Thoái vốn tại Vinachem: Đất đai màu mỡ là tâm điểm để đấu giá?

04/07/2019 13:12

Những câu chuyện về thoái vốn tại SRC và DRC chưa dứt thì tiếp đến đầu tháng 07/2019, Vinachem lại khẩn trương tiến hành đấu giá thêm loạt cổ phiếu tại các công ty con, công ty liên doanh. Kế hoạch thoái vốn của Vinachem trong lộ trình thoái vốn đã đi đến đâu và những điểm gì thu hút nhà đầu tư tham gia đấu giá?

Thoái vốn tại Vinachem: Đất đai màu mỡ là tâm điểm để đấu giá?

Những câu chuyện về thoái vốn tại SRCDRC chưa dứt thì tiếp đến đầu tháng 07/2019, Vinachem lại khẩn trương tiến hành đấu giá thêm loạt cổ phiếu tại các công ty con, công ty liên doanh. Kế hoạch thoái vốn của Vinachem trong lộ trình thoái vốn đã đi đến đâu và những điểm gì thu hút nhà đầu tư tham gia đấu giá?

Ngày 05/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020. Theo đó, với mục tiêu bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sức cạnh tranh, một loạt đơn vị thành viên đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ được Vinachem thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu.

Theo kế hoạch, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc Vinachem giai đoạn 2017-2020 lần lượt là: thoái vốn tại 15 doanh nghiệp (năm 2018), thoái vốn tại 14 doanh nghiệp (năm 2019) và thoái vốn tại 4 doanh nghiệp (năm 2020).

Đối với doanh nghiệp do Vinachem nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, Vinachem sẽ giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại NFCVPS là 51%, bên cạnh đó Vinachem sẽ bán bớt một phần vốn tại 5 doanh nghiệp mà Vinachem đang nắm giữ 51% vốn điều lệ bao gồm SVG, HVT, CSV, LAS, VAF.

Đối với các doanh nghiệp do Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, sau khi bán bớt một phần vốn, tỷ lệ nắm giữ của Vinachem là 36% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp CSM, DRC, SRC, BFC, SFG, NET, LIX, PAC,...

Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn tại các doanh nghiệp bao gồm XPH, Viapco, TSB, IRC Vietnam, TPC Vina, DGC, PHN, Vinachimex, DCI, Incodemic, CEC,... Đối với 4 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn sau khi các doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả là DHB, DDV, DAP2 và Đạm Ninh Bình.

Trong năm 2018, Vinachem chưa có động thái thoái vốn cụ thể nào, tiến độ thoái vốn của Vinachem tại các doanh nghiệp diễn ra khá chậm. Nguyên nhân có thể đến từ những khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, mặt khác là thị trường chứng khoán có diễn biến kém thuận lợi. Việc chưa thực hiện thoái vốn theo lộ trình trong năm 2018 chính là áp lực buộc Vinachem phải nỗ lực thực hiện thoái vốn trong thời gian còn lại của giai đoạn 2017-2020 để không “vỡ kế hoạch”.

Nguồn: Vinachem

Những “món hàng” đầu tiên: Có giá đấu gấp 40 lần thị giá

Bắt đầu từ tháng 06/2019, Vinachem đã lần lượt tiến hành đưa hàng loạt cổ phiếu ra đấu giá. Mở đầu cho hoạt động thoái vốn, vào ngày 02/06, Vinachem đưa 4 triệu cổ phiếu của CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) và hơn 17 triệu cổ phiếu CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) ra đấu giá. Mức giá khởi điểm của SRC là 46,452 đồng/cp và DRC là 25,170 đồng/cp.

Tiếp đến là thương vụ đấu giá hơn 14 triệu cổ phiếu CTCP Phân bón miền Nam (HOSE: SFG) vào ngày 08/07. Cùng trong ngày 10/07, Vinachem đồng thời thoái vốn ở CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ (Incodemic), CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (UPCoM: DCI) và CTCP Bột giặt NET (HNX: NET).

Phần lớn các doanh nghiệp được đưa ra đấu giá nằm trong nhóm mà Vinachem dự kiến chỉ còn sở hữu 36% sau thoái vốn. Riêng tại Incodemic, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn. 

Theo quy định của pháp luật cũng như thực tế các thương vụ bán vốn nhà nước thời gian qua, khi thoái vốn, sẽ có 2 mức giá làm cơ sở tham chiếu. Một là thị giá cổ phiếu, vốn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường và hai là giá trị doanh nghiệp được xác định để thoái vốn, bám sát hơn giá trị tài sản. Trong 2 mức giá này, mức giá nào cao hơn sẽ được chọn làm giá khởi điểm.

Nếu mức giá khởi điểm của cổ phiếu SRC, SFG gấp đôi so với thị giá trung bình trong những phiên giao dịch gần thời điểm thông báo đấu giá thì bất ngờ hơn là mức giá khởi điểm của cổ phiếu DCI gấp gần 40 lần (giá khởi điểm 113,700 đồng/cp).

Cái kết trái ngược cho SRC và DRC: Vì đất vàng?

Tính đến thời điểm cuối tháng 06/2019, chỉ có phiên đấu giá của cổ phiếu SRC và cổ phiếu DRC được diễn ra. Và kết quả đấu giá có sự đối lập hoàn toàn: SRC – đắt hàng, DRC – ế ẩm.

Theo dõi diễn biến đấu giá, nhà đầu tư không khỏi dấy lên sự hoài nghi do đâu mà phiên đấu giá SRC lại suôn sẻ và nhà đầu tư đăng ký mua vào với giá cao ngất ngưỡng, trong khi DRC không thể hút khách dù đây là 2 “món hàng” đều thuộc ngành săm lốp, thậm chí quy mô của DRC lớn hơn nhiều, có phải chăng điểm khác nhau ở chỗ SRC sở hữu những lô đất có giá trị?

Kết thúc năm 2018, SRC báo lãi sau thuế chỉ 12 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017, đồng thời ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm. Trong quý 1/2019, SRC chỉ có lãi gần 2.5 tỷ đồng, bằng phân nửa so cùng kỳ.

DRC cũng gặp khó khăn khi lợi nhuận năm 2018 chỉ đạt gần 141 tỷ đồng, giảm 15% so năm 2017 và cũng đã 3 năm giảm lợi nhuận liên tiếp. Lãi quý 1/2019 của DRC ghi nhận gần 17 tỷ đồng, giảm 19%. Về kết quả kinh doanh thì DRC có chút “nhỉnh” hơn SRC.

Kết quả kinh doanh của SRC và DRC. Đvt: Triệu đồng

Dù kinh doanh không mấy tươi sáng nhưng SRC sở hữu quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn. Được biết, SRC có khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn; đất kinh doanh tại Đà Nẵng, Thái Bình, Vĩnh Phúc; đất văn phòng thương mại tại Hà Nội, TP HCM

Đặc biệt là lô đất tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là khu đất sử dụng làm trụ sở văn phòng và đã có chủ trương xây dựng dự án “Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn”. Đối tác hợp tác đầu tư là Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng để SRC tiến hành di dời nhà máy khỏi khu vực này.

Có quỹ đất lớn, phiên đấu giá cổ phần SRC lập tức thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó, DRC cũng được Vinachem đăng ký thoái vốn lại “ế”. Theo dõi bản công bố thông tin của Vinachem, DRC hiện nay không quản lý khu đất nào đáng kể.

Theo nhiều ý kiến, trong bối cảnh kết quả kinh doanh trên đà suy giảm, khả năng thành công của các đợt thoái vốn do Vinachem thực hiện phụ thuộc nhiều vào mức độ thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia. Nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến doanh nghiệp có tỷ lệ bán vốn lớn, có những tài sản giá trị nhưng chưa khai thác tốt như đất đai, hoặc doanh nghiệp sản xuất mà đối tác có thể kết hợp hoàn thiện chuỗi giá trị của họ.

Như vậy, nhà đầu tư mua cổ phần SRC nhằm vực dậy ngành nghề săm lốp cao su hay nhắm đến đất màu mỡ mà SRC đang nắm giữ?

Đón đọc: Thoái vốn Vinachem: Do đâu giá khởi điểm SFG và DCI cao ngất ngưởng?

Minh Nhật

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma