Ba câu hỏi Jeff Bezos dùng để kiểm tra nhân viên mới của Amazon

23/08/2018 10:00

Amazon là một trong những công ty mà nhiều người muốn xin vào làm việc nhất, và hiện nay, công ty này đã có trên 500,000 nhân viên.

Ba câu hỏi Jeff Bezos dùng để kiểm tra nhân viên mới của Amazon

Amazon là một trong những công ty mà nhiều người muốn xin vào làm việc nhất, và hiện nay, công ty này đã có trên 500,000 nhân viên.

Nhưng vào giai đoạn đầu khi công ty mới thành lập, lúc đó trụ sở của Amazon vừa chuyển từ nhà xe của Jeff Bezos đến một văn phòng nằm ở trung tâm thành phố Seattle, và số lượng nhân viên khá ít. Năm 1995, Amazon mới chỉ là một đội ngũ có 10 thành viên, và Bezos vẫn phải tự mình chuyển hàng tới bưu điện.

Để đảm bảo duy trì được những tiêu chuẩn cao khi công ty phát triển về sau, trong lá thư Bezos viết gửi tới các cổ đông vào năm 1998, một năm sau khi việc bán sách online được công chúng biết đến, ông đã thiết kế một bài kiểm tra đơn giản, gồm 3 câu hỏi để phỏng vấn những nhân viên mới.

"Không thể nào tạo nên được thành tích trong một môi trường năng động như Internet mà thiếu đi những con người phi thường", Bezos đã từng viết về yêu cầu nhân sự tại Amazon như thế. Trong vòng 3 năm, nhân sự tại công ty này đã tăng vọt lên 2,100 người. "Việc đề ra tiêu chí cao trong quá trình tuyển dụng đã và sẽ luôn là nhân tố quan trọng nhất đối với sự thành công của Amazon.com."

Mặc dù điều này đã được đề cập từ 20 năm trước, nhưng một người đại diện của Amazon xác nhận với CNBC Make It rằng suy nghĩ đó của Bezos vẫn là một phần trong quy trình tuyển dụng ngày nay của công ty.

Theo như lá thư gửi đến cổ đông vào năm 1998, dưới đây là 3 câu hỏi của Bezos để tìm ra nhân tài mới.

1. "Liệu bạn có ngưỡng mộ người này?"

Đầu tiên, Bezos khuyến khích những người phụ trách tuyển dụng của Amazon xem xét quan điểm cá nhân về ứng viên.

"Tôi luôn hết sức cố gắng để được làm việc với những người tôi ngưỡng mộ, và tôi khuyến khích các bạn cũng nên yêu cầu bản thân như thế", Bezos viết. "Khi bạn nghĩ về những người bạn ngưỡng mộ trong đời, họ có khả năng là những người có điều gì đó để bạn học hỏi hoặc là làm gương cho bạn."

Bezos không phải là người duy nhất có suy nghĩ này. Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook cũng ủng hộ cho việc tuyển dụng những người mà họ coi trọng. "Tôi thường nói với mọi người rằng bạn chỉ nên thuê những người mà bạn chịu làm việc cho họ", Zuckerberg gần đây đã phát biểu trên trang web Recode như thế. Nói về những nhân viên cấp cao của mình, như Sheryl Sandberg hay Chris Cox, Zuckerberg chia sẻ: "Nếu như có thể đổi ngược lại, tôi sẽ cảm thấy vinh dự khi được làm việc cho những con người này."

2. "Liệu người này có thể giúp cho mức hiệu quả trung bình của tập thể tăng lên?"

Với câu hỏi này, Bezos nhắm vào việc đánh giá khả năng đem lại sự đổi mới của một con người.

Bezos viết trong thư gửi cổ đông năm 1998 rằng: "Chúng ta muốn giành được vinh quang." "Tiêu chuẩn phải tiếp tục nâng cao hơn. Tôi yêu cầu mọi người hình dung về tương lai 5 năm nữa của công ty. Vào lúc đó, mỗi người chúng ta nên nhìn quanh và nói rằng 'tiêu chuẩn bây giờ là quá cao - tôi thấy mừng vì tôi đã nhập cuộc trước đó!'"

Amazon nổi tiếng là một môi trường làm việc có tính yêu cầu cao, và tiêu chuẩn cao – vốn luôn là yếu tố cốt lõi của công ty – đã giúp cho Bezos trở thành người đàn ông giàu nhất trên thế giới.

Theo 14 nguyên tắc truyền động lực của Amazon: "Những người lãnh đạo phải có tiêu chuẩn cao, nghiêm khắc". "Nhiều người có thể nghĩ những tiêu chuẩn này quá cao, không hợp lý. Nhưng người lãnh đạo cần liên tục nâng cao yêu cầu và thúc đẩy đội nhóm để tạo ra sản phẩm, dịch vụ và quy trình chất lượng cao".

Để đảm bảo công ty sẽ tuyển dụng được những người tốt nhất và sáng giá nhất, Amazon thậm chí còn chỉ định ra một nhóm nhân viên hiện tại làm "những người thiết lập chuẩn mực". Dựa trên công việc hàng ngày của họ ở nhiều bộ phận khác nhau trong công ty, những nhân viên này còn có thêm nhiệm vụ là bổ sung thêm những tiêu chí mới cho việc tuyển dụng để nâng cao văn hóa và chất xám tại công ty.

3. "Người này có thể là siêu sao ở khía cạnh nào?"

Theo như Bezos, việc xem xét tài năng đặc thù của mỗi ứng viên cũng rất quan trọng.

"Có rất nhiều người với những kỹ năng, sở trường và quan điểm độc đáo có thể mang lại nhiều giá trị cho môi trường làm việc. Và thường đó là những điều thậm chí không liên quan gì tới công việc của họ", ông đã viết như thế trong lá thư năm 1998, đề cập đến sự hưng phấn của ông vào thời điểm đó khi tuyển dụng được một nhà vô địch của cuộc thi Đánh vần Tiếng Anh Quốc gia (National Spelling Bee).

Ông viết: "Tôi còn ngờ rằng kỹ năng đó chẳng giúp ích gì được cho cô ấy trong công việc hàng ngày, nhưng môi trường làm việc đã vui vẻ hơn khi bạn thỉnh thoảng lại đưa ra thách đố để cô ấy đánh vần một từ khó mỗi lần gặp cô ta".

Đưa ra quan điểm độc đáo trong công việc lại là một nguyên tắc khác trong 14 nguyên tắc của Amazon. Theo công ty, "những nhà lãnh đạo phải sáng tạo và giao tiếp theo một phương thức phá cách để truyền cảm hứng trong công việc". "Họ suy nghĩ khác biệt và quan sát mọi khía cạnh để đưa ra phương pháp phục vụ khách hàng tốt hơn".

Đối với những người trẻ muốn có được một vị trí tại Amazon, Giám đốc Tiếp nhận tài năng toàn cầu của công ty - ông Sean Kelly - nói với CNBC Make It rằng mức độ đáp ứng được 14 nguyên tắc đó chính là mấu chốt để được tuyển dụng.

"Những nguyên tắc lãnh đạo này mang tính giải trí", Kelley nói. "Cực kỳ dễ hiểu... Tất cả những gì bạn thực sự cần làm chính là kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện tương ứng với những nguyên tắc đó và giúp chúng tôi đi đến quyết định tuyển dụng bạn".

Thậm chí, nhiều công ty khác ngoài Amazon đã sử dụng những câu hỏi của Bezos làm một công cụ hữu hiệu cho bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Adora Cheung, một thành viên tại Y Combinator - "vườn ươm" starup uy tín tại Thung lũng Silicon, nói rằng cô thường đối chiếu lại với nội dung trong thư mà Bezos viết trước khi tuyển dụng một ai đó.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma