10 cuộc chia tay CEO đáng chú ý trong năm 2018

27/12/2018 20:30

Nhiều CEO nổi tiếng của các công ty lớn đã nói lời chia tay với nơi họ từng gắn bó trong năm 2018. Trong số này, một vài người bị buộc phải ra đi, một vài người khác chủ động rời bỏ vị trí sau khi đã lèo lái con thuyền đến nơi tương đối an toàn, và một người đột ngột qua đời, để lại bao tiếc thương.

10 cuộc chia tay CEO đáng chú ý trong năm 2018

Nhiều CEO nổi tiếng của các công ty lớn đã nói lời chia tay với nơi họ từng gắn bó trong năm 2018. Trong số này, một vài người bị buộc phải ra đi, một vài người khác chủ động rời bỏ vị trí sau khi đã lèo lái con thuyền đến nơi tương đối an toàn, và một người đột ngột qua đời, để lại bao tiếc thương.

1. Kevin Systrom, Instagram

 

Năm 2006, khi đang là sinh viên năm cuối của Đại học Stanford, Kevin Systrom được Facebook mời về làm việc nhưng anh từ chối.

Sau đó, anh cùng với Mike Krieger lập ra mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram và bán lại cho chính Facebook với giá khoảng 1 tỷ USD, giúp anh bỏ túi 400 triệu USD, đồng thời vẫn giữ vị trí CEO của Instagram.

Tháng 9 năm nay, anh cùng Mike Krieger tuyên bố chia tay Instagram sau khi được cho là có những căng thẳng với Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook.

2. Indra Nooyi, Pepsi

 

Tháng 10 năm nay, ông lớn trong ngành đồ uống chính thức mất đi một trong những CEO nữ ít ỏi của họ khi Indra Nooyi từ chức sau 12 năm nắm giữ vị trí này.

Dù vậy, bà Nooyi vẫn sẽ giữ vị trí chủ tịch Pepsico đến hết đầu năm 2019. Năm ngoái, nhờ sự lãnh đạo của bà, Pepsico tuyên bố những thức uống “tốt hơn cho bạn” - hiện chiếm đến 50% tổng số sản phẩm của họ.

Bà rời công ty khi doanh thu đạt mức 63.5 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 35 tỷ USD mỗi năm khi bà chính thức nắm giữ vị trí CEO vào năm 2006. Nhờ đó, giá cổ phiếu Pepsico cũng tăng gần gấp đôi.

3. Matthias Müller, Volkswagen

 

Matthias Müller đảm nhận vị trí CEO của Volkswagen vào năm 2015, thay cho Martin Winterkorn, sau một vụ bê bối khiến công ty này bị phạt và bồi thường hơn 15 tỷ USD.

Mùa xuân năm nay, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này thông báo sẽ chia tay Müller và giám đốc thương hiệu Herbert Diess sẽ là người thay thế.

Dưới sự lãnh đạo của Müller, Volkswagen đã đầu tư mạnh cho việc phát triển xe điện và “đại tu” cơ cấu quản lý của công ty này, nhờ đó giúp họ giành lại danh hiệu nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và tăng lợi nhuận.

4. Lloyd Blankfein, Goldman Sachs

 

Sau 12 năm nắm giữ vị trí quyền lực hàng đầu của Goldman Sachs, CEO Lloyd Blankfein đã tuyên bố từ chức vào đầu năm nay. Thay thế ông là David Solomon, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hoạt động hàng ngày của công ty này.

Năm nay, Blankfein được Forbes xếp ở vị trí 47 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới.

Những ngày cuối cùng của ông ở công ty này đầy ắp những chuyện không vui: Cổ phiếu của Goldman Sachs bị giảm khoảng 33% so với năm ngoái, và công ty bị buộc tội là có liên quan đến một âm mưu rửa tiền lên đến 2.7 tỷ USD của một quỹ Malaysia cách đây vài năm.

5. Ian Read, Pfizer

 

Sau 8 năm nắm giữ vị trí CEO của một trong những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, Ian Read đã tuyên bố từ chức. Read gia nhập Pfizer năm 1978 và trải qua nhiều vị trí khác nhau.

Suốt thời gian tại vị của mình, Read đã theo đuổi nhiều vụ thôn tính ở nước ngoài nhằm giúp Pfizer tránh những khoản phạt về thuế của nhà chức trách Mỹ. Tuy nhiên, ông không thành công lắm trong vấn đề này và bị các chính trị gia Mỹ chỉ trích gay gắt.

6. Les Moonves, CBS

 

Les Moonves đã làm tốn khá nhiều giấy mực của báo giới trong năm nay khi bị nhiều phụ nữ “tố” quấy rối tình dục. Dĩ nhiên, Moonves đã phủ nhận tất cả. Tháng 9 năm nay, hội đồng quản trị của CBS đã buộc ông phải rời khỏi vi trí và không được một xu nào trong gói bồi thường thôi việc lên đến 120 triệu USD.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến khối tài sản 800 triệu USD của Moonves, trong đó 500 triệu USD đến từ việc bán cổ phiếu CBS mà ông từng sở hữu.

7. Sergio Marchionne, Fiat-Chrysler

 

Mùa hè này, ngành ô tô đau buồn mất đi một người khổng lồ thật sự khi CEO Sergio Marchionne của Fiat-Chrysler qua đời ở tuổi 66 do những biến chứng đến từ ca phẫu thuật vai.

Những dấu ấn sự nghiệp của Marchionne gồm có việc giúp Fiat và Chrysler hồi sinh. Dưới sự lãnh đạo của ông, các công ty này giờ đây có giá trị gấp 10 lần trước đây.

8. Martin Sorrell, WPP

 

Trong năm nay, WPP, một trong những công ty marketing và quảng cáo lớn nhất thế giới đã chia tay vị CEO và cũng là người đồng sáng lập của họ: Martin Sorrell, người đã điều hành công ty này suốt 33 năm.

Nhờ chiến lược thôn tính mạnh mẽ của ông, WPP đã tăng trưởng nhanh và đạt được doanh thu gần 19.3 tỷ USD vào năm ngoái, giúp Sorrell bỏ túi 68 triệu USD.

9. Brian Krzanich, Intel

 

Năm nay, Intel đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập và cũng nói lời tạm biệt CEO Brian Krzanich. Thay thế ông là giám đốc tài chính (CFO) Robert H. Swan.

Krzanich, 58 tuổi, bắt đầu sự nghiệp tại Intel vào năm 1982 với vai trò kỹ sư tại một nhà máy sản xuất microchip ở New Mexico. Suốt những năm gắn bó với Intel, ông đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau. Ông cũng từng là thành viên trong Hội đồng sản xuất Mỹ do Tổng thống Donald Trump lập ra nhưng đã từ chức hồi năm 2017.

Tháng 11 vừa qua, ông cho biết đã tìm được vị trí mới tại công ty phần mềm CDK Global.

10. Bob Sauerberg, Condé Nast

 

Tháng 11 vừa qua, Condé Nast thông báo CEO Bob Sauerberg của họ sẽ từ chức ngay khi tìm được người thay thế phù hợp. Thông tin này được đưa ra sau khi Sauerberg đưa ra chiến lược nhằm giúp công ty này trở về lại tình trạng đủ khả năng trả nợ trong vòng hai năm. Condé Nast cho biết họ sẽ làm theo các kế hoạch của Sauerberg.

Sauerberg gia nhập công ty này vào năm 2005 và 5 năm sau trở thành chủ tịch. Ông đảm nhận vị trí CEO hồi tháng 01/ 2016.

Nhã Thanh (Theo Forbes)

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma