Kinh doanh hàng điện tử gặp khó, TIE thâu tóm Bút bi Bến Nghé để bắt đầu cuộc chiến mới

28/11/2018 10:24

HĐQT CTCP TIE (HOSE: TIE) đã chấp thuận nhận chuyển nhượng cổ phần tại 2 Công ty Bến Nghé sau khi mua CTCP Bốn Biển hồi tháng 9/2018. TIE đang cho thấy bước lột xác sang một ngành nghề mới là kinh doanh văn phòng phẩm và nghỉ dưỡng.

Kinh doanh hàng điện tử gặp khó, TIE thâu tóm Bút bi Bến Nghé để bắt đầu cuộc chiến mới

HĐQT CTCP TIE (HOSE: TIE) đã chấp thuận nhận chuyển nhượng cổ phần tại 2 Công ty Bến Nghé sau khi mua CTCP Bốn Biển hồi tháng 9/2018. TIE đang cho thấy bước lột xác sang một ngành nghề mới là kinh doanh văn phòng phẩm và nghỉ dưỡng.

Bán đất, tăng cường M&A văn phòng phẩm và nghỉ dưỡng

TIE sẽ nhận chuyển nhượng 3.1 triệu cổ phần, tương ứng với 77.5% vốn điều lệ tại CTCP Sản xuất - Thương mại Bến Nghé. Song song đó, TIE cũng nhận chuyển nhượng 777,500 cổ phần, tương ứng với 77.5% vốn điều lệ tại CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Bến Nghé.

Theo đó, TIE sẽ chủ động tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá trị nhận chuyển nhượng tại cả 2 công ty không quá 100 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Sản xuất – Thương mại Bến Nghé tiền thân là cơ sở sản xuất Bút Bi Đông Á (với thương hiệu Đông A) thành lập và hoạt động từ năm 1984, đến năm 1989 phát triển thành Doanh nghiệp tư doanh Bến Nghé. Sản phẩm truyền thống của Công ty là bút bi các loại, văn phòng phẩm và dụng cụ học tập. Ngoài ra, Bến Nghé đã mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực khác theo xu hướng đa ngành nghề như chăn nuôi theo mô hình trang trại, chế biến thực phẩm, sản xuất mũ bảo hiểm…

Trước đó, hồi tháng 9, TIE cũng đã quyết định nhận chuyển nhượng 51% vốn góp tại CTCP Du lịch Bốn Biển với giá không quá 120 tỷ đồng. Được biết, Bốn Biển sở hữu resort ở Phan Thiết, Bình Thuận với 73 phòng.

Như vậy, ngoài 2 công ty con hiện nay là Công ty TNHH Giải pháp Thông minh Sài Gòn (51%) và Công ty TNHH Văn phòng phẩm TIE miền Bắc (90%), thì TIE sẽ có thêm 3 công ty con về văn phòng phẩm và du lịch. Được biết, Công ty TNHH Giải pháp Thông minh Sài Gòn đang có kế hoạch giải thể.

Ngoài ra, TIE còn có 2 đơn vị liên doanh liên kết là Công ty TNHH Tiến Đạt - TIE (20%), CTCP Văn hóa TIE (43%), đồng thời góp vốn vào CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn.

Có lẽ để tập trung vốn cho các hoạt động M&A trên, TIE cho biết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Bình Dương với giá chuyển nhượng không thấp hơn 4 lần giá trị vốn sổ sách được ghi nhận tại báo cáo tài chính gần nhất. Được biết, lô đất tại Bình Dương của TIE có diện tích 38,000 m2, còn 3,755 m2 tại Phú Quốc đã được chuyển nhượng năm 2017 với giá 43 tỷ đồng.

Chuyển hướng đầu tư vào văn phòng phẩm và nghỉ dưỡng liệu có khả quan hơn?

TIE trước đây hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, gia công lắp ráp và kinh doanh các mặt hàng điện tử dân dụng; cho thuê nhà xưởng, kho bãi; đại lý ký gửi hàng hóa... Nhưng với các hoạt động M&A mạnh trong thời gian này, TIE đang dần chuyển sang lĩnh vực văn phòng phẩm, nhất là giao diện website của Công ty cũng đã được đổi mới gần đây.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 hồi tháng 8 vừa qua, lãnh đạo TIE cho biết, ngành hàng truyền thống là sản xuất và phân phối các sản phẩm điện tử hiện nay gặp khó khăn vì trình độ công nghệ thay đổi liên tục, năng lực quản lý còn hạn chế, trong khi xu hướng người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn chuộng các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng nên sản phẩm của Công ty tồn kho cao.

Ngoài ra, việc phân phối các sản phẩm của Công ty hiện tại không hiệu quả vì vốn đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp (không quá 3%), vòng quay chậm, rủi ro cao khi bị khách hàng chiếm dụng...

Vì thế mà TIE bắt đầu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh từ năm 2015, tuy nhiên nhờ khoản lợi nhuận khác mà năm 2015 và 2016 TIE vẫn ghi nhận lãi ròng lần lượt là 12 tỷ đồng và hơn 7 tỷ đồng. Nhưng bước sang năm 2017 thì lợi nhuận khác không đủ sức kéo khiến Công ty lỗ ròng gần 20 tỷ đồng. Và quý 1 cùng quý 3/2018 TIE đều báo lỗ lần lượt hơn 2 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, riêng quý 2/2018 vẫn có lãi 2.5 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa của TIE thời gian gần đây

Cũng theo lãnh đạo của TIE, riêng ngành hàng văn phòng phẩm thì Công ty mới tham gia được 5 năm nhưng vẫn còn một số khó khăn như vốn đầu tư, máy móc thiết bị rất lớn, chi phí nguyên liệu tăng cao, Công ty ít có kinh nghiệm trong quá trình sản xuất... Tuy nhiên Công ty sẽ hạn chế rủi ro bằng cách ký hợp đồng dài hạn với các đơn vị cung cấp nguyên liệu nhằm ổn định giá đầu vào.

Phương Nguyễn - Thái Hương

FILI

Tài liệu đính kèm:
20181127_20181127 - TIE - NQ HDQT vv nhan chuyen nhuong co phan tai Cty Ben Nghe.pdf

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma