Góc nhìn 12/04: Tâm lý lưỡng lự chi phối thị trường?

11/04/2019 18:32

Quan điểm của các công ty chứng khoán (CTCK) ít nhiều nghiêng về việc VN-Index có thể giảm trong ngắn hạn. Aseansc đánh giá VN-Index đang tiêu cực trong ngắn hạn về kỹ thuật, KBSV cho rằng tâm lý lượng vẫn đang chi phối thị trường.

Góc nhìn 12/04: Tâm lý lưỡng lự chi phối thị trường?

Quan điểm của các công ty chứng khoán (CTCK) ít nhiều nghiêng về việc VN-Index có thể giảm trong ngắn hạn. Aseansc đánh giá VN-Index đang tiêu cực trong ngắn hạn về kỹ thuật, KBSV cho rằng tâm lý lượng vẫn đang chi phối thị trường.

Vn-Index nghiêng về phía chiều giảm

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Phiên 11/04 là phiên tăng điểm nhẹ của thị trường chứng khoán Việt Nam, đi kèm với đó là việc thanh khoản tiếp tục suy giảm. Đây là những đặc điểm của một phiên 11/04 hồi phục kỹ thuật, theo SHS.

Chỉ tính riêng bộ đôi VIC (tăng 2.9%) và VHM (tăng 1.1%) đã đóng góp gần 3 điểm vào mức tăng của VN-Index trong phiên 11/04.

Khối ngoại đã quay trở lại bán ròng nhẹ khoảng 70 tỷ trên hai sàn HOSE và HNX khi thị trường hồi phục. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 4 phân kỳ với chỉ số cơ sở VN30 khi giảm trong phiên 11/04, qua đó nới rộng mức chiết khấu lên gần 13 điểm trong bối cảnh chỉ còn 4 phiên nữa là đáo hạn. Điều này tiếp tục cho thấy nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về việc thị trường sẽ điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch 12/04, xu hướng của VN-Index tiếp tục nghiêng về giảm nhiều hơn với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 980 điểm và xa hơn quanh 965 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên hạn chế mua vào trong giai đoạn này và có thể tận dụng những nhịp tăng điểm để bán giảm tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tích lũy thêm cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh của thị trường.

Tiêu cực trong ngắn hạn về kỹ thuật

CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 11/04, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, và đóng cửa tăng nhẹ nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM và MSN. Ở chiều ngược lại, VCB, GAS, VRE, BVHVPB là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá, tác động tiêu cực lên chỉ số.

Kết thúc phiên 11/04, chỉ số VN-Index tăng 4.04 điểm (tương ứng tăng 0.41%), đóng cửa ở mức 985.95 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 130 triệu cổ phiếu, giá trị gần 2,600 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (162 mã tăng/136 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 62 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào CTD, VJCAAA.

Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ nằm dưới các đường MA(5), MA(10) và MA(20), là tín hiệu khá tiêu cực trong ngắn hạn. Do đó, Aseansc  cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 970 – 980 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 950 – 960 điểm. Trong kịch bản tích cực, chỉ số cho phản ứng phục hồi trở lại thì vùng 990 – 1,000 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bắt đáy trong giai đoạn này, đồng thời giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, nhằm giảm thiểu rủi ro nếu vùng hỗ trợ 950 - 960 điểm tiếp tục bị phá vỡ. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 90% cash/10% stocks.

Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 35% - 45% danh mục

CTCK Bảo Việt (BVS): Phiên 12/04, BVS dự báo thị trường sẽ có biến động giằng co trong vùng 981 - 991 điểm.

Theo BVS, VN-Index cần vượt lên vùng kháng cự kể trên nếu muốn có sự chuyển biến tốt hơn về mặt xu hướng ngắn hạn. BVS đặt kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ quay lại thử thách vùng kháng cự tâm lý 1,000 điểm trong những phiên tiếp theo sau phiên 12/04.

Hiện tượng phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra và có thể sẽ tạo ra khó khăn đối với hoạt động tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư trên thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ hướng sự quan tâm đến các nhóm ngành như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, nhựa và một số cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời. Trong khi đó, BVS cho rằng các cổ phiếu Blue Chip và nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục dao động theo hướng giằng co, đi ngang là chủ đạo.

Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng 35% - 45% cổ phiếu. Hạn chế việc mua cổ phiếu ở các mức giá cao trong phiên và chỉ mở các vị thế giao dịch tại các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu trong các phiên thị trường điều chỉnh. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng.

Tránh mua đuổi tại vùng giá cao

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Các cổ phiếu vốn hoá lớn (dẫn đầu là VIC) đảo chiều tăng giá đã giúp thị trường phục hồi nhẹ trong bối cảnh làn sóng phân hoá nổi lên mạnh mẽ. Thanh khoản sụt giảm xuống dưới mức trung bình của năm 2019, đặc biệt trên nhóm VN30, cho thấy tâm lý lưỡng lự đang chi phối thị trường.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi tại vùng giá cao trong phiên 12/04, tiếp tục kết hợp các chiến lược giao dịch ngắn theo chiều bán trước mua sau để giảm giá vốn của các vị thế đang nắm giữ trong danh mục. Trong trường hợp thị trường quay đầu giảm điểm, việc tích lũy từng phần chỉ nên được cân nhắc khi giá cổ phiếu về lại các vùng hỗ trợ mạnh.

Vĩnh Thịnh

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma