Dầu WTI vọt gần 5% tuần qua khi căng thẳng Trung Đông leo thang

13/07/2019 07:36

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh trong tuần qua khi căng thẳng kéo dài ở khu vực Trung Đông, nhưng giá dầu chỉ tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu (12/07), khi một cơn bão ở Vịnh Mexico dự kiến chỉ làm giảm một lượng nhỏ sản lượng dầu và khí thiên nhiên trong khu vực, MarketWatch đưa tin.

Dầu WTI vọt gần 5% tuần qua khi căng thẳng Trung Đông leo thang

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh trong tuần qua khi căng thẳng kéo dài ở khu vực Trung Đông, nhưng giá dầu chỉ tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu (12/07), khi một cơn bão ở Vịnh Mexico dự kiến chỉ làm giảm một lượng nhỏ sản lượng dầu và khí thiên nhiên trong khu vực, MarketWatch đưa tin.

“Các hợp đồng dầu tương lai không phản ứng quá nhiều bởi vì cơn bão này không đủ mạnh để gây ra thiệt hại đáng kể và sản lượng bị mất đã được định giá”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, nhận định.

Đà tăng chung của giá dầu trong tuần qua được thúc đẩy một phần nhờ đà giảm 4 tuần liên tiếp của dự trữ dầu tại Mỹ. Thị trường cũng tăng mặc dù nhà đầu tư cân nhắc đến nhiều gợi ý cho thấy nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ dồi dào khi Mỹ cạnh tranh với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong bối cảnh kịch bản nhu cầu suy yếu hơn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex nhích 1 xu lên 60.21 USD/thùng và vọt 4.7% trong tuần qua. Hợp đồng này khép phiên ngày thứ Tư (10/07) tại mức 60.43 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 22/05/2019.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn tiến 20 xu (tương đương 0.3%) lên 66.72 USD/thùng. Hợp đồng này đã tăng 3.9% trong tuần qua và lên cao nhất kể từ tháng 5/2019.

Thị trường năng lượng vẫn tỏ ra cảnh giác khi căng thẳng kéo dài giữa Iran và phương Tây. Tehran vào ngày thứ Sáu cho biết Anh đang chơi “trò chơi nguy hiểm” sau vụ bắt giữ một tàu chở dầu của Iran hồi tuần trước vì nghi ngờ nước này vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu để đưa dầu đến Syria, Reuters đưa tin.

Trong khi đó, nhu cầu dầu toàn cầu dường như sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 16 năm khi thị phần sản lượng của Mỹ gia tăng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong ngày thứ Sáu. IEA cũng cho biết nhu cầu từ OPEC trong quý 1/2020 sẽ giảm xuống 28 triệu thùng/ngày.

Điều này có nghĩa là bất chấp những nỗ lực của OPEC cùng với các đồng minh để cắt giảm dự trữ, nguồn cung dầu toàn cầu đã tăng 300,000 thùng trong tháng 6. Các quốc gia OPEC+ gần đây đã gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2020.

IEA nhận định mặc dù có thỏa thuận của OPEC, nhưng điều này không đủ để thay đổi dự báo về một thị trường dư cung. Trong 6 tháng đầu năm 2019, nguồn cung dầu cao hơn nhu cầu khoảng 900,000 thùng/ngày.

“Sự dư cung này đã góp phần vào đà tăng mạnh của dự trữ dầu trong nửa cuối năm 2018 khi sản lượng dầu nhảy vọt ngay khi tăng trưởng nhu cầu bắt đầu suy giảm”, IEA cho hay.

OPEC cho biết trong một báo cáo riêng biệt vào ngày thứ Năm (11/07) rằng Tổ chức này dự báo nhu cầu dầu thô thế giới sẽ giảm vào năm tới, xuống bình quân 29.3 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 1.3 triệu thùng/ngày so với năm 2019.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu tại Mỹ đã chững lại  trong những tuần gần đây. Cụ thể, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 4 giàn xuống 784 giàn trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ không có nhiều phản ứng đối với một cơn bão ở Vịnh Mexico, giá tăng ban đầu được cho là do việc đóng cửa sản xuất trong ngắn hạn.

Cơn bão Barry dự kiến đổ bộ vào trung tâm Louisiana vào ngày thứ Bảy (13/07), Trung tâm Bão Quốc gia của Mỹ đưa tin.

Tính đến ngày thứ Sáu, tổng cộng gần 59% sản lượng dầu ở Vịnh Mexico và gần 49% sản lượng khí thiên nhiên đã tạm ngừng sản xuất để đề phòng, theo báo cáo từ Cục An toàn và Thực thi Môi trường.

Ảnh hưởng của cơn bão Barry đến sản lượng dầu sẽ tùy thuộc vào thời gian kéo dài và mức độ thiệt hại mà cơn bão gây ra cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực. Bão Barry có khả năng làm giảm sản lượng dầu thô của Vịnh Mexico từ 140,000 đến 230,000 thùng/ngày trong tháng 7, Platts cho biết.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ  Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 8 lùi 0.6% xuống 1.977 USD/gallon, nhưng vẫn tăng 2.5% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 8 nhích gần 0.1% lên 1.9801 USD/gallon và vọt 3.9% trong tuần qua.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 8 cộng 1.5% lên 2.453 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 1.4%.

An Trần

Fili

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma