Bloomberg: Trung Quốc đề xuất mua bổ sung 30 tỷ USD nông sản Mỹ

22/02/2019 09:49

Trung Quốc đang đề xuất mua bổ sung thêm 30 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm, bao gồm đậu nành, bắp ngô và lúa mì như là một phần của thỏa thuận thương mại tiềm năng – vốn đang được cả hai quốc gia phác thảo ra, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg.

Bloomberg: Trung Quốc đề xuất mua bổ sung 30 tỷ USD nông sản Mỹ

Trung Quốc đang đề xuất mua bổ sung thêm 30 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm, bao gồm đậu nành, bắp ngô và lúa mì như là một phần của thỏa thuận thương mại tiềm năng – vốn đang được cả hai quốc gia phác thảo ra, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg.

Đề xuất mua bổ sung thêm nông sản của Mỹ sẽ được bao hàm trong biên bản ghi nhớ (MoU) mà các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang phác thảo ở Washington, dựa trên nguồn tin thân cận. Nếu đúng là như vậy, khoản mua nông sản Mỹ sẽ vượt mức trước thời điểm chiến tranh thương mại diễn ra.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết còn quá sớm để nhận định về việc Trung Quốc có thể mua những gì hoặc mua bao nhiêu theo thỏa thuận thương mại. “Tôi không muốn làm tăng hy vọng”, ông nói với các phóng viên tham gia hội nghị triển vọng thường niên của Bộ Nông nghiệp Mỹ ở Washington trong ngày thứ Năm (21/02). “Nếu chúng ta tiến tới một thỏa thuận về các cuộc cải cách cấu trúc thì thị trường có thể phục hồi rất, rất nhanh chóng thôi”.

Là một phần của các cuộc đàm phán, các quan chức cũng định bàn luận về việc gỡ bỏ các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp về hạt khô đã qua chưng cất, các sản phẩm phụ của ethanol bắp ngô – vốn được sử dụng để làm thức ăn cho động vật, dựa trên nguồn tin trên. Các hợp đồng tương lai đậu nành, bắp ngô và lúa mì leo dốc sau thông tin trên, trong đó hợp đồng bắp ngô tăng 1.3%.

“Trung Quốc sẽ nói những gì cần phải nói để có được một thỏa thuận, nhưng yếu tố then chốt sẽ nằm trong phần xác minh và triển khai thỏa thuận”, Arlan Suderman, Trưởng bộ phận kinh tế hàng hóa tại INTL FCStone, cho biết trong một báo cáo. “Tôi vẫn còn nghi ngại thỏa thuận như thế này sẽ có thể chấn chỉnh tình trạng mất cân bằng về đậu nành, nếu không có các mức hạn ngạch mua rất lớn và cụ thể”.

Trung Quốc liên tục đề xuất tăng cường mua nông sản và các sản phẩm năng lượng để thu hẹp khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Kể từ lúc hai bên tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại vào đầu tháng 12/2018, Trung Quốc đã nối lại việc nhập khẩu một số nông sản Mỹ, bao gồm cả đậu nành. Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, “rất nhiều” bắp ngô sẽ nằm trong danh sách mua hàng của Bắc Kinh.

Các MoU đang phác thảo được cho là bao gồm thêm nhiều lĩnh vực khác, như các rào cản phi thuế quan, dịch vụ, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Cơ chế triển khai thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng, nhưng có khả năng sẽ là một mối đe dọa đối với Trung Quốc: Mỹ sẽ tự động áp thuế nếu họ nhận thấy Trung Quốc vi phạm thỏa thuận.

Hiện vẫn chưa ai lên tiếng phản hồi về một tờ fax được gửi tới Bộ Thương mại Trung Quốc vào cuối ngày thứ Năm (21/02). Gao Feng, Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo trước đó rằng ông không có thông tin chi tiết nào liên quan tới các MoU đang được bàn luận. Gao Feng cũng cho biết, ông không thể cung cấp bất kỳ thông tin gì về các kết quả đàm phán cho tới khi vòng đàm phán hiện nay kết thúc.

Thị phần

Trong năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 24.2 tỷ USD nông sản Mỹ, trong đó 60% số này là hạt có dầu (oilseeds) và phần còn lại là những sản phẩm như thịt, bông, ngũ cốc và hải sản. Con số nhập khẩu này đã giảm bớt 1/3 giá trị xuống còn 16 tỷ USD trong năm 2018, khi Trung Quốc áp thuế đáp trả đối với hàng hóa Mỹ, nhất là nông sản.

“Đà tăng của giá nông sản ở Brazil và Argentina trong tuần này giúp Mỹ có vị thế tốt hơn để thu hút nhu cầu từ Trung Quốc nếu không có hàng rào thuế quan”, Terry Roggensack, một trong những người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Hightower Report, cho biết trong ngày thứ Năm (21/02).

Nếu không có thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc, có lẽ Brazil và Argentina sẽ chiếm lấy thị phần nhiều hơn và đáp ứng nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ sẽ bán nhiều hơn tới châu Âu, Trung Đông và các quốc gia châu Á khác, Robert Johansson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại USDA, cho biết trong ngày thứ Năm (21/02).

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma