Phong thủy, Tử vi và Chứng khoán – Những kiến thức căn bản

05/02/2019 20:00

Mọi người đang ấm áp đón Tết Nguyên Đán bên gia đình. Phong thủy và tử vi là những đề tài khá hấp dẫn được dân tình bàn luận nhiều trong giai đoạn này.

Kỳ 1

Phong thủy, Tử vi và Chứng khoán – Những kiến thức căn bản

Mọi người đang ấm áp đón Tết Nguyên Đán bên gia đình. Phong thủy và tử vi là những đề tài khá hấp dẫn được dân tình bàn luận nhiều trong giai đoạn này.

Khi nhắc đến phong thủy và tử vi, người ta thường cho rằng đó là việc mê tín, dị đoan. Tuy nhiên, các lĩnh vực này không hề “ảo tung chảo” như dân tình vẫn nghĩ và hoàn toàn có ích nếu được nghiên cứu một cách cẩn thận và bài bản.

Tập đoàn tài chính hàng đầu Hong Kong là CLSA (Credit Lyonnais Securities Asia) cho phát hành các báo cáo hàng năm rất nghiêm túc về chủ đề này. Các hãng truyền thông lớn như CNN, Bloomberg… hay các tổ chức tài chính quốc tế như HSBC, Citibank, Hong Leong Bank… vẫn phải thường xuyên phỏng vấn, xin ý kiến những chuyên gia như Master Paul Ng, Master Kenny Hoo…

Theo kết quả test của người viết trong những năm gần đây thì các dự đoán này khá chính xác. Ngay cả khi kết quả dự báo cuối cùng không quá ấn tượng thì việc “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vào đầu năm cũng là điều nên làm.

Cội nguồn xa xưa

Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, đất nước này có tồn tại một thời kỳ gọi là Tam Đại. Tam Đại là tên gọi hợp xưng của ba triều đại Hạ, Thương và Chu trong lịch sử Trung Quốc. Trong Tam Đại thì thời nhà Chu là trị vì lâu đời nhất và nổi bật nhất.

Kể từ khi Khương Tử Nha phò trợ Tây bá hầu Cơ Phát lên ngôi Chu Vũ Vương cho đến khi Tần Thủy Hoàng diệt hết các nước chư hầu thì nhà Chu đã kéo dài gần 800 năm. Triều đại phong kiến dài nhất lịch sử Trung Quốc đã xuất hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng như Lục Thao Thái Công Binh Pháp của Khương Tử Nha, Luận Ngữ của Khổng Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Trung Dung của Tử Tư… Tuy nhiên, nếu nói về đệ nhất của thời kỳ này thì vẫn là Kinh Dịch.

Kinh Dịch được giới nghiên cứu Trung Quốc đánh giá là “thiên cổ kỳ thư”, đứng đầu trong các tác phẩm kinh điển. Nó cũng là khởi nguồn và nền tảng của rất nhiều cuốn sách nổi tiếng khác. Kinh Dịch bắt đầu được hình thành ý tưởng từ thời vua Phục Hy. Tuy nhiên, phải đến thời nhà Chu với sự đóng góp rất lớn của Chu Văn Vương, Chu Công (con trai thứ của Chu Văn Vương) và Khổng Tử mới hoàn thiện như ngày nay.

Chu Văn Vương. Nguồn: Sina Weibo

Bình luận về Kinh Dịch thì vô cùng vô tận và nói tầm vài chục cuốn sách có khi cũng chưa hết. Người viết chỉ xin liệt kê ra ở đây vài điểm cơ bản để độc giả dễ nắm bắt:

Thứ nhất là khái niệm “âm dương”. Lưỡng Nghi là khởi nguồn của Kinh Dịch, đó là Âm ký hiệu là vạch đứt (-­ -) và Dương ký hiệu là vạch liền (–). Âm tự nó không phải luôn luôn xấu và Dương tự nó không phải luôn luôn tốt. Tốt hay xấu đều do hai chữ Thời và Vị mà ra. Tuỳ Thời mà biến, tuỳ Vị mà chuyển. Các sự vật, hiện tượng trên đời nếu đạt được cân bằng âm dương thì sẽ phát triển bền vững, hài hòa. Cấu tạo của quẻ Kinh dịch cũng từ những hào Âm và hào Dương mà ra.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì vai trò của hào Âm và hào Dương đối với quẻ cũng giống như hệ thống máy tính dựa trên hệ số học nhị phân (số 0 và số 1). Từ hệ nhị phân, người ta đã xây dựng nên vô số phần mềm, ứng dụng khoa học từ đơn giản đến phức tạp. Cũng tương tự, vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến vô cùng.

Nguồn: Tuvikhoahoc

Thứ hai là “ngũ hành”. Theo triết học cổ đại Trung Quốc, vạn vật trên trái đất đều được hình thành từ 5 yếu tố cơ bản Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong môi trường tự nhiên được gọi là ngũ hành.

Ngũ hành gồm 5 hành: Kim (Metal), Mộc (Wood), Thủy (Water), Hỏa (Fire) và Thổ (Earth) thể hiện các quan hệ tương sinh (generate) và tương khắc (control) vô cùng hài hòa, khăng khít với nhau của vạn vật trong vũ trụ. Mệnh lý học và vị lý học của phong thủy đều từ đây mà sinh ra. Chính vì vậy, các báo cáo về phong thủy nói chung và phong thủy chứng khoán nói riêng trên thế giới luôn xuất hiện các yếu tố này.

Ngũ hành tương sinh và tương khắc. Nguồn: Feng Shui Nexus

Thứ ba là khái niệm “bát quái”. Bát quái chia thành Tiên Thiên Bát Quái (Phục Hy Bát Quái) và Hậu Thiên Bát Quái (Văn Vương Bát Quái). Kinh Dịch của Trung Quốc cổ đại có 64 quẻ được tạo ra từ cách bắt cặp 8 quẻ của bát quái và những lời bình giải cho từng quẻ này.

Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái. Nguồn: Wikipedia

Mục đích cuối cùng là gì?

Ở Trung Quốc, những thành công hay thất bại trong cuộc sống thường được gắn kết với tử vi và phong thủy. Cho dù bạn đang đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, thành lập doanh nghiệp hay chọn vợ chọn chồng thì việc tham khảo các khuyến nghị của tử vi, phong thủy đều rất quan trọng để đạt được sự thịnh vượng, sức khỏe và hạnh phúc.

Thuật xem tử vi và phong thủy dựa vào Kinh Dịch để phát triển. Nó vận dụng thuyết âm dương và ngũ hành vào thực tiễn cuộc sống. Ở đây cần lưu ý một chút về cái tên phong thủy. Nó đã khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng phong thủy chỉ có thể ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản. Bản thân người viết cũng nằm trong số này.

Theo định nghĩa đơn giản của dân gian thì tử vi và phong thủy là những phương pháp nhằm mưu cầu điều may mắn tránh né chuyện rủi ro (xu cát tị hung). Xét theo nghĩa rộng thì nó bao hàm rất nhiều thứ chứ không chỉ có mỗi việc xem nhà, xem đất hay xem tuổi như ta vẫn thường nghĩ.

Chúng ta hãy quay lại chuyện về thị trường chứng khoán một chút. Việc áp dụng phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật vào đầu tư xét cho cùng cũng là để tăng xác suất chiến thắng lên mà thôi.

Mô tả về xác suất trong cuộc sống. Nguồn: Mathsisfun.com

Các luận điểm hay phương pháp mang đầy tính hoa mỹ, nhân văn kiểu như “đi cùng sự thịnh vượng và sự phát triển của doanh nghiệp” hay “xu hướng là bạn, cờ bạc là thù” về bản chất là tìm ra những cổ phiếu nào có ít nguy cơ giảm và nhiều khả năng tăng trưởng nhất để làm đầy túi tiền của giới đầu tư. Đó chẳng phải là xu cát tị hung hay sao? Thậm chí, có nhiều người suốt ngày chỉ chăm chăm đi săn tin nội gián, tin hành lang để đánh quả kiếm lời bất chính mà vẫn luôn mồm bảo rằng mình là “dân cơ bản”.

Nếu xem xét dưới góc nhìn xác suất thành công như trên thì tử vi, phong thủy hoàn toàn có tác dụng chả khác nào các phương pháp quen thuộc như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hay mô hình định lượng. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo ba ví dụ dưới đây:

Ví dụ 1:

Khi tính chỉ số M-Score từ báo cáo tài chính của hai công ty A và B, chúng ta được kết quả là M-Score A = -2.66 và M-Score B = -1.23. Từ đây, áp dụng hàm số NORMSDIST, ta suy ra được xác suất có gian lận báo cáo tài chính (tạm gọi là P-Fraud) của hai công ty là P-Fraud A = 0.39% và P-Fraud B = 10.93%.

Như vậy, nhà đầu tư cần tập trung mua cổ phiếu A hơn là cổ phiếu B do rủi ro khi đầu tư vào B là cao hơn so với A.

Chú thích: M-score là một biến phân phối ngẫn nhiên có giá trị trung bình bằng 0 và độ lệch chuẩn bằng 1. Do đó, khả năng có thao túng và quản trị lợi nhuận trong báo cáo tài chính có thể được tính toán bằng chỉ số M-Score thông qua chức năng trả về hàm phân phối chuẩn NORMSDIST trong ứng dụng Microsoft Excel.

Ví dụ 2:

Giả sử hai cổ phiếu C và D đều đang nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nhưng giá C vừa mới phá vỡ đáy thấp nhất 52 tuần và đang nằm dưới đường SMA 200 ngày còn giá D lại nằm trên đường này. Vậy nhà đầu tư nên chọn mã nào? Hẳn là phải chọn D rồi vì xu hướng tăng của giá vẫn còn duy trì trong khi C đã chuyển sang xu hướng giảm.

Ví dụ 3:

Theo phân tích trong Báo cáo phong thủy của CLSA năm 2018 (phát hành vào đầu tháng 02/2018) thì giai đoạn từ cuối tháng 03/2018 đến tháng giữa 07/2018 không nên đầu tư vì khả năng giằng co và sụt giảm mạnh khá cao (quan sát đường chó chạy màu đỏ trong hình). Việc đầu tư nên vào giai đoạn cuối tháng 07/2018 cho đến tháng 01/2019 thì sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.

Thực tế đã diễn ra trong năm 2018 cho thấy chiến lược này là khá chính xác. Mặc dù không thể mang lại lợi nhuận (vì thị trường giảm gần như cả năm) nhưng sẽ giúp nhà đầu tư tránh được thua lỗ lớn trong giai đoạn nửa đầu năm 2018.

Nguồn: CLSA

Kết luận

Chúng ta có thể thấy dù là ứng dụng phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hay tử vi, phong thủy thì mục tiêu cũng đều như nhau. Đó là nhằm làm tăng xác suất thành công khi đầu tư lên mức cao nhất có thể.

Các lý thuyết mà tử vi, phong thủy sử dụng khá tương đồng với các lý thuyết về chu kỳ (cycle), phân tích liên thị trường (intermarket) hay chuyển động các nhóm ngành (sector rotation). Dĩ nhiên, sẽ chẳng có ai dám đi lấy tử vi và phong thủy làm nền tảng cốt lõi cho quá trình đầu tư của mình. Nhưng nếu nghiên cứu lĩnh vực này và xem nó như một công cụ phụ trợ thì có thể giúp nhà đầu tư gia tăng tỷ suất sinh lợi và phòng tránh các rủi ro bất thường trên thị trường chứng khoán. Trong các kỳ tới, người viết sẽ đi sâu hơn vào các vấn đề cụ thể như việc phòng ngừa rủi ro cá nhân, lựa chọn ngành, chọn cổ phiếu và dự báo xu hướng biến động thị trường.

Đón đọc

Kỳ 2: Bản mệnh và chọn cổ phiếu theo Ngũ hành

Kỳ 3: Luận giải lá số tử vi năm Kỷ Hợi 2019

Kỳ 4: Master Paul Ng dự báo thị trường năm Kỷ Hợi 2019

Kỳ 5: CLSA dự báo thị trường năm Kỷ Hợi 2019

Thế Phong

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma