nghiệp làm như thế? Vì họ không muốn đứng ngoài sự giao dịch sôi động thực sự của chứng khoán.

Một ngân hàng uy tín như ACB mà đứng ngoài chỉ số VN30, chỉ số VN-Finance vừa được Hose công bố là thiệt thòi cho cổ đông, nhà đầu tư và chính ngân hàng. Xu hướng của các tổ chức đầu tư, nhất là các quỹ ngoại, đều bám sát VN-Index hoặc VN30 và tới đây là VN-Finance. Doanh nghiệp, ngân hàng muốn huy động vốn, muốn được giới đầu tư để mắt đến, họ không còn cách nào tốt hơn là chọn niêm yết tại Hose.

Nhìn về dài hạn, tầm quan trọng của Hose là không thể phủ định. VN-Index tăng trưởng tốt sẽ mở ra cơ hội cho cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Để đạt được điều đó, Hose cần có một vị thế cao hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Hai doanh nghiệp thoái vốn mang lại nguồn tài chính lớn cho ngân sách là Sabeco và Vinamilk.

Trong tương lai, Nhà nước đã khẳng định không nắm giữ vốn ở những doanh nghiệp sản xuất bia, hay thực phẩm. Chúng ta đang rất cần một sàn giao dịch cổ phiếu thống nhất, một quy định thực sự cởi mở hơn về sở hữu của nước ngoài tại các công ty niêm yết để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, để thu hút các quỹ đầu tư quản lý hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Nhìn đi nhìn lại, chứng khoán Việt Nam sắp bước vào tuổi 20, vậy mà vẫn chỉ có một quỹ đầu tư lớn nhất trị giá 1,5 tỉ đô la Mỹ là VEIL của Dragon Capital. Giá trị của VEIL không bằng một phần ba số tiền Nhà nước thu về từ thoái vốn Sabeco. Làm thế nào hấp dẫn các quỹ đầu tư tỉ phú quốc tế giải ngân vào Việt Nam? Câu hỏi này trước hết phải dành cho cơ quan soạn thảo khung pháp lý.

Quy luật nước chảy chỗ trũng đang vận hành rõ nét trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dòng tiền đầu tư gián tiếp của cả nội lẫn ngoại đang dồn về Hose. Những tập đoàn, tổng công ty quy mô nhất của nền kinh tế khi lập đề án cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng chọn Hose là điểm dừng chân.

Việc kéo dài sự tồn tại của sàn cổ phiếu Hnx, xét cho cùng, đang mang tính danh nghĩa. Bộ Tài chính đã có và đang thực hiện đề án cải cách nhân sự, thủ tục hành chính ở những lĩnh vực như thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước. Dẫu thế thị trường chưa được thông suốt sự cải cách trong lĩnh vực chứng khoán mà cần làm ngay là ở Hnx.       

Hải Lý

TBKTSG

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma