Chiến lược đầu tư năm 2019: Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhóm ngành hàng tiêu dùng lên ngôi?

16/01/2019 10:03

“Do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu từ cuối năm 2018, yếu tố tâm lý lo sợ sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn đầu của năm 2019.”

Chiến lược đầu tư năm 2019: Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhóm ngành hàng tiêu dùng lên ngôi?

“Do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu từ cuối năm 2018, yếu tố tâm lý lo sợ sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn đầu của năm 2019.”

Ông Võ Văn Cường

Ông Võ Văn Cường – Giám đốc Đầu tư CTCP Chứng khoán Everest (EVS) đã có những chia sẻ với chúng tôi trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn về chiến lược đầu tư cho năm nay.

Sự tăng trưởng đến trễ

Ông Cường dự báo thị trường có thể diễn biến tiêu cực trong quý đầu tiên của năm, tuy nhiên một khi các yếu tố rủi ro như việc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt (hay ít nhất là không gia tăng căng thẳng) và chính sách tiền tệ của Fed mềm dẻo hơn, lập tức sẽ tác động tích cực đến thị trường toàn cầu.

Theo đó, nhờ hưởng lợi từ nền tảng tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được kỳ vọng sẽ chuyển hướng tăng trưởng trở lại trong 3 quý sau của năm 2019.

Định giá rẻ tại nhóm vốn hóa vừa

Xét doanh nghiệp niêm yết theo các nhóm vốn hóa, theo ông Cường, với định giá P/E trượt (trailing) 12 tháng hiện tại ở mức 9 lần đối với nhóm vốn hóa vừa (Mid Cap) là khá hấp dẫn cho nhà đầu tư. Với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 (so với 2018) của nhóm này đạt hơn 20%, do đó mức định giá P/E kỳ vọng quanh 7.5 là mức gần như rẻ nhất của các công ty thuộc nhóm cổ phiếu này theo số liệu ghi nhận trong lịch sử giao dịch từ năm 2009 đến nay (mức P/E thấp nhất vào năm 2011 ở mức 6 lần).

Đặc điểm của một cổ phiếu tốt

Khi được hỏi về đặc điểm của một cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2019, ông cho biết cổ phiếu đó nhiều khả năng sẽ thuộc ngành hàng tiêu dùng và có thị trường tiêu thụ nội địa lớn. Công ty đằng sau phải duy trì mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định lớn hơn 10% hàng năm, cùng với đó, hoạt động của nó nên ít phụ thuộc vào dòng vốn vay (đặc biệt là vay ngoại tệ), với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn thấp.

Chiến lược đầu tư cho năm 2019

“Theo tôi chiến lược đầu tư hợp lý là nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu vốn hóa vừa trong giai đoạn thị trường giảm mạnh vào đầu năm 2019 (phân bổ khoảng 55% giá trị danh mục). Sau đó có thể gia tăng việc mua cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng (25% giá trị danh mục) trong giai đoạn nửa sau của năm, nếu thị trường tăng điểm. Ngoài ra, nhằm hạn chế rủi ro thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư nên phân bổ một phần danh mục (khoảng 20%) cho các cổ phiếu thuộc nhóm phòng vệ như ngành dược và ngành tiện ích.”

“Ngành hàng tiêu dùng, trong đó các ngành cấp 2 như thực phẩm và đồ uống, phân phối và bán lẻ, vận tải và dịch vụ logistics sẽ là những ngành có cổ phiếu tăng trưởng vượt trội trong năm 2019. Nguyên do là nhờ: (1) các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thị phần nhờ sức mua và tăng trưởng ngành duy trì ở mức cao, (2) giá nguyên liệu đầu vào giảm, (3) doanh nghiệp sẽ tham gia sâu vào chuỗi cung toàn cầu nhờ thay đổi dòng chảy thương mại và tăng trưởng xuất nhập khẩu trong nước.” – ông Cường nhận định.

“Chiều ngược lại, bất động sản sẽ là ngành chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, ít nhất là trong giai đoạn đầu năm 2019; do (1) tăng trưởng tín dụng chậm lại đi kèm với (2) chính sách hạn chế tín dụng vào nhóm ngành này, (3) các dự án triển khai mới đang chậm so với tiến độ và (4) một số dự án cơ sở hạ tầng liên kết các dự án bất động sản có thể chậm lại.”

Vĩnh Thịnh

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma